Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam tăng nhanh sau kỳ nghỉ Tết

Tốc độ ghi nhận ca nhiễm mới tại Việt Nam tiếp tục đà tăng sau khi giảm mạnh trong thời gian nghỉ lễ và lên ngưỡng gần 17.000 trường hợp.

Tính từ 16h ngày 6/2 đến 16h ngày 7/2, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.815 ca nhiễm mới. Trong đó, 6 ca nhập cảnh và 16.809 trường hợp ghi nhận trong nước (tăng 2.704 F0 so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 11.147 người trong cộng đồng).

Từ hơn 8.500 ca mắc Covid-19 được phát hiện trong mùng 3 Tết, số người dương tính với nCoV tại Việt Nam đã nhanh chóng tăng trở lại ngưỡng gần 17.000 trường hợp sau 4 ngày. Số ca mắc mới được các chuyên gia y tế dự báo sẽ tăng thêm trong những ngày tới khi mức độ giao lưu, tiếp xúc của người dân cao hơn.

Hà Nội có gần 3.000 ca mắc mới trong ngày

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội tối 7/2, địa phương này vừa ghi nhận thêm 2.988 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua. Hà Nội đã có tổng cộng 154.170 ca mắc Covid-19 tính từ ngày 29/4/2021 đến nay.

Bộ Y tế cũng ghi nhận Hà Nội là một trong 5 địa phương có số ca mắc Covid-19 tích lũy cao nhất trong đợt dịch lần này, bên cạnh TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh.

 Nguồn: Sở Y tế Hà Nội.

Thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cập nhật lần gần nhất, cho thấy Hà Nội có 323 F0 đang điều trị tại các bệnh viện diễn biến nhẹ, không xuất hiện triệu chứng.

Ngoài ra, thành phố đang điều trị cho 1.350 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình, 646 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch (giảm 2,1% so với trung bình 7 ngày trước).

Trong đó, 553 ca phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính, 26 trường hợp thở oxy dòng cao (HFNC), 23 người thở máy không xâm lấn, 42 ca thở máy xâm lấn, một bệnh nhân được lọc máu và một trường hợp phải can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).

Từ ngày mùng Một Tết đến nay, số ca mắc mới tại Hà Nội đang có chiều hướng tăng dần trở lại sau khoảng thời gian giảm đột ngột.

Trước đó, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cũng đã dự báo thời gian này có thể ghi nhận mức giảm "giả" do người dân về quê và sẽ tăng trở lại sau Tết. Việc phòng, chống dịch của Hà Nội đang được tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng, tử vong vẫn trong giới hạn kiểm soát.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, thành phố hiện không còn điểm phong tỏa trên địa bàn. Toàn bộ 1.290 khu vực phong tỏa trước đó đều đã được dỡ bỏ.

Tình hình dịch tại khu vực miền Trung phức tạp

Trong ngày 7/2, Nghệ An đã vượt qua Đà Nẵng để đứng vị trí thứ 2 cả nước về số ca mắc mới với 1.247 trường hợp dương tính. Đây cũng là lần đầu tiên địa phương này vượt mốc 1.000 người nhiễm nCoV sau 24 giờ trong làn sóng dịch thứ 4.

Thống kê của Bộ Y tế cũng cho thấy Nghệ An là địa phương có số ca nhiễm nCoV tăng cao nhất so với ngày trước đó (cao hơn ngày 6/2 tới 572 ca).

 

Với mục tiêu đảm bảo hiệu quả phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa xuân, Nghệ An đã tổ chức tiêm vaccine cho toàn bộ người dân từ 12 tuổi trở lên có chỉ định và đến thời gian tiêm theo hướng dẫn xuyên suốt 10 ngày nghỉ.

Nhân viên y tế có mặt 24/24 tại các điểm tiêm để thực hiện nhiệm vụ. Tất cả người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine, kể cả những người mắc Covid-19 đã điều trị khỏi hoặc có chỉ định hoãn tiêm trong các đợt tiêm trước, đều được tiêm vaccine.

Tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người đi làm xa về địa phương đón Tết và khách du lịch, khách vãng lai được tiêm chủng trong thời gian này.

Xếp sau Nghệ An, trong ngày 7/2, Đà Nẵng ghi nhận 935 người mắc Covid-19. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, số ca mắc Covid-19 trong ngày của Đà Nẵng cũng đã tăng từ ngưỡng 100-200 lên khoảng 900 trường hợp.

 

Trong đợt thời gian nghỉ Tết, số người mắc của địa phương này cũng có xu hướng giảm nhẹ còn khoảng 700 ca. Tuy nhiên, trong 2 ngày vừa qua, con số này đã tăng trở lại về mốc 900 trường hợp.

Trung bình tuần qua, Đà Nẵng cũng đứng thứ 2 về số lượng F0 trong ngày với khoảng 821 ca/ngày.

Tập trung tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 14 về việc mua vaccine phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Cụ thể, Chính phủ quyết nghị đồng ý việc Thủ tướng cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu đối với việc mua 21,9 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi.

Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua, triển khai tiêm vaccine Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.

 Sau nhóm 12-17 tuổi, trẻ 5-11 tuổi chuẩn bị được tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đang rất thận trọng, đánh giá toàn diện và thường xuyên tham khảo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như các quốc gia trên quốc tế.

“Tới nay, WHO đã chính thức cấp phép cho vaccine Pfizer/BioNTech được tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Trong khi đó, 37 quốc gia trên thế giới đã có kế hoạch và tiêm vaccine cho nhóm này. Một số nơi tiêm cho toàn bộ trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Số còn lại chỉ tiêm cho nhóm trẻ có nguy cơ cao”, Bộ trưởng nói.

Bộ Y tế cũng đặt vấn đề an toàn tiêm chủng lên trên hết, đặc biệt là với trẻ em. Khi có vaccine, Việt Nam cũng sẽ triển khai từng bước thận trọng, chắc chắn và đảm bảo an toàn tiêm chủng lên hàng đầu. Việc triển khai tiêm cũng sẽ theo chương trình cũ, không bắt buộc nhưng khuyến cáo dành cho tất cả người dân.

“Vừa qua, một số trường hợp cũng đã từ chối tiêm sau khi đưa ra nhiều lý do. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đa phần trường hợp tử vong do Covid-19 thời gian qua là người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine. Tỷ lệ này lên tới gần 80%. Đây là điều rất đáng tiếc”, Bộ trưởng Y tế nhận định.

Tác giả: Quốc Toàn

Nguồn tin: zingnews.vn