Cán bộ dùng bằng giả để "trèo cao": Kỷ luật, xử lý như “tặng quà” sẽ khiến người dân không đồng tình
- 13:18 02-01-2022
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 15/12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật các đồng chí: Cao Minh Quang - nguyên Uỷ viên Ban cán sự Đảng, nguyên Đảng uỷ viên, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; Đại tá Phạm Thái Sơn - Phó Chủ nhiệm Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, nguyên Tỉnh uỷ viên, nguyên Phó Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh; Đàm Quang Vinh - Tỉnh uỷ viên, Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, Bí thư Đảng uỷ, Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai; Lê Hùng Sơn - Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh.
Tha hóa về đạo đức của hàng loạt cán bộ
Trong số những cán bộ bị kỷ luật nêu trên, có ông Đàm Quang Vinh được xác định sử dụng bằng tốt nghiệp THPT không hợp pháp để được tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch và được bổ nhiệm, bầu vào chức vụ lãnh đạo trong các tổ chức Đảng và cơ quan Nhà nước; Thiếu trung thực trong báo cáo, kê khai lý lịch để được kết nạp vào Đảng, vi phạm tiêu chuẩn Đảng viên, tiêu chuẩn cấp uỷ viên, vi phạm về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Quy định về những điều Đảng viên không được làm.
Ông Đàm Quang Vinh bị tạm đình chỉ công tác. |
Như Báo Pháp luật Việt Nam đưa tin, ông Đàm Quang Vinh bị đề nghị lỷ luật do sử dụng bằng tốt nghiệp THPT không hợp pháp. Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cũng ban hành Quyết định tạm đình chỉ công tác ông Đàm Quang Vinh 15 ngày, kể từ ngày 25/10.
Tháng 6/2021, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa đã vào cuộc kiểm tra thông tin ông Lê Văn Hưng "xài" bằng THPT giả và xác định có thật. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã quyết định cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Văn Hưng (SN 1969; quê tại xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh).
Tại Đại hội Đảng bộ huyện Lang Chánh (nhiệm kỳ 2020-2025), ông Hưng được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, tham gia Ban Thường vụ Huyện ủy, giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Lang Chánh.
Công an tỉnh Lai Châu xác nhận ông Hoài đã dùng bằng cấp giả và đang đề xuất hình thức xử lý lên Bộ Công an. Ảnh: Dân Việt |
Chắc rằng, câu chuyện về cán bộ sử dụng bằng giả, bằng không hợp pháp để thăng tiến không còn xa lạ, khiến dư luận bức xúc khi làm giảm uy tín cá nhân, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức nơi đang công tác.
Tháng 9/2021, báo Lao động đưa tin, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức bà Vàng Thị Chính - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Bí thư Thành ủy Lai Châu, nhiệm kỳ 2020 – 2025 do vi phạm quy định về sử dụng văn bằng, chứng chỉ tiếng Anh B1 không hợp lệ để làm hồ sơ cán bộ ứng cử chức danh Phó Chủ tịch UBND TP Lai Châu, nhiệm kỳ 2016 - 2021; Hồ sơ giới thiệu tái cử Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, ứng cử chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Lai Châu, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trong bản giải trình gửi lãnh đạo Sở, ông Phùng Văn Chiến thừa nhận sử dụng bằng cấp không phù hợp. |
Trong khi đó tại tỉnh Thái Bình, Báo Người lao động đưa tin, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình cho biết, ngày 4/11, Ban Thường vụ Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Thái Bình đã họp và công bố quyết định kỷ luật Đảng viên đối với ông Phùng Văn Chiến (SN 1979, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Thái Bình, thuộc Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình).
Ông Chiến bị khai trừ khỏi Đảng vì có động cơ gian dối khi sử dụng bằng cấp chuyên môn trong quá trình công tác.
Đừng kỷ luật kiểu “tặng quà”
Những trường hợp trên là ví dụ cho loạt cán bộ dùng bằng giả để trèo cao, chui sâu. Nói về sự nguy hại của việc này, TS Lưu Bình Nhưỡng – Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Trưởng Ban Dân nguyện cho rằng: “Những người dùng bằng giả là lừa lọc Nhà nước cũng như không phản ánh được năng lực, trình độ của họ. Những người này tham vọng quyền lực chính trị không chính đáng, dối trá, vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn đạo đức công vụ, đạo đức cán bộ, của Đảng viên. Thăng tiến bằng sự dối trá là vi phạm đạo đức xã hội, đạo đức cách mạng, vi phạm pháp luật Nhà nước”.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại diễn đàn Quốc hội. Ảnh: Sơn Thủy |
TS Lưu Bình Nhưỡng cho biết thêm, xét về mặt xã hội, cơ quan để lọt lưới những người có bằng giả đã tạo lỗ hổng về công tác cán bộ, thể hiện lưới chưa vững chắc. Cả xã hội đều tin rằng, có sự nâng đỡ không trong sáng ở chính bản thân hệ thống cán bộ đã đưa củi, rác vào làm giường, cột của Quốc gia, của chính quyền, của các cơ quan Đảng, Nhà nước.
“Dùng bằng giả để leo cao cho thấy sự băng hoại về mặt đạo đức và pháp luật, sự tha hóa về công tác tổ chức cán bộ. Những cán bộ này là sâu mọt và sẽ sinh ra một đàn sâu mọt” – TS Lưu Bình Nhưỡng khẳng định.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nhận thấy, chúng ta không xử lý nghiêm các cán bộ dùng bằng giả; Kỷ luật, xử lý như “tặng quà” khiến người dân không đồng tình.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đề nghị cần tăng cường tính nghiêm chính của các cán bộ kiểm tra, không được bao che. Bên cạnh đó, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra phải nghiêm túc, phải đưa những cán bộ sử dụng bằng giả vào vòng pháp luật chứ “không có vùng cấm” là toàn nói lý thuyết.
Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng giám sát; Các cơ quan dân cử, đặc biệt Quốc hội cần nâng cao năng lực này, cần bám sát đến cùng việc xử lý công tác cán bộ, tránh tình trạng giám sát một cách hời hợt.
PGS.TS Bùi Thị An. |
Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII thì cho rằng, bằng giả hay bằng thật mà trình độ giả thì rất nguy hiểm vì sản phẩm là con người, con người tham gia vào tất cả các quá trình, tất cả các bộ máy, các khâu của Nhà nước.
“Bằng giả mà đi vào ngành Giáo dục, không có trình độ sẽ như thế nào? Vào ngành Y sẽ giết hay cứu người? - Bà An đặt câu hỏi và bà cũng cho biết thêm, bằng giả trình độ giả mà vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước, có chức có quyền ngồi vào chỗ ra quyết định, chính sách sẽ rất nguy hại, hủy hoại giá trị thực của xã hội.
“Bằng giả vào ngành nào cũng nguy hiểm, gây hậu quả khôn lường, không có trình độ lại mưu mẹo, cá nhân nữa thì chỉ làm hại cho dân, cho nước. Vì vậy, phải triệt đến cùng, triệt đến nơi, triệt đến chốn và xử lý thật nghiêm” - PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh
Theo PGS.TS Bùi Thị An, cần công khai danh tính đối tượng sử dụng bằng giả và xử lý nghiêm, như vậy, uy tín của Đảng sẽ được nâng lên, thể hiện sự nghiêm minh, không có ngoại lệ, không có hạ cánh an toàn. Nếu luật chưa có thì phải bổ sung, luật chưa đủ răn đe để bộ máy trong sạch, dân tin tưởng, đồng lòng.
Việc cán bộ sử dụng bằng cấp giả là vấn đề lo ngại ở các cơ quan, nhiều trường hợp đã bị phát hiện, xử lý nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. TS. Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, đối tượng sử dụng bằng cấp chứng chỉ giả để lừa dối cơ quan chức năng, thực hiện các hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến trật tự quản lý hành chính được xác định nguy hiểm cho xã hội và sẽ bị xử lý hình sự. Những năm qua cơ quan chức năng phát hiện rất nhiều trường hợp cán bộ có vị trí cao nhưng không có bằng cấp 3 hợp lệ, không có bằng Đại học và rất nhiều giấy tờ tài liệu giả, đây là lỗ hổng trong công tác cán bộ và có những tiêu cực xã hội vẫn đang nảy sinh.Việc làm cấp giấy tờ, bằng cấp, chứng chỉ giả và việc sử dụng bằng cấp chứng chỉ giả là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, cần phải áp dụng chế tài hình sự theo điều 359 hoặc điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015. Để giảm thiểu những vụ việc sử dụng bằng cấp chứng chỉ giả cũng như ngăn chặn tình trạng làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức, cần thực hiện đồng bộ đầy đủ các giải pháp trong đó các giải pháp về chính sách pháp luật, giải pháp về việc tăng cường công tác quản lý và việc phát hiện xử lý nghiêm minh kịp thời các hành vi vi phạm. “Với các cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên sử dụng bằng cấp giấy tờ chứng chỉ giả thì phải xử lý kỷ luật nghiêm khắc và áp dụng chế tài của pháp luật để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội” – Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp bày tỏ. |
Tác giả: Hùng Tâm
Nguồn tin: Pháp luật Plus