Kỷ luật 32 cán bộ cấp cao liên quan đến tham nhũng
- 09:53 21-01-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Con số trên được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập khi chủ trì phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực, diễn ra sáng 20/1.
Tổng bí thư đánh giá công tác PCTN, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả rõ rệt, có mặt cao hơn năm trước. Điều này khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trong PCTN với tinh thần “không ngừng”, “không nghỉ”, không vì chống dịch mà chùng xuống, không xử lý.
Kỷ luật 618 đảng viên
Cơ chế phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được thực hiện nghiêm đi kèm với việc xử lý nghiêm minh nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm, theo Tổng bí thư, đã tạo bước đột phá mới trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tăng cường kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đối với 618 đảng viên tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 132 đảng viên so với năm 2020).
Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực. Ảnh: TTXVN. |
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm 2020).
Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi hơn 81.000 tỷ đồng và 811 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.286 tập thể và 6.132 cá nhân; nhất là đã hoàn thành thanh tra chuyên đề diện rộng việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư, đấu thầu thuốc chữa bệnh; việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai tại 3 tập đoàn, tổng công ty.
Qua kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan đã chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý hơn 330 vụ việc có dấu hiệu tội phạm (tăng hơn 3 lần so với năm 2020). Cơ quan tiến hành tố tụng đã kịp thời cung cấp thông tin, chuyển tài liệu sai phạm của nhiều cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, kiểm tra, xử lý theo quy định của Đảng.
Tổng bí thư cho biết công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án chuyển biến tích cực, các cơ quan chức năng đã thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 15.000 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị lớn.
Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ năm 2013 đến nay đã thu hồi được hơn 31.000 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 33,33%); trong đó, năm 2021 đã thu hồi được trên 9.000 tỷ đồng (tăng hơn 7.100 tỷ đồng so với năm 2020), nhất là đã thu hồi được số tiền gần 2,7 triệu USD và 127.000 đôla Singapore của Phan Sào Nam ở nước ngoài.
10 vụ trọng án được xét xử
Trong năm 2021, cả nước đã khởi tố, điều tra 390 vụ án với 1.011 bị can về các tội liên quan hành vi tham nhũng, lợi dụng chức vụ.
“Điểm nổi bật là đã khởi tố mới nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp; tiếp tục mở rộng điều tra, kiên quyết, kiên trì đi sâu làm rõ bản chất tham nhũng, tiêu cực trong nhiều vụ án, khởi tố thêm nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, trong đó có 10 trường hợp cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”, Tổng bí thư nêu.
Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong phiên xét xử vụ án Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Ảnh: Hoàng Linh. |
Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực cho biết các cơ quan đã xét xử kịp thời 10 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
|
Tác giả: Hoài Thu
Nguồn tin: zingnews.vn