Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cựu Hiệu trưởng Đại học Đông Đô: 'Học viên cứ nộp tiền đầy đủ là có bằng'

Bị cáo Dương Văn Hoà, cựu Hiệu trưởng Đại học Đông Đô khai tại toà, quá trình đào tạo, các học viên chỉ cần nộp tiền đầy đủ sẽ được cấp bằng và chứng chỉ, không nhất thiết phải đi học.

Đại diện Bộ GD&ĐT vắng mặt

Sáng 23/12, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm cựu Hiệu trưởng Đại học Đông Đô Dương Văn Hòa cùng 9 đồng phạm liên quan vụ cấp bằng đại học và chứng nhận giả, thu lợi bất chính 7,1 tỷ đồng xảy ra tại cơ sở đào tạo này.

Trong phần làm thủ tục, HĐXX cho biết, triệu tập trên 200 người liên quan nhưng trong phòng xử án chỉ có hơn 20 người đến tham gia tố tụng. Hiệu trưởng Lê Ngọc Tòng và nguyên Hiệu trưởng Đại học Đông Đô có mặt. Còn đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) vắng mặt.

Cơ quan tố tụng xác định trong vụ án, có một số cá nhân thuộc Bộ GD&ĐT vi phạm vì để trường Đông Đô tuyển sinh, đào tạo bằng đại học thứ hai khi chưa được cấp phép, Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT) còn thông báo chỉ tiêu tuyển sinh văn bằng 2 hệ chính quy cho trường này.

Cũng theo cáo trạng, Bộ GD&ĐT từng tổ chức đoàn kiểm tra nhưng lại không phát hiện việc đào tạo và cấp bằng "chui" của Đại học Đông Đô diễn ra một cách công khai, rầm rộ. "Một số đơn vị, cá nhân thuộc Bộ đã vi phạm quyết định của Bộ trưởng quy định về đào tạo cấp bằng Đại học thứ hai và thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra", cáo trạng chỉ rõ.

Trước những sai phạm trên, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có Công văn kiến nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét, xử lý nghiêm các cá nhân có trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

 Nhóm bị cáo tại tòa.

Chỉ cần có tiền là có bằng

Sau khi công bố cáo trạng, HĐXX xét hỏi cựu Hiệu trưởng Dương Văn Hòa. Bị cáo này, thừa nhận bị Viện KSND Tối cao buộc tội là đúng.

Hòa cho biết, HĐQT trường Đại học Đông Đô có tất cả 7 thành viên, Chủ tịch là ông Trần Khắc Hùng. Về bản chất, chủ sở hữu ngôi trường này chính là của ông Hùng, các thành viên hội đồng chỉ “có mặt cho đủ”, không hề góp vốn.

 Cựu hiệu trưởng Dương Văn Hòa (giữa) cùng nhóm đồng phạm.

Tại thời điểm Hòa làm hiệu trưởng, dưới quyền quản lý có hai Hiệu phó. Bị cáo dù là thành viên HĐQT, nhưng chỉ quản lý hành chính. Việc Hòa được bổ nhiệm vị trí Hiệu trưởng do Chủ tịch HĐQT chỉ định, không thông qua xét duyệt của bên nào khác.

Về chủ trương đào tạo văn bằng 2 ngôn ngữ Anh giả, Hòa cho hay, trường bắt đầu thực hiện cuối năm 2018. Quy chuẩn đào tạo học viên phải có điều kiện: Đã tốt nghiệp Đại học văn bằng 1; phải có nhu cầu học và phải có tiền. Trong đó, số tiền nộp thấp nhất 29 triệu, cao nhất là 35 triệu đồng. Quá trình đào tạo, các học viên chỉ cần nộp tiền đầy đủ sẽ được cấp bằng và chứng chỉ, không nhất thiết phải đi học.

