Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đề nghị phong toả tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết

Ngoài việc bị phạt do bán chui cổ phiếu, nhiều chuyên gia cho rằng cần có thêm biện pháp xử lý bổ sung nghiêm khắc với ông Trịnh Văn Quyết, trong đó có xem xét xử lý hình sự.

 

Vì sao các nhiều cổ đông lớn muốn giao dịch chui cổ phiếu?

Theo quy định của luật chứng khoán, việc các thành viên nội bộ hoặc người có liên quan đến nội bộ công ty khi giao dịch (mua hoặc bán) cổ phiếu phải thực hiện công bố thông tin. Do các lệnh đặt mua bán trên thị trường được xem là chỉ dấu quan trọng đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ - những người vốn thiếu khả năng tiếp cận các thông tin quan trọng của doanh nghiệp sớm nhất - nên quy định công bố thông tin này được đưa ra nhằm giúp họ biết về giao dịch của người nội bộ trước khi chúng diễn ra, để từ đó đưa ra quyết định đầu tư cho riêng mình.

Tuy nhiên, tâm lý nhóm cổ đông nội bộ lại khác hẳn. Giao dịch chui (không công bố thông tin) giúp họ tránh được ảnh hưởng của lực cầu hoặc cung cổ phiếu trên thị trường, gây ảnh hưởng lên thị giá cổ phiếu do thị trường nghi ngại "doanh nghiệp có vấn đề". Hành vi không công bố thông tin này tạo ra các nhận định sai lầm về giá đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, từ đó gây thiệt hại cho số đông người chơi chứng khoán trên sàn, trong khi chỉ làm lợi cho số ít người.

Mức xử phạt đối với vi phạm bán chui cổ phiếu, không công bố thông tin thường rất thấp. Đơn cử như hành vi mua bán chui, mức xử phạt tối đa chỉ là 1,5 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với giá trị giao dịch thực tế dựa trên mệnh giá, đồng nghĩa với việc chênh lệch rất lớn với thị giá thực của số cổ phần đã được sang tay.

Theo giới đầu tư, nếu việc thao túng giá thu lợi được 1 tỷ đồng, trong khi mức phạt chỉ 10-50 triệu đồng, thì nhiều cá mập chứng khoán sẽ không ngại phạt. Chênh lệch giữa việc thu lợi và chịu phạt không có ý nghĩa răn đe, ngăn chặn, thậm chí chỉ được xem là "làm cho có", "như gãi ghẻ". Tình trạng này tiếp diễn qua nhiều năm đã ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của nhà đầu tư vào sự phát triển ổn định, nghiêm túc của thị trường chứng khoán...

Đề xuất 3 hình phạt bổ sung nặng tay hơn

Trong trường hợp của ông Trịnh Văn Quyết, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đã hai lần có yêu cầu xử lý mạnh tay hơn với cá nhân này trong các giao dịch không công bố thông tin về cổ phiếu FLC, gây thiệt hại cho nhiều nhà đầu tư trong nước. Theo đó, năm 2017, trước vi phạm bán chui 57 triệu cổ phiếu FLC, thu về hơn 400 tỷ đồng nhưng chỉ bị phạt 65 triệu đồng của ông chủ FLC, VAFI nhấn mạnh mức phạt trên là quá nhẹ, khiến giới đầu tư chứng khoán bất bình. "Hành động này đã lừa gạt nhà đầu tư khiến cho hàng trăm người bị thua lỗ"

Trong lần giao dịch chui mới nhất, ngày 10/1, khi ông Quyết đã bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC, thu về hơn 1.580 tỷ đồng nhưng có thể chỉ phải chịu mức phạt tối đa 1,5 tỷ đồng, ông Nguyễn Hoàng Hải, tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính, tiếp tục đề nghị Ủy ban Chứng khoán mạnh tay xử lý vi phạm của cá nhân này.

Ba hình phạt bổ sung được ông Hải đề xuất gồm: Phong tỏa ngay tài khoản chứng khoán của ông Quyết, buộc mua lại toàn bộ số cổ phiếu đã bán ra trong phiên 10/1 và tịch thu toàn bộ số tiền chênh lệch ông Quyết được hưởng lợi vào ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, ông Hải đề xuất xem xét xử lý hình sự với cá nhân ông Quyết do để xảy ra vi phạm nghiêm trọng này.

"Việc bán của ông Quyết là sai luật, Nhà nước cần thu hồi. Hành động của ông Quyết ảnh hưởng rất lớn tới hình ảnh thị trường chứng khoán Việt Nam, cần phải xử phạt hành chính và xem xét xử phạt hình sự", ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết.

Tác giả: Trần Anh

Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị