Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Mỹ ra tối hậu thư với Nga trước thềm đàm phán

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đưa ra lập trường cứng rắn với Nga trước cuộc đàm phán ở Geneva khi tuyên bố Moscow phải lựa chọn giữa "đối thoại" hoặc "đối đầu".

 Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: Getty).

"Có con đường đối thoại và ngoại giao để cố gắng giải quyết một số bất đồng và tránh đối đầu. Con đường còn lại là đối đầu cùng với hậu quả to lớn đối với Nga nếu nước này tiếp tục gây hấn với Ukraine", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với trong cuộc phỏng vấn với CNN ngày 9/1.

"Chúng ta sắp được biết ông Putin sẵn sàng lựa chọn con đường nào", Ngoại trưởng Mỹ nói thêm.

Ông Blinken nhấn mạnh, bất kỳ kết quả tích cực nào từ các cuộc đàm phán sẽ dựa một phần vào việc Nga sẵn sàng từ bỏ lập trường cứng rắn hay không.

"Nếu chúng ta thực sự đạt được tiến bộ (trong đàm phán), chúng ta sẽ phải chứng kiến sự giảm leo thang và Nga sẽ từ bỏ mối đe dọa mà họ đang đặt ra đối với Ukraine", ông Blinken nói.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Blinken được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ cùng đồng minh phương Tây sẽ diễn ra vào tuần này để trao đổi về các vấn đề nóng, trong đó có tình hình Ukraine.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 4/1 cho biết các cuộc đàm phán Mỹ - Nga dự kiến sẽ tập trung vào "một loạt vấn đề song phương tương đối hẹp", trong khi các cuộc họp tiếp theo tại NATO và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) sẽ thảo luận các vấn đề rộng hơn tác động đến châu Âu.

Ngoại trưởng Blinken ngày 5/1 tuyên bố Nga phải giảm leo thang căng thẳng ở biên giới với Ukraine để các cuộc gặp ngoại giao sắp tới diễn ra thành công. Ông Blinken cũng cho rằng "rất khó đạt được tiến triển trên thực tế ở bất kỳ lĩnh vực nào nếu vẫn còn bầu không khí leo thang và đe dọa, với một khẩu súng chĩa vào đầu Ukraine".

Nga đã vấp phải sự chỉ trích của Mỹ và phương Tây sau khi các hình ảnh vệ tinh được công bố ngày 8/11 cho thấy, khoảng 90.000 lính Nga tập trung ở biên giới Ukraine. Washington cáo buộc đây là "động thái khiêu khích" của Moscow đối với Ukraine.

Nga đã rút khoảng 10.000 quân khỏi biên giới với Ukraine ngay trước thềm năm mới và trước cuộc hội đàm tại Geneva. Các quan chức Nga tuyên bố quân đội nước này đã hoàn thành "cuộc tập trận" ở biên giới.

Moscow phủ nhận có bất kỳ kế hoạch quân sự nào với Ukraine, đồng thời cho rằng việc triển khai lực lượng trong lãnh thổ Nga là hoàn toàn bình thường. Nga cũng chỉ trích việc liên minh quân sự NATO mở rộng hiện diện về phía đông.

Đầu tháng 12/2021, Nga đã đưa ra đề xuất an ninh gồm 8 điểm, trong đó đề nghị NATO chấm dứt sự mở rộng này bởi đó bị coi là mối đe dọa đối với Moscow.

Giới chức Mỹ dường như không lạc quan về kết quả của các cuộc đàm phán sắp tới với Nga. "Tôi không nghĩ là chúng ta sẽ chứng kiến bất kỳ đột phá nào trong tuần tới", ông Blinken nói.

Trước yêu cầu của Nga về việc đảm bảo an ninh từ phương Tây, Mỹ và các đồng minh cho biết họ sẵn sàng thảo luận về khả năng mỗi bên hạn chế các cuộc tập trận quân sự và triển khai tên lửa trong khu vực.

Trong hai cuộc điện đàm trong vòng 5 tuần qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo Tổng thống Putin rằng Nga sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có nếu tiếp tục có hành động cứng rắn với Ukraine. Nhóm G7 và Liên minh châu Âu (EU) cũng cảnh báo "những hậu quả to lớn" đối với Nga.

 Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí