Vì sao Kazakhstan quyết dựa vào Nga trong khủng hoảng?
- 09:03 15-01-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp người đồng cấp Kazakhstan Tokayev vào tháng 8/2021 tại Moscow (Ảnh: NYT). |
Tổng thống Kassym-Jomart Kemelevich Tokayev sinh ra và lớn lên trong một gia đình kỹ trị. Ông là con trai của một nhà trí thức lỗi lạc của Liên Xô, từng học tại một học viện hàng đầu ở Moscow dành cho các nhà ngoại giao, và sau đó làm việc tại Đại sứ quán Liên Xô ở Bắc Kinh (Trung Quốc).
Ông Tokayev từng là cố vấn chính trị số 1 cho vị cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev, người đã lãnh đạo đất nước Trung Á giàu dầu mỏ này trong gần ba thập niên kể từ khi nước này tách khỏi Liên Xô cũ vào năm 1991 cho đến khi buộc phải từ chức vào năm 2019. Và sau khi cựu Tổng thống Nazarbayev từ chức, ông Tokayev lên nắm quyền. Nhưng ông Nazarbayev, 81 tuổi, được tin là vẫn duy trì ảnh hưởng lớn phía sau hậu trường.
Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng biểu tình đẫm máu bùng nổ tại Kazakhstan, đã có nhiều đồn đoán cho rằng, đây là dấu hiệu của cuộc chiến quyền lực giữa các phe phái trên chính trường.
Thực tế là Tổng thống Tokayev ngoài trấn áp mạnh mẽ những phần tử kích động bạo loạn, mà ông gọi là những "kẻ khủng bố", còn sa thải vị trí quyền lực chủ tịch Hội đồng An ninh của ông Nazarbayev và một số quan chức an ninh hàng đầu là thân tín của cựu Tổng thống quyền lực này.
Để được hỗ trợ trong bối cảnh đó, ông Tokayev đã hướng sang Tổng thống Nga Vladimir Putin. Và rất nhanh chóng, ông Putin đã nhanh chóng phản hồi đề nghị giúp đỡ từ ông Tokayev bằng cách điều lực lượng gìn giữ hòa bình do Nga dẫn đầu trong khuôn khổ của Tổ chức Hiệp định An ninh Tập thể (CSTO) đến Kazakhstan để dẹp yên bạo loạn.
Cũng còn sớm để nói việc Nga can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Kazakhstan có phải là chiến thắng của Tổng thống Putin hay không. Nhưng theo các chuyên gia, việc ông Tokayev nhanh chóng nhờ cậy Nga là một sự lựa chọn đúng lúc và cũng báo hiệu cho những thay đổi địa chính trị sắp đến tại khu vực vốn đang chứng kiến sự tranh giành ảnh hưởng gay gắt giữa Nga, Trung Quốc và cả Mỹ.
Các nhà phân tích và các chuyên gia về khu vực Trung Á cho rằng, khi cuộc khủng hoảng nổ ra, Tổng thống Tokayev, 68 tuổi, dường như đã gặp khó khăn. Trong một bài phát biểu quyết đoán hôm 7/1, ngoài việc cảnh báo rằng lực lượng an ninh chính phủ sẽ mạnh tay đối phó làn sóng biểu tình bạo loạn, Tổng thống Tokayev thể hiện sự tôn trọng đối với ông Putin, gửi lời cảm ơn đặc biệt tới nhà lãnh đạo Nga vì đã hỗ trợ "rất kịp thời và quan trọng nhất, nồng nhiệt, một cách thân thiện". Ông Tokayev một lần nữa bày tỏ "lòng biết ơn đặc biệt" đối với Nga trong cuộc điện đàm với ông Putin hôm 8/1, Điện Kremlin cho biết.
Trong nhiều thập niên, ông Tokayev đã xây dựng danh tiếng là một nhà kỹ trị hiệu quả, lão luyện trong việc giúp chính quyền của Tổng thống Nazarbayev lúc đó cân bằng chính sách đối ngoại của Kazakhstan với các nước láng giềng Trung Quốc và Nga, và kể cả nhà đầu tư kinh tế lớn mạnh là Mỹ.
Và kể từ khi nhậm chức, ông Tokayev chưa từng phải đối mặt với các cạnh tranh chính trị thực sự. Nhưng giờ đây, nhà lãnh đạo này đang đối mặt với các đối thủ đáng gờm từ ngay bên trong giới lãnh đạo cao nhất của chính phủ, trong đó có một số người rất thân cận của cựu Tổng thống Nazarbayev.
Bà Erica Marat, giáo sư tại Đại học Quốc phòng Quốc gia ở thủ đô Washington (Mỹ), cho rằng sau cuộc khủng hoảng lần này, Kazakhstan sẽ tiếp tục liên kết nhiều hơn với Nga để chống lại phương Tây trong các vấn đề địa chính trị và toàn cầu.
Tác giả: Thanh Thành
Nguồn tin: Báo Dân trí