Cựu Hiệu trưởng khai thêm, Trần Khắc Hùng là người quyết định về chủ trương cấp bằng ngôn ngữ Anh không qua đào tạo. Quá trình thực hiện, Hùng không tổ chức họp HĐQT, không họp Ban giám hiệu mà trực tiếp chỉ đạo nhóm bị cáo cùng thực hiện. Riêng Hòa giữ vai trò ký, cấp 429 bằng giả và đóng dấu cẩn thận cho học viên. Các khâu thu tiền, hợp pháp hóa hồ sơ do đối tượng khác làm.

Với số tiền bất chính hơn 7,1 tỷ đồng thu từ việc cấp bằng giả, Hòa không được hưởng chênh lệch, cũng không được bồi dưỡng đồng nào. Khi HĐXX nhắc đến việc trong quá trình tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 ngôn ngữ Anh, Đại học Đông Đô có khoản tiền thưởng cho những ai giới thiệu học viên. Ông Hòa bị cáo buộc giới thiệu 4 học viên nhưng ông ta khẳng định không nhận "tiền hoa hồng", vì bản thân là Hiệu trưởng.

Cuối xét hỏi, Hòa trình bày quá trình điều tra truy tố, ông đã tích cực phối hợp với cơ quan công an thu thập hồ sơ để làm rõ sai phạm của nhà trường, của chính bản thân mình.

"Hành vi của bị cáo là nghiêm trọng, bị cáo mới vào vị trí quản lý nên không lường trước được hậu quả. Khi biết ông Hùng chỉ đạo thực hiện đào tạo cấp bằng như vậy, tôi cũng biết mình làm theo là sai trái”, ông Hòa nói.

Cựu Hiệu phó cảm ơn cơ quan điều tra vì giúp nhận ra sai phạm

Đến lượt mình, bà Trần Kim Oanh (Cựu Phó Hiệu trưởng, kiêm Phó Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục) cũng khẳng định, Trần Khắc Hùng làm “chủ” ngôi trường. Một thành viên khác có vốn góp 100 triệu đồng nhưng không nằm trong HĐQT.

Nữ Hiệu phó trần tình, khi Trần Khắc Hùng đưa ra chủ trương cấp bằng, chứng chỉ giả. Trực tiếp Hùng đã chỉ đạo trong một cuộc họp nói về quy trình, cách thức thực hiện và hướng dẫn Viện Đào tạo liên tục, tuyển sinh.

"Bị cáo xin cảm ơn cơ quan an ninh điều tra, qua vụ án này bị cáo đã nhận thức được sai trái. Là một nhà giáo có cống hiến 20 năm trong ngành, cũng muốn đóng góp vào phát triển giáo dục nhưng do nhận thức về pháp luật hạn chế đã vi phạm. Qua đây, bị cáo gửi lời xin lỗi gia đình, học sinh, sinh viên vì những sai lầm này”, bà Trần Kim Oanh nói.

Trong vụ án, Viện KSND tối cao truy tố ông Dương Văn Hòa (cựu Hiệu trưởng nhà trường), 2 cựu Hiệu phó Trần Kim Oanh, Lê Ngọc Hà cùng 7 bị can khác về tội "Giả mạo trong công tác" với khung hình phạt tối đa 20 năm tù.

Riêng bị can Trần Khắc Hùng (Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Đông Đô) bỏ trốn, hiện đang truy nã. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tách vụ án, xử lý sau.

Theo cáo trạng, trong quá trình tuyển sinh đào tạo của Trường Đại học Đông Đô, ông Trần Khắc Hùng thấy một số cá nhân có nhu cầu lấy văn bằng 2 ngôn ngữ Anh văn để sử dụng làm nghiên cứu sinh, học thạc sỹ, thi tuyển công chức, thi nâng ngạch nên đã chỉ đạo các đơn vị liên quan làm, cấp văn bằng 2 giả của hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh cho những người có nhu cầu. Từ tháng 4/2018 - 3/2019, Hùng và đồng phạm đã làm, cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp, thu lợi bất chính số tiền hơn 7,1 tỷ đồng.

Tác giả: Hoàng An

Nguồn tin: Báo Tiền phong