Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chuyện khó tin phía sau ca ghép tim lợn cho người đầu tiên trên thế giới

David Bennett đã đấu tranh tư tưởng rất nhiều trước khi quyết định lên bàn mổ và trở thành người đầu tiên trên thế giới được thực hiện ghép tim lợn.

 Nhóm y bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật ghép tim cho David Bennett tại Mỹ (Ảnh: USA Today).

David Bennett, bệnh nhân 57 tuổi tại Maryland, đã trở nên "nổi tiếng" khi trở thành người đầu tiên được ghép tim lợn sau ca phẫu thuật tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland ở Mỹ hôm 7/1. Đây là ca ghép tim lợn vào cơ thể người thành công đầu tiên trên thế giới và đánh dấu lần đầu tiên một con lợn biến đổi gene được sử dụng làm "vật hiến tạng".

"Đó thực sự là một phép màu. Đó là những gì bố tôi cần", David, con trai bệnh nhân, nói hôm 9/1 - 2 ngày sau ca phẫu thuật kéo dài sự sống của cha mình.

Trong ca phẫu thuật kéo dài 9 giờ, các bác sĩ đã thay thế trái tim của Bennett bằng tim của một con lợn 1 tuổi, đã được chỉnh sửa gene và lai tạo đặc biệt cho mục đích ghép tạng.

Sau ca phẫu thuật, Bennett đã có thể tự thở mà không cần thở máy, mặc dù ông vẫn cần một máy tim - phổi ECMO để bơm nửa lượng máu trong cơ thể. Các bác sĩ dự định sẽ tháo máy dần dần cho ông khi tình hình sức khỏe ổn định hơn.

Trước khi đổ bệnh, Bennett từng là người khá khỏe mạnh. Ông bắt đầu bị đau ngực dữ dội vào tháng 10 năm ngoái. Bennett đã tới Trung tâm Y tế Đại học Maryland trong tình trạng mệt mỏi và khó thở.

David, con trai Bennett và là một nhà vật lý trị liệu, hiểu mức độ nghiêm trọng về tình trạng sức khỏe của cha mình. "Ông không thể leo nổi 3 bậc cầu thang", David kể lại.

Các bác sĩ đã mất 2 tháng để cố gắng cứu lấy trái tim của Bennett, nhưng không thành công. Các chương trình ghép tạng, vốn rất ít ỏi, cũng từ chối ghép tim cho Bennett. Ông bị cho là không đủ điều kiện để được ghép tim nhân tạo vì chứng rối loạn nhịp tim không thể kiểm soát.

Mỗi năm, chỉ có khoảng 3.000 bệnh nhân tại Mỹ đủ may mắn để được ghép một trái tim mới, và 20% trong số những người trong danh sách chờ đã qua đời trước khi được ghép tạng hoặc yếu đến mức không đủ điều kiện để ghép.

Bennett không đủ điều kiện để được đưa vào danh sách ghép tạng, vì ông không tuân theo chỉ định của bác sĩ, bỏ lỡ các cuộc hẹn khám bệnh và ngừng sử dụng thuốc được kê đơn.

Lúc đầu, Bennett không muốn tham gia vào ca phẫu thuật thử nghiệm ghép tạng động vật. Ông lo sợ rủi ro do phẫu thuật và không muốn chết trên bàn mổ. Tuy nhiên, Bennett đã thay đổi ý định khi ông nhận ra rằng, mình có thể sẽ không bao giờ rời khỏi bệnh viện nếu không phẫu thuật.

"Bố tôi biết rằng đây là lựa chọn tốt nhất của mình. Ông ấy là một chiến binh và có khát vọng sống", David nói.

Mặc dù Bennett vẫn còn một chặng đường dài phía trước, nhưng David cho biết anh rất lạc quan về tương lai của cha mình.

"Bố tôi đã nói với cả hai chị em gái của ông và tôi rằng: "Đừng lo lắng. Chúa đang nắm tay tôi". Tôi tin rằng vẫn có lý do để hy vọng", David nói.

David chia sẻ rằng, ngay cả khi ca phẫu thuật không thay đổi được số phận của Bennett, nó cũng giúp ông để lại một di sản.

"Bất kể điều gì xảy ra, bố vẫn muốn giúp đỡ những người khác", Bennett nói với con trai trước khi phẫu thuật.

Đánh cược số phận

 Bệnh nhân David Bennett (phải) và bác sĩ phẫu thuật Bartley Griffith (Ảnh: EPA).

Mặc dù vẫn mong muốn được ghép tim người, nhưng Bennett quyết định đánh cược vào phương pháp điều trị mới, vì ông hiểu rằng mình có thể sẽ tử vong nếu không có trái tim mới thay thế.

"Buổi tối cuối cùng trước ca phẫu thuật, tôi đã nói chuyện với bệnh nhân. Ông ấy nói rằng: "Tôi thực sự muốn được ghép tim người". Tôi nói: "Tôi cũng muốn ông được ghép tim người. Việc lấy quả tim lợn đó ra khiến chúng tôi phát điên, nhưng lựa chọn do ông quyết định", bác sĩ Bartley Griffith, người chỉ đạo cuộc phẫu thuật, cho biết. Griffith nói rằng, điều khó nhất của việc thực hiện phẫu thuật thử nghiệm là phải nói chuyện trước với bệnh nhân.

"Hoặc là chết, hoặc là thực hiện ca cấy ghép này. Tôi muốn sống. Tôi biết đó là tia sáng le lói trong bóng tối, nhưng đó là lựa chọn cuối cùng của tôi", ông Bennett cho biết trước khi tiến hành phẫu thuật.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ đã làm việc tích cực vào cuối năm ngoái, trước khi cấp phép khẩn cấp cho các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép.

Các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu để có thể đưa tim từ động vật được chỉnh sửa gene vào hoạt động trong cơ thể người mà không bị đào thải. Nghiên cứu này đã được đẩy nhanh trong suốt một thập niên nhờ vào các công nghệ nhân bản và chỉnh sửa gene mới.

Trái tim cấy ghép cho ông Bennett được lấy từ một con lợn bị biến đổi gen do Revivicor, một công ty dược có trụ sở tại Blacksburg, bang Virginia, Mỹ cung cấp. Con lợn đã được chỉnh sửa gen 10 lần. 4 gene đã bị loại bỏ hoặc bất hoạt, bao gồm một gene mã hóa phân tử gây ra phản ứng thải ghép ở người.

Bác sĩ Mohiuddin, người cùng với bác sĩ Griffith thực hiện nhiều nghiên cứu dẫn đến quá trình cấy ghép, cho biết, một gene tăng trưởng cũng bị bất hoạt để ngăn tim lợn tiếp tục phát triển sau khi được cấy ghép vào cơ thể người. Ngoài ra, 6 gene người đã được đưa vào bộ gene của lợn hiến tặng và chỉnh sửa chúng để có khả năng chịu đựng tốt hơn đối với hệ thống miễn dịch của con người.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng một loại thuốc thử nghiệm mới do bác sĩ Mohiuddin phát triển và do Kiniksa Pharmaceuticals sản xuất để ức chế hệ thống miễn dịch và ngăn chặn sự đào thải. Họ cũng sử dụng một thiết bị truyền dịch bằng máy mới để giữ tim lợn được bảo quản cho đến khi phẫu thuật.

Các nhà nghiên cứu kỳ vọng những thành tựu cấy ghép sẽ mở ra một kỷ nguyên mới của y học trong tương lai, khi nửa triệu người Mỹ vẫn đang thiếu các cơ quan nội tạng hiến tặng để chờ cấy ghép. Hơn 100.000 người tại Mỹ đang ở trong danh sách chờ ghép tạng và họ phải chịu đựng các triệu chứng và tác dụng phụ khủng khiếp. Khoảng 6.000 người trong số này qua đời mỗi năm trong khi vẫn đang chờ đợi trong vô vọng để có thể được thận, tim hoặc phổi của người xấu số nào đó.

"Đây là một bước đột phá thực sự đáng chú ý. Tôi rất vui mừng khi biết tin này và nó sẽ mang lại hy vọng cho gia đình tôi cũng như những bệnh nhân khác, những người cuối cùng sẽ được cứu sống nhờ bước đột phá này", Robert Montgomery, bác sĩ phẫu thuật và cũng là một bệnh nhân ghép tim, nói về ca phẫu thuật của Bennett.

 Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí