Y tế Việt Nam bộc lộ nhiều điểm yếu khi dịch Covid-19 bùng phát
- 16:30 20-12-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tại buổi tọa đàm về quản trị hệ thống y tế trong 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Kính (Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam) và tiến sĩ Nguyễn Huy Quang (nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế), đã đưa ra nhiều nhận định về thách thức Việt Nam đang phải đối mặt.
Thông qua đó, các chuyên gia y tế cũng đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp ngành y tế có thể thực hiện để ứng phó với tình hình dịch hiện nay.
|
Áp lực của hệ thống y tế
Theo GS Nguyễn Văn Kính, Việt Nam đã xây dựng được một tuyến y tế từ cơ sở thuộc xã/phường, quận/huyện đến cấp tỉnh, thành phố cũng như trung ương. Nhờ đó, chúng ta đã đáp ứng khá tốt với dịch trong 3 làn sóng đầu tiên kể từ đầu năm 2020 đến khoảng giữa năm 2021.
“Tuy nhiên, khi biến chủng Delta lây lan rộng và khiến số lượng bệnh nhân tăng đột biến, hệ thống này đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát tình hình cũng như khám, chữa bệnh cho người dân”, GS Kính nói.
Đến thời điểm hiện tại, áp lực với ngành y tế vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Thậm chí, với biến chủng Omicron mới xuất hiện trên thế giới, sự lo ngại đang tiếp tục tăng lên.
Các bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng được theo dõi, điều trị tại TP.HCM trong làn sóng dịch lần thứ 4. Ảnh: Duy Hiệu. |
Sau khi thay đổi chính sách chống dịch với chủ trương sống chung an toàn với SARS-CoV-2, sự biến động dân cư tăng cao cũng đang đặt hệ thống y tế ở nhiều địa phương vào nguy cơ quá tải.
Thực tế, chủ trương này là phù hợp khi chúng ta không thể phong tỏa xã hội kéo dài gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, sự phát triển của vaccine và một số loại thuốc kháng virus cũng trở thành tiền đề của quyết định này.
Tuy nhiên, đồng quan điểm với GS Kính, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Huy Quang cũng cho rằng hệ thống y tế Việt Nam đã bộc lộ nhiều hạn chế trong những làn sóng dịch vừa qua, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng.
“Tổ chức bộ máy sắp xếp chưa phù hợp, nguồn nhân lực thiếu hụt, chế độ phụ cấp thấp, áp lực công việc lớn dẫn đến nhiều cán bộ y tế nghỉ việc”, ông Quang nêu.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng nhận định trong thời gian qua, công tác chỉ đạo đôi khi còn lúng túng, bị động, thậm chí có tình trạng lơ là, chủ quan. Công tác dự báo đôi khi cũng chưa sát với thực tiễn.
Một số tồn tại khác cũng được ông Quang nêu ra như việc tiếp cận nguồn vaccine còn chậm, công tác truyền thông chưa chủ động, ứng dụng công nghệ thông tin chưa phát huy hiệu quả, công tác an sinh tại một số nơi đôi khi không tốt.
TS Quang nhấn mạnh: “Bên cạnh một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, chúng ta không thể phủ nhận y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, đầy đủ”.
Giải pháp nâng cao khả năng ứng phó với dịch
Theo TS Nguyễn Huy Quang, ngành y tế Việt Nam có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau những làn sóng dịch vừa qua. Trong đó, chúng ta phải lấy người dân là trung tâm, chủ thể trong mọi hoạt động phòng, chống dịch.
“Ngành y tế cần xây dựng và kiên trì với công thức phòng, chống dịch: 5K + vaccine; Thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác… Bên cạnh đó là thiết lập hệ thống chăm sóc, điều trị hiệu quả từ sớm, từ xa”, ông Quang nêu.
Cán bộ tại một trạm y tế phường trên địa bàn Hà Nội bận rộn trong công tác đưa đón F1, F0 tới điểm cách ly tập trung. Ảnh: Hải Nam. |
Hai chuyên gia đều cho rằng chính phủ cần tăng cường chỉ đạo cấp ủy, chính quyền trong phòng dịch; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản về phòng, chống dịch Covid-19 để đáp ứng thực tiễn nảy sinh; thống nhất trong lãnh đạo; bám sát tình hình thực tế; phối hợp chặt chẽ với quốc tế và chủ động xây dựng các kịch bản phòng dịch từ sớm.
Trong khi đó, về mặt chuyên môn, GS Nguyễn Văn Kính và TS Nguyễn Huy Quang thống nhất 5 vấn đề ngành y tế cần đạt được trong thời gian tới:
Thứ nhất, bảo đảm đảm tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19, tạo mọi điều kiện nhằm đẩy nhanh tốc độ sản xuất vaccine trong nước.
Thứ hai, nâng cao năng lực giám sát dịch tễ, tăng cường xét nghiệm theo địa bàn, nhóm nguy cơ và tại chính khu vực ổ dịch.
Thứ ba, tăng cường đầu tư, củng cố hệ thống y tế cơ sở, trang thiết bị, cơ sở y tế; Điều chỉnh chế độ phụ cấp nghề nghiệp cho cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Thứ tư, cần tạo mọi điều kiện để thúc đẩy việc sản xuất thuốc điều trị Covid-19 trong nước, đảm bảo có ít nhất một loại thuốc điều trị đặc hiệu trong năm 2022-2023, qua đó chủ động nguồn thuốc điều trị.
Cuối cùng, ngành y tế cần nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Song song với đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh Việt Nam trong thời gian tới cần tháo gỡ khó khăn cho việc sản xuất, kinh doanh, từ đây bảo đảm an sinh xã hội song song với công tác phòng, chống dịch.
Tác giả: Quốc Toàn
Nguồn tin: zingnews.vn