Chính phủ sẽ 'thần tốc' hơn nữa tiêm mũi tăng cường và cho trẻ em
- 14:54 05-01-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chính phủ phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5% trong 2022 - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Đó là nội dung được Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nêu khi trình bày dự thảo nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 tại hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 5-1.
Theo dự thảo, chủ đề của năm 2022 là "Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng an toàn, hiệu quả, phục hồi phát triển" với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành.
Trong đó, liên quan đến phòng chống dịch COVID-19, Chính phủ xác định tiêm chủng vắc xin, thuốc điều trị và nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân là các yếu tố quyết định.
Với hồi phục kinh tế, Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế…
Dự thảo nghị quyết xác định 12 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu với 180 nhiệm vụ cụ thể cho năm 2022.
Trong đó, nhóm nhiệm vụ đầu tiên được Chính phủ nêu là tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5%.
"Triển khai nhất quán, nghiêm túc quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thần tốc hơn nữa chiến dịch tiêm vắc xin, nhất là đẩy nhanh việc tiêm vắc xin cho trẻ em, tiêm mũi tăng cường" - Phó thủ tướng khẳng định.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Phó thủ tướng cũng cho biết Chính phủ sẽ thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin, thuốc điều trị trong nước.
Với nhóm vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế, Chính phủ sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất và hiệu quả hơn, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, tăng cường kết nối vùng, liên vùng, khu vực, quốc tế, nhất là công trình hạ tầng giao thông quan trọng như dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành…
Đồng thời khẩn trương triển khai các giải pháp để hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26). Thực hiện các giải pháp để đón đầu dòng vốn xanh cho hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng.
Xây dựng các dự án cụ thể triển khai hiệu quả nghị quyết số 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tác giả: NGỌC HIỂN
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