Có nên thuê gia sư cho trẻ mầm non?
- 08:33 17-01-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của đồ công nghệ đối với trẻ, mỗi ngày, phụ huynh đều dành thời gian để trò chuyện và học cùng với bé (Ảnh: Internet). |
Đủ chiêu dạy con
Trường học đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19, đã hơn nửa năm con không được đến trường cũng không học online, chị Nguyễn Thị Thảo ở Quận Cầu Giấy (Hà Nội) có con đang trong độ tuổi mầm non bày tỏ sự lo lắng khi con bị ảnh hưởng tâm lý: "Trước khi nghỉ dịch, con hoạt bát và hiếu động vô cùng. Một, hai tháng trở lại đây, tính cách con có sự thay đổi rõ rệt, có khi trầm tính, ít nói, rồi đột nhiên cáu gắt."
Nhiều khi đi làm về mệt mỏi mà con không ngừng quấy khóc, mè nheo, chị Thảo đành phải thỏa hiệp và cho con sử dụng smartphone, Ipad để xem các chương trình giải trí. Tuy nhiên, việc lạm dụng điện thoại thông minh vô tình sẽ khiến trẻ "bị nghiện" và dần có xu hướng ngại hoặc thậm chí là không muốn giao tiếp với bố mẹ.
Cùng chung nỗi lo về việc tinh thần và tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng, chị Vũ Thanh Huyền ở Quận Hoàng Mai (Hà Nội) còn lo ngại con sẽ bị chậm phát triển trong giao tiếp, nhận thức, vận động,... do ở nhà quá lâu. Vậy nên, dù công việc khá bận rộn, chị Huyền vẫn dành thời gian tìm và tham khảo thêm từ sách, các hội nhóm, cùng với sự hỗ trợ, tư vấn của giáo viên để có cách dạy con phù hợp. Đồng thời hạn chế được việc con tiếp xúc quá nhiều với đồ công nghệ: "Dù là ở nhà, tôi vẫn muốn con được sống đúng với môi trường, lứa tuổi để con được phát triển ổn định và toàn diện."
Chị Huyền cho biết, để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của đồ công nghệ đối với trẻ, mỗi ngày, chị đều dành thời gian để trò chuyện và học cùng với bé: đọc sách cho bé nghe, mua sách cho bé tô màu, tập viết chữ. Đặc biệt, để giúp con tăng khả năng nhận biết và được quan sát nhiều hơn, chị thường dẫn con đi chợ để dạy cho con những bài học nhỏ mỗi ngày như: chỉ cho con những loại rau củ, thực phẩm; dạy con phân biệt các loại màu sắc, … Đồng thời, những ngày hoàn thành công việc sớm, chị sẽ dẫn con xuống khu vui chơi của chung cư để vận động thể chất và có thời gian sinh hoạt cùng các bạn đồng trang lứa.
Cha mẹ hãy cố gắng dành thời gian nhiều nhất có thể để học, chơi và trò chuyện cùng con (Ảnh: minh họa). |
Không có nhiều thời gian dành cho con như chị Huyền thêm vào đó là đặc thù công việc không được làm việc từ xa, chị Thảo quyết định gửi con về quê cùng ông bà nội với mong muốn con có môi trường sinh hoạt phù hợp: "Dù rất muốn đồng hành cùng con nhưng do công việc quá bận rộn không có thời gian dành cho con nên vợ chồng tôi quyết định gửi con về với ông bà nội và sẽ tranh thủ về thăm con vào mỗi dịp cuối tuần. Tình hình dịch dã ở đó không căng thẳng như trên thành phố, thêm nữa là xung quanh có nhiều bạn bè chạc tuổi nên dễ dàng chơi đùa cùng cháu hơn là ở với bố mẹ."
Khi được hỏi về hiệu quả của việc giáo dục con tại nhà trong thời gian qua, chị Huyền đánh giá tuy có hiệu quả nhưng không được như mong đợi: "Mặc dù được giáo viên hỗ trợ tư vấn trực tuyến, cùng đó tôi cũng thường xuyên đổi mới cách dạy để con không cảm thấy chán nản và dễ tiếp thu hơn, nhưng vì không có nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ năng và chuyên môn nghiệp vụ nên việc giáo dục con tại nhà, tôi nhận thấy có hiệu quả nhưng không mang lại kết quả cao. Theo tôi, các con được đi học trở lại vẫn là phương án tốt nhất."
Có nên thuê gia sư cho trẻ mầm non?
Bên cạnh việc tự giáo dục con cái tại nhà, một số phụ huynh chia sẻ rằng đã mời giáo viên đến nhà để dạy học cho các bé. Theo chị Kiều Thu Huyền ở Quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), trường học đóng cửa, thời gian bé ở nhà quá lâu khiến lịch sinh hoạt bị đảo lộn, chính vì vậy chị lo lắng con sẽ bị thiếu hụt kiến thức, nhất là ở độ tuổi sắp bước vào lớp một.
Trao đổi với PV, bà Trần Thị Mai - Phó hiệu trưởng trường mầm non Quan Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Nhà trường tổ chức cho giáo viên xây dựng kế hoạch cụ thể về việc giao lưu, trò chuyện, làm clip cho học sinh sau đó Ban giám hiệu và tổ chuyên môn duyệt kế hoạch, nội dung cũng như hình thức trước khi gửi đến cho các cấp lãnh đạo và phụ huynh học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường cũng chủ động phân công cho giáo viên đồng hành cùng các bậc phụ huynh nhằm chia sẻ kinh nghiệm và nắm bắt tình hình học tập của trẻ."
Bà Trần Thị Mai - Phó hiệu trưởng trường mầm non Quan Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) (Ảnh: NVCC). |
Cũng như nhiều phụ huynh khác, chị Thu Huyền vừa phải chăm con, vừa phải lo công việc tại cơ quan do đó việc theo sát con trong sinh hoạt hằng ngày gặp nhiều khó khăn. Chị cho biết thêm: "Trong thời gian nghỉ học, mỗi tuần, nhà trường sẽ gửi chương trình học để phụ huynh có thể dạy cho con ở nhà. Tuy nhiên trên thực tế, khi học cùng bố mẹ hay người thân trong gia đình, con thường nhõng nhẽo, mất tập trung vào bài học và nhanh chán nản nên hiệu quả kém."
Nhận thấy con đang trong độ tuổi vàng để học tiếng Anh, chị đã mời giáo viên đến để dạy kèm ngoại ngữ cũng như các kỹ năng cần thiết cho con. Song song với đó, chị chia sẻ: "Tôi cũng nghiên cứu và chọn các phần mềm học tiếng Anh để con nắm thêm kiến thức tránh tình trạng "mất gốc" khi trở lại với "trạng thái học tập".
Dẫu đem lại hiệu quả tương đối khả quan, xong việc thuê gia sư cho trẻ mầm non còn vướng nhiều tranh cãi. Một số phụ huynh cho rằng việc mời gia sư cho trẻ còn đang học mầm non là điều không cần thiết và khá tốn kém. Tuy rằng không thể so sánh với các thầy cô có chuyên môn sư phạm nhưng cha mẹ hoàn toàn có thể chăm sóc và dạy dỗ các bé. Thêm vào đó, việc học kiến thức như tập viết, tập đoạn, tính toán, ngay từ bây giờ là còn khá sớm, có khả năng gây áp lực cho trẻ, khiến trẻ không sống đúng với độ tuổi.
Trong khi đó, số phụ huynh còn lại ủng hộ việc thuê gia sư để con được học tập trong môi trường đào tạo bài bản, cũng như được chăm sóc kỹ lưỡng khi cha mẹ không có nhiều thời gian dành cho con. Chia sẻ về vấn đề này, bà Trần Thị Mai cho rằng, việc chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ hằng ngày là sợi dây gắn kết tình cảm gia đình quan trọng nhất với trẻ trong giai đoạn còn nhỏ. Vậy nên dù ít hay nhiều, cha mẹ hãy cố gắng dành thời gian đồng hành cùng con trong quãng thời gian đầu đời.
"Không ai có thể chăm sóc, giáo dục trẻ tốt bằng cha mẹ. Bởi không ai yêu thương và hiểu bé như cha mẹ. Tuy nhiên nhiều phụ huynh do bận việc nên không thể trực tiếp chăm sóc giáo dục trẻ mà phải thuê gia sư thì gia đình cần cân nhắc và tìm hiểu kỹ trước khi gửi trẻ. Trước hết là tìm hiểu về trình độ, uy tín, đạo đức của gia sư, sau đó phụ huynh cần có hợp đồng cụ thể, chi tiết về quyền lợi, trách nhiệm trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Tuyệt đối không chủ quan giao phó toàn bộ việc chăm sóc, giáo dục trẻ cho gia sư" - bà Mai nhấn mạnh.
Trên thực tế, việc có thuê gia sư cho con hay không, còn tùy thuộc vào nhu cầu, điều kiện kinh tế, quan điểm và sự cần thiết của tùy từng gia đình và trẻ nhỏ. Bà Mai chia sẻ thêm, cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện cùng con để biết được tâm tư, tình cảm của con cũng như tâm tư, tình cảm của gia sư để linh hoạt điều chỉnh cho con được đảm bảo về mọi mặt một cách tốt nhất. Hơn thế nữa, hiện nay diễn biến dịch phức tạp, việc bảo đảm an toàn cho trẻ là nhiệm vụ cấp thiết đối với các bậc cha mẹ.
Tác giả: Phùng Quyên - Hoài Linh
Nguồn tin: Báo Dân trí