Vụ kit test Việt Á: Đã kê biên 28 bất động sản, phong tỏa 320 tỷ, khởi tố 19 người
- 10:59 12-01-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
Mở rộng điều tra vụ test Covid-19 Việt Á
Phát biểu bế mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội chiều 11/1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, Quốc hội đã xem xét, thông qua nghị quyết kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV để thể chế hóa kết luận của Bộ Chính trị về chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, kỳ họp bất thường lần thứ nhất có nhiều nội dung hết sức quan trọng không chỉ cho năm 2022 mà cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.
Ông nói, tác động của đại dịch Covid-19 trong hơn 2 năm qua đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân, người lao động gặp nhiều khó khăn, tốc độ phục hồi kinh tế còn chậm, có nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới.
Do đó, Quốc hội cần có các quyết sách kịp thời nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ |
Chủ tịch Quốc hội cho hay các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan có liên quan đã nỗ lực tối đa, không quản ngày đêm trong việc tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến của đại biểu để Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua 1 Luật và 4 Nghị quyết với sự thống nhất rất cao, góp phần vào thành công thực chất của kỳ họp.
Trong đó, Quốc đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhanh, quyết liệt và nâng cao tỷ lệ bao phủ vắc xin và tiêm mũi tăng cường cho người lớn, nghiên cứu kỹ lưỡng và có lộ trình phù hợp, khoa học để tiêm vắc xin cho người dưới 18 tuổi, nhất là trẻ em.
Chú trọng hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao đạo đức công vụ, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu liên quan đến tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách trong việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch bệnh.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc Quốc hội yêu cầu xử lý các vấn đề liên quan đến vụ kit test Covid-19 của Công ty Việt Á.
"Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tập trung lực lượng, khẩn trương, quyết liệt, mở rộng điều tra làm rõ việc giao nhiệm vụ, nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, thông tin, tuyên truyền, khen thưởng, tổ chức sản xuất, chất lượng sản phẩm và việc mua bán kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á.
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan để làm rõ bản chất của vụ án, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Để các nghị quyết của kỳ họp bất thường đi vào cuộc sống, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngay sau kỳ họp, các cơ quan khẩn trương triển khai, thực hiện nhanh chóng, kịp thời các Luật, Nghị quyết sớm phát huy hiệu quả, khắc phục tình trạng "đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng".
Xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân
Tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp bất thường lần thứ nhất vào chiều 11/1, trả lời thêm về việc Quốc hội yêu cầu Chính phủ làm rõ trách nhiệm trong vụ công ty Việt Á, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết:
Qua thảo luận của các vị ĐBQH, ý kiến các cơ quan có liên quan nên trong dự thảo Nghị quyết chung của kỳ họp được Quốc hội thông qua và phát biểu bế mạc của Chủ tịch Quốc hội cũng đã khẳng định, rõ quan điểm của Quốc hội trong việc giao cho Chính phủ, Thủ tướng các cấp các ngành triển khai một số nhiệm vụ trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Trong đó, yêu cầu nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đặc biệt trách nhiệm quản lý của ngành y tế trong lĩnh vực dược, trang thiết bị y tế để tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm công, thanh tra, kiểm tra, giám định, kiểm định chất lượng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế, chủ động phát hiện sớm các vi phạm, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.
Ông Bùi Văn Cường. |
Tập trung khẩn trương quyết liệt mở rộng điều tra, làm rõ việc giao nhiệm vụ, nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, chất lượng sản phẩm, mua bán kit xét nghiệm Covid-19 và các vi phạm nếu có liên quan đến công ty Việt Á vì vụ việc này đang trong quá trình điều tra.
“Một nguyên tắc rõ là xử lý nghiêm minh các tổ chức cá nhân, vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sức ép và sự can thiệp trái pháp luật nào. Đó là quan điểm chung trong công tác phòng chống tham nhũng của chúng ta.
Vụ việc đang trong quá trình điều tra thì không được phép cung cấp các thông tin khác, ngoài các nội dung đã được công bố. Do đó phải đợi cơ quan điều tra, sau khi cơ quan điều tra tiến hành các thủ tục tố tụng và khi tòa án xét xử mới có kết quả cuối cùng.
Hiến pháp quy định một người không bị coi là có tội khi không có bản án có hiệu lực pháp luật. Do đó phải đợi kết quả điều tra và quá trình thực hiện tố tụng, cuối cùng là bản án của Tòa án”, ông Cường nêu rõ.
Đã khởi tố 19 bị can Trước đó, theo Bộ Công an, quá trình điều tra mở rộng vụ án, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 19 bị can về các tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"; "Đưa hối lộ, Nhận hối lộ"; "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Cơ quan điều tra đã tiến hành kê biên 28 bất động sản, phong tỏa tài khoản hơn 320 tỷ đồng, 100.000 USD và tạm giữ số tiền hơn 4,8 tỷ đồng do một số đối tượng có liên quan tự nguyện giao nộp. Theo lời khai ban đầu, Việt đã "bắt tay" với các đối tác nâng khống giá kit xét nghiệm lên khoảng 45%, số tiền Việt Á thu về trong vụ này là trên 500 tỷ đồng; số tiền "hoa hồng" mà Việt Á chi cho các "đối tác" là gần 800 tỷ đồng. Thường trực Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng tiêu cực đã đưa vụ án vào diện Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. |
Tác giả: Hoàng Đạt
Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị