Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Quá bất an với những "chị đại" trong trường học!

Clip khoảng 12 giây ghi lại hình ảnh một nữ sinh lớp 10 ở Quảng Bình vừa văng tục vừa lao vào tát bạn tới tấp đang gây xôn xao dư luận.

Mâu thuẫn từ mạng xã hội bùng nổ thành đánh đấm một lần nữa khiến chúng ta trăn trở không dứt.

Năm học đặc biệt bắt đầu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đòi hỏi nỗ lực không ngừng nghỉ của thầy và trò. Tiếc thay, dư luận liên tục chứng kiến nhiều vụ đánh đấm dữ dội của bọn trẻ. Những "chị đại" trong trường học quả là gây bất an đến tận cùng!

 Mâu thuẫn, nữ sinh đánh nhau trong lớp học (Ảnh: DT).

Hôm 12-9, khoảng 50 nữ sinh mang theo dao, gậy, túyp sắt ra đê Hoàng Long (Hoa Lư, Ninh Bình) hỗn chiến khiến 1 nữ sinh phải nhập viện điều trị. Tất cả xuất phát từ mâu thuẫn trong học tập của 2 nữ sinh.

Cũng trong ngày 12-9, mạng xã hội xôn xao đoạn clip ghi lại cảnh một nữ sinh ở Yên Bái bị một nhóm bạn nữ xông vào đánh, dùng chân đá vào người, mặt, hai bên đầu khiến em bị chảy máu nhiều chỗ trên mặt.

Rồi hôm 14-9, một nữ sinh lớp 7 ở Thanh Hóa bị anh trai của một nữ sinh khác xông vào trường tát tới tấp vào mặt, bắt quỳ ngay giữa sân trường và hứng đòn của bạn.

Trong ngày 15-9, một nữ sinh lớp 8 ở Lạng Sơn bị đàn chị lớp 9 bắt quỳ gối trong lớp học, tát liên tiếp vào mặt dưới sự chứng kiến của nhiều học sinh khác.

Rồi sáng 29-10, trong khi Phòng GD-ĐT Thành phố Vinh (Nghệ An) họp để xác minh clip vụ một nữ sinh bị bạn đánh hội đồng thì công an huyện Nam Đàn tỉnh này đang vào cuộc vụ nữ sinh đánh nhau khác.

Những câu chuyện đau lòng và bức xúc ấy bị tung lên mạng khiến dư luận liên tục giật mình, sững sờ và hãi hùng!. Từ bao giờ mà nữ sinh chân yếu tay mềm lại ưa bạo lực và thích hành xử một cách côn đồ như thế? Từ bao giờ mà bọn trẻ trong vòng tay của mẹ cha "lột xác" để kéo bè kéo cánh xử nhau khi có bất kỳ mâu thuẫn nào trong học tập, yêu đương và quan hệ bạn bè như thế?

Bạo lực học đường đang bùng lên quá dữ dội về cả tần suất lẫn sự manh động, nhẫn tâm trong từng cú đòn thù. Để rồi nơi này nơi kia cứ liên tiếp dội đến tin bạo lực học đường, lòng người lại hoang mang và hãi hùng…

"Thuốc" đặc trị cho căn bệnh bạo lực học đường đã được kê đơn khá nhiều. Vấn đề là những "liều thuốc" ấy dường như vẫn còn nằm trên giấy.

Gia đình quan tâm hơn đến tiếng lòng của con trẻ, nhà trường thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa, xã hội siết chặt các biểu hiện bạo lực làm vẩn đục tâm hồn trẻ - Bao điều trong đó đã trở thành hiện thực để chặn đứng những mâu thuẫn, xích mích bùng phát thành đòn roi, quay clip và tung lên mạng?

Thêm một nỗi trăn trở cứ quẩn quanh trong lòng chúng tôi suốt là những vụ đánh đấm xảy ra âm ỉ suốt trong học sinh mà không có tiếng nói nào cất lên ư? Tiếng cầu cứu của nữ sinh bị đánh đâu rồi? Tiếng bênh vực bạn từ đám đông hoặc là tiếng nói tìm kiếm sự trợ giúp từ người lớn giúp nạn nhân thoát cảnh khổ đâu rồi?

Bố mẹ cho con trẻ đến trường sau giờ học có để tâm hỏi han chuyện học, chuyện chơi, chuyện bạn bè của con trẻ? Để biết con mình đang lo sợ điều gì đó, bất an vì lời đe dọa nào đó… Để biết con mình thỉnh thoảng "trở chứng" dám quát nạt bạn bè, ra tay đánh bạn rồi kéo bè kéo cánh vây đánh hội đồng ai kia…

Không ít trường hợp mấy đứa trẻ bị đánh lần đầu đã tìm cách "méc" thầy cô hòng tìm chỗ dựa, nhưng sau đó ăn đòn nhiều hơn. Không ít trường hợp mấy đứa trẻ chứng kiến chạy đi tìm thầy cô để báo tin, đánh động rồi ăn đòn lây vì cái tội "mách lẻo". Chính nó đang khiến tiếng nói cầu cứu của bọn trẻ ngày càng ít cất lên nhiều hơn trong chính ngôi trường mà học sinh xem là "ngôi nhà thứ hai", "trường học thân thiện", "trường học hạnh phúc"…

Vai trò của các tổ chức Đoàn TNCS, Đội TNTP dường như còn mơ hồ trong việc tạo ra môi trường học đường an toàn, thân thiện và lành mạnh. Và phòng tư vấn tâm lý học đường với những cán bộ giáo viên kiêm nhiệm quả thật chưa phát huy được trách nhiệm, vai trò tư vấn tâm lý, giải tỏa bức xúc, hòa giải mâu thuẫn…

Chúng ta - những người lớn đang ứng xử thế nào để những "chị đại" cứ gây bất an trong trường học như thế chứ?

Tác giả: Nguyễn Thanh

Nguồn tin: Báo Dân trí