Ban Tôn giáo Chính phủ kiến nghị tổng điều tra về tín ngưỡng, tôn giáo
- 08:09 11-01-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo thông tin từ Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ), năm 2021 các hoạt động tôn giáo diễn ra cơ bản ổn định, thuần túy tôn giáo, tuân thủ pháp luật; xu hướng hoạt động gắn bó, đồng hành cùng dân tộc ngày càng thể hiện rõ nét trong tất cả các tổ chức tôn giáo.
Tính đến hết tháng 11/2021, Nhà nước ta đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau; với trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm trên 27% dân số cả nước, trong đó có 54.125 chức sắc, 135.561 chức việc; có 29.658 cơ sở thờ tự.
Các tổ chức tôn giáo đã tích cực vận động chức sắc, tín đồ tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với đất nước, với nhân dân.
Khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban Tôn giáo Chính phủ đã chủ động tham mưu với lãnh đạo Bộ Nội vụ hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Chủ động phát hiện và lên tiếng đấu tranh, phản bác các hoạt động lợi dụng tình hình dịch bệnh để chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để tuyên truyền mê tín dị đoan, gây hoang mang trong nhân dân…
Công an tỉnh Long An đã khởi tố vụ án lợi dụng hoạt động tôn giáo, từ thiện để trục lợi xảy ra tại "Tịnh thất Bồng Lai" và sau này được đổi thành "Thiền am bên bờ vũ trụ" gây ồn ào dư luận thời gian dài (Ảnh: Xuân Hinh). |
Dù vậy, Ban Tôn giáo Chính phủ đánh giá tình hình tín ngưỡng, tôn giáo vẫn nổi lên một số vấn đề đáng chú ý: Các thế lực thù địch, phản động và số chức sắc cực đoan trong các tôn giáo tiếp tục lợi dụng tôn giáo hoạt động chống Đảng, Nhà nước. Có 43 cơ sở tôn giáo, nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung tại 16 tỉnh, thành phố không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của chính quyền địa phương.
"Tình trạng tranh chấp, khiếu kiện nhà, đất liên quan đến tôn giáo; hoạt động lấn chiếm, chuyển nhượng, hiến tặng trái phép đất đai liên quan đến tôn giáo tiếp tục xảy ra nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Nhiều tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc vẫn tiếp tục có đơn thư khiếu kiện "đòi lại" một số cơ sở vật chất có nguồn gốc liên quan tôn giáo, gây phức tạp về an ninh, trật tự"- Ban Tôn giáo Chính phủ cho hay.
Trong khi đó, tình hình mâu thuẫn nội bộ, tranh giành quyền lợi, quyền lực trong lãnh đạo của một số tổ chức tôn giáo vẫn diễn ra nhưng chưa được giải quyết, ảnh hưởng tới hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tác động tiêu cực đến đời sống tôn giáo của chức sắc, tín đồ.
Các nhóm, phái tôn giáo chưa được công nhận, các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới, "đạo lạ", "tà đạo" lợi dụng diễn biến tình hình dịch Covid-19 để đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, lôi kéo người tham gia, tuyên truyền mê tín dị đoan, gây hoang mang trong nhân dân…
Theo đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các tỉnh, thành phố đã tăng cường nắm tình hình, phát hiện và phối hợp với các ban, ngành liên quan ở địa phương xử lý kịp thời các hoạt động vi phạm về mua, bán, chuyển nhượng đất đai trái pháp luật.
Trong năm 2021, ngành quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các địa phương đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu, giải quyết đối với 165/203 vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục không đưa Việt Nam vào "danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo - CPC" và "Danh sách các nước cần theo dõi đặc biệt - SWL".
Ban Tôn giáo Chính phủ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Nội vụ trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng tại các cơ sở tín ngưỡng là di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh hoặc các cơ sở đã được UBND các tỉnh, thành phố đưa vào dạng kiểm kê.
"Chấp thuận giao Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chủ trì, phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) tiến hành tổng điều tra về tín ngưỡng, tôn giáo để phục vụ tham mưu, hoạch định, ban hành chính sách, pháp luật và phục vụ công tác đối ngoại"- cơ quan này kiến nghị.
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân trí