Lãng du trong âm nhạc Trần Tiến
- 10:00 12-01-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ca sĩ Bách Nguyễn có một khởi đầu âm nhạc đặc biệt, cùng đời sống nhiều nét tương đồng với nhạc sĩ Trần Tiến. Anh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, cũng học hành dở dang, ngày nhỏ cũng từng lang thang. 16 tuổi, Bách được NSND Trần Hiếu tình cờ phát hiện ra tài năng âm nhạc và được nhận vào Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), cùng đường đi với nhạc sĩ Trần Tiến.
Sau này, Bách Nguyễn cũng như nhạc sĩ Trần Tiến, đều công tác tại đoàn Hà Nội (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long). Mê âm nhạc Trần Tiến từ nhỏ, những giai điệu du ca đã ăn vào máu thịt gã trai lãng tử Hà Thành và với ca khúc nào, Bách Nguyễn cũng cảm thấy như có mặt mình trong đó.
Ca sĩ Bách Nguyễn có một khởi đầu âm nhạc đặc biệt, cùng đời sống nhiều nét tương đồng với nhạc sĩ Trần Tiến. |
Nhạc sĩ Trần Tiến sinh ra trong một gia đình khá giả Hà Nội. Sau 1954, do thành phần gia đình, cơ hội học hành của ông ban đầu bị hạn chế. Ông đã trải qua thời trẻ sống lang thang trong những ngõ nhỏ Hà Nội. Sau này, dù không còn "du ca" nhưng âm nhạc của ông vẫn không thay đổi, vẫn đầy phong cách lãng tử, vẫn đời và rất đời. Những sáng tác của ông không bó buộc ở một chủ đề nhất định song vẫn có điểm chung là cảm xúc chân thật và sự trải nghiệm sâu sắc. Giống như cha đẻ của những khúc du ca, Bách Nguyễn cũng cất giọng hát bằng tham vọng chạm đến tận cùng của trái tim.
Giọng hát của Bách Nguyễn gồ ghề, xước xát và xoáy, nhiều khi dường như bỏ hết kỹ thuật mà chỉ chú trọng vào cảm xúc. Bách Nguyễn bị xoang mãn tính nên thời tiết cứ thay đổi là mũi có vấn đề, nhưng thực kỳ lạ rằng chính căn bệnh tưởng chừng như sẽ vô cùng cản trở đối với nghiệp hát thì anh lại thành ca sĩ có giọng mũi hơi khàn đặc trưng. Người thầy đầu tiên cũng là giáo viên chủ nhiệm của anh là NSND Trần Hiếu nói rằng anh là một trong những giọng ca rất đặc biệt, giọng bass – baritone quãng rất rộng, có thể lên được những nốt cao như giọng tenor.
Ca sĩ Tùng Dương tâm sự âm nhạc Trần Tiến qua giọng hát Bách Nguyễn sẽ chạm tới tận cùng trái tim người nghe. Trong ảnh: Nhạc sĩ Trần Tiến |
Tình yêu với âm nhạc Trần Tiến đã khiến Bách Nguyễn quyết định thực hiện dự án âm nhạc "Về đi em" với 9 ca khúc kinh điển của Trần Tiến như "Về đi em", "Giấc mơ Chapi", "Ngọn lửa cao nguyên", "Lá diêu bông", "Ngẫu hứng sông Hồng", "Quê nhà", "Mặt trời bé con". Bách Nguyễn chia sẻ Hà Nội với nhiều người là sự tắc đường bộn rộn, nhưng với anh, Hà Nội là sự điềm tĩnh, lặng lẽ... như một bản acoustic nhẹ nhàng. "Tôi hát nhạc Trần Tiến theo phong cách Hà Nội cổ xưa. Hát như kể câu chuyện của chính mình. Nhạc sĩ Trần Tiến mang phong thái của một Hà Nội lãng tử, hào hoa nhưng lại gần gũi và sâu lắng như một gã trai xứ Đoài đầy cốt cách. Chính vì lẽ đó mà tôi yêu nhạc của ông"- Bách Nguyễn tâm sự.
Nhạc sĩ Lê Thành Trung, tác giả của "Cơn mơ băng giá", nhận xét nhiều người gọi Bách Nguyễn là "gã giang hồ âm nhạc". Đơn giản vì Bách từng là một tay lang bạt đến bất cần, lãng tử đến mức... du côn. Nhưng với ông, Bách Nguyễn là gã du đãng si tình âm nhạc.
"Anh ấy có thể gầm rú với bản năng cá tính, nhưng khi cầm mic, Bách luôn điên với giai điệu, du thủ du thực với ca từ, biến nó thành thứ âm giai lãng mạn rất đời. Chẳng màu mè. Chẳng bày vẽ. Bách Nguyễn cứ chân chất nhưng dồn toả, bay bổng đầy lý trí"- nhạc sĩ Nhạc sĩ Lê Thành Trung nhận xét.
Ca sĩ Tùng Dương cho biết anh hoàn toàn bất ngờ khi nghe Bách Nguyễn hát Trần Tiến với phần phối khí, giọng hát mộc và hoà quyện rất đúng với tinh thần acoustic. "Màu giọng Baritone đục khàn rất đời và phủi của Bách Nguyễn vô cùng phù hợp với nhạc Trần Tiến. Anh hát "Phố nghèo", "Về đi em"… với muôn vàn da diết, khắc khoải từ tâm khảm một người trai mang trong mình nhiều xúc cảm về Hà Nội, nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ. Có lẽ như vậy là đủ. Không cần màu mè. Mộc và đời đã tạo nên một không gian Trần Tiến quen thuộc, và tôi tin, những ca khúc này sẽ chạm tới tận cùng trái tim người nghe"- ca sĩ Tùng Dương tâm sự.
Tác giả: Yến Anh
Nguồn tin: Báo Người Lao Động