Phụ huynh uất nghẹn khi giáo viên truy tiền "Nụ cười hồng" hơn cả đòi nợ
- 07:49 25-12-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chia sẻ về sự việc, chị Nguyễn Thu Hoa (tên phụ huynh đã được thay đổi) mong muốn nêu kể tình huống mình đang trải qua để mọi người, đặc biệt giáo viên có thể rút ra bài học cho mình khi vận động học sinh đóng tiền, nhất là tiền từ thiện.
Mục đích không phải tố cáo, bôi nhọ nên chị đề nghị không nêu tên trường, tên lớp.
Cô giáo liên tục công khai danh sách học sinh đóng/chưa đóng tiền phong trào "Nụ cười hồng" hối thúc phụ huynh (Ảnh chụp lại màn hình). |
Chị Hoa kể, mới đây, Trường THCS nơi con chị đang học lớp 7 ở quận Gò Vấp, TPHCM phát động phong trào "Nụ cười hồng" giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Nguyên đán 2022. Cô chủ nhiệm thông báo trong nhóm chat Zalo của phụ huynh kèm số tài khoản của cô.
Vài hôm sau, chị và nhiều phụ huynh choáng váng khi cô gửi danh sách cập nhật rõ tên học sinh đã đóng/chưa đóng tiền cho phòng trào. Trong đó, cô nhấn mạnh con số những bạn chưa đóng tiền và đề nghị phụ huynh cho con tham gia.
"Khi cô gửi qua, cả nhóm lặng đi, không ai nói gì. Đây là phong trào tự nguyện, lẽ ra cô gửi thông báo, có thể nhắc lại thông báo, phụ huynh nào có lòng, có điều kiện, mong muốn họ sẽ chủ động gửi, còn ai không muốn thì thôi. Tôi rất bất ngờ khi cô lại công khai danh sách học sinh trong nhóm như vậy", chị Hoa bày tỏ.
Người mẹ bày tỏ, ảnh hưởng của dịch bệnh, biết bao nhiêu gia đình đang đối mặt với mất mát, khó khăn, không phải ai cũng có điều kiện chung tay này kia. Chưa kể, nhiều phụ huynh cũng đang dốc sức cho nhiều chương trình từ thiện, thiện nguyện trong cộng đồng.
Chị Hoa cho biết, có phụ huynh trong lớp bận rộn chưa kịp gửi, sau khi nhận được tin nhắn "thúc ép" của cô thì... họ thật sự không muốn tham gia nữa. Làm thiện nghiện mà như bị ép buộc không dễ chịu một chút nào.
Chưa hết, nhiều ngày sau đó, cô giáo liên tục cập nhật danh sách công khai tên tuổi học sinh đóng/chưa đóng vào nhóm chung, hối thúc phụ huynh đóng tiền.
Chưa dừng lại ở đó, điều phụ huynh "sốc" nhất là ngoài nhóm phụ huynh, cô giáo còn gửi công khai danh sách này vào nhóm của học sinh, nhắc... còn 4 em chưa đóng, thông báo thứ 6 này là hạn cuối.
Cô cập nhật danh sách vào nhóm chat của học sinh, nhắc 4 em chưa tham gia (Ảnh chụp lại màn hình). |
Dù con mình đã tham gia nhưng chị Hoa không khỏi bàng hoàng, uất nghẹn với hành động này của cô giáo. Tham gia thiện nguyện mà như thể phụ huynh, học sinh đang bị đòi nợ, mà kể cả đòi nợ, chị Hoa cho rằng cũng không ai đòi nợ... phản cảm như vậy.
Việc cô công khai danh sách trong nhóm, không khác nào hành vi bạo hành tinh thần phụ huynh, học sinh. Có phụ huynh kể, các con khóc, xấu hổ vì bị nêu tên, quay sang trách cha mẹ.
Hiểu phần nào giáo viên có thể bị áp lực từ nhà trường, phong trào nhưng chị Hoa cho rằng, dù thế nào cô giáo cũng cần tế nhị khi tương tác với phụ huynh và đặc biệt là học sinh đang ở lứa tuổi dậy thì rất nhạy cảm. Nhất là vấn đề liên quan đến tiền bạc, thiện nguyện...
Chương trình thiện nguyện, chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn đưa vào trường học mang ý nghĩa tốt đẹp, góp phần giáo dục học trò lại làm nhiều người không khỏi nặng nề, khó chịu... Chưa kể, còn kéo theo hình ảnh méo mó, phải nói là phản cảm của giáo viên.
Chị N.T.B, có cháu học tiểu học Hà Nội chia sẻ, đầu năm học vừa rồi, khi học sinh chưa một ngày đến lớp, con chưa nhập học online, trước cả lễ khai giảng... nhà trường đã kêu gọi phụ huynh ủng hộ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Kể cả phụ huynh lớp 1, giáo viên còn chưa biết rõ tên, chưa biết mặt của học sinh chứ chưa nói đến gia cảnh.
Trong khi, lúc đó tất cả đang quay cuồng chống dịch, phụ huynh ai cũng khó khăn, chưa kể các nghịch cảnh, mất mát. Lại thêm đầu năm nhiều gánh nặng, nhiều phụ huynh còn trầy trật sắm sửa năm học mới cho con...
Khủng khiếp hơn, cô giáo chủ nhiệm còn gửi danh sách ghi rõ tên phụ huynh kèm tên học sinh đóng tiền/chưa đóng tiền vào nhóm Zalo của lớp đề nghị phụ huynh "kiểm tra lại", thúc bằng ra những phụ huynh chưa đóng tiền.
Giáo viên tại một trường học tiểu học ở Hà Nội gửi vào nhóm chát danh sách phụ huynh, học sinh đóng/chưa đóng ủng hộ cán bộ, giáo viên, nhân viên ảnh hưởng dịch Covid-19 (Ảnh chụp lại màn hình). |
"Nghẹn không nuốt nổi" là điều chị B. nói về sự việc mà chị không tài nào hiểu . Dịch bệnh không ai không bị ảnh hưởng, khó khăn chung của tất cả lại được nhà trường vận động học sinh quyên góp, chưa kể cách làm phản cảm làm cho ý nghĩa thiện nghiện bị méo mó.
Trong khi, từ nguyện, từ thiện trước nhất phải là sự tự nguyện, từ mong muốn của người trao đi.
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí