‘Sốt đất’ ăn theo dự án náo loạn vùng quê
- 14:00 18-12-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
Kể từ khi có thông tin Tập đoàn Vingroup đổ bộ xây dựng nhà máy sản xuất pin 4.000 tỷ đồng, giá đất tại xã phường như Kỳ Long, Kỳ Thịnh, Kỳ Liên, Kỳ Lợi,... đã lập tức tăng dựng đứng. Nhiều người dân tại địa phương cũng đã bỏ công việc đang làm để tiếp đón các nhà đầu tư Hà Nội và một số tỉnh thành khác tới mua đất.
Theo anh Nguyễn Văn Giang - môi giới bất động sản tại khu vực cho hay, kể từ ngày 12/12 khi Vingroup khởi công xây dựng dự án nhà máy sản xuất pin, lượng nhà đầu tư đổ về càng đông và giá bắt đầu tăng mạnh.
Đơn cử, một mảnh đất rộng khoảng 1.200m2, trong đó có 200m2 là đất thổ cư, mặt tiền 30m. Hồi tháng 4/2021 có giá 200 triệu đồng mỗi mét ngang thì nay đã được giao dịch với mức giá 400 triệu đồng/mét ngang, tổng 12 tỷ đồng.
“Mảnh đất này cách đây khoảng 2 năm thì có giá khoảng 3 tỷ đồng, tức hơn 100 triệu đồng 1 mét ngang. Nhưng giờ có dự án lớn xây dựng thì giá khác rồi”, anh Giang khoe.
Một mảnh đất khác tại Kỳ Thịnh rộng 1.000m2, trong đó có 200m2 đất ở, hồi tháng 4/2021 có giá khoảng 1,4 tỷ đồng thì nay đã qua tay nhiều người khác và giá đã đội lên 5 tỷ đồng, tức cao hơn gấp 3,5 lần.
“Trong 3 năm trở lại đây, đất ở Hà Tĩnh nóng lên, nhiều người đang làm công nhân ở các nhà máy cũng bỏ đi làm môi giới bất động sản. Đất ở quanh khu vực này giờ cũng lên tiền tỷ cả rồi, cầm mấy trăm triệu đồng cũng khó mua lắm”, người môi giới khẳng định.
Mặc dù giá đất liên tục tăng nóng, nhiều người lướt sóng sang tay ngay cũng lãi cả vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, theo thông tin ghi nhận đây chỉ là giao dịch giữa giới đầu tư với nhau còn nhu cầu thực thì rất ít.
Theo anh Nguyễn Văn Nam - người dân tại Kỳ Anh cho biết: “Đầu năm thì giá ở đây khoảng 300 triệu đồng mỗi mét ngang đấy, nhưng giờ giá đã tăng gấp 2 lần rồi, tức 600 triệu đồng mỗi mét ngang, nhiều mảnh họ còn đòi đến 700 triệu đồng mỗi mét ngang cơ”.
Giao dịch chủ yếu là giới đầu tư với nhau, nhằm lướt sóng ăn chênh. |
Tuy nhiên, theo anh Nam cho biết, chủ yếu giao dịch giữa giới đầu tư với nhau còn thực tế người mua để xây nhà ở thực thì gần như không có.
“Biết là có dự án nghìn tỷ của tập đoàn nổi tiếng về đấy nhưng nếu như chủ đầu tư họ xây nhà cho công nhân ở như một số nhà máy ở đây thì nhu cầu mua thực của công nhân có đáng bao nhiêu. Mà kể cả công nhân có nhu cầu mua nhưng giá đất cao như thế thì tiền đâu mà mua cho nổi”, anh Nam nhận định.
Chưa hết, một số nhà đầu tư từ nơi khác tới còn mua những quỹ đất rộng rồi phân lô tách thửa ra bán mỗi lô thường có diện tích từ 100 - 150m2, mặt tiền rao động từ hơn 4 - 8m, giá dao động từ 7 - 8 triệu đồng/m2, tuỳ vị trí.
Theo cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai Kỳ Anh cho biết, đến nay đã xử lý khoảng 9.000 giao dịch liên quan đất ở Vũng Áng, trong đó hồ sơ chuyển nhượng làm bìa đỏ mới khoảng 5.000, còn lại là đăng ký biến động, cho tặng. Con số này gấp 5 - 6 lần so với năm 2020. Các giao dịch bắt đầu sôi động và diễn ra dồn dập từ tháng 4 đến nay.
Song, chia sẻ với báo chí lãnh đạo UBND thị xã Kỳ Anh cho biết thêm, bất động sản tăng giá thì những người có đất sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, điều này cũng khiến nhiều hộ gia đình có nhu cầu mua đất làm nhà ở thực sự ngày càng khó khăn.
Chính quyền liên tiếp khuyến cáo người dân không nên chạy theo đồn thổi, tránh gây thiệt hại cho bản thân trong đầu tư bất động sản. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có văn bản chấn chỉnh việc lợi dụng dự án nhằm gom đất đầu tư, sau đó xin làm hạ tầng giao thông để phân lô bán nền và thổi giá.
Còn ông Nguyễn Ngọc Hoạch, Trưởng phòng Đất đai 1 - Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cho rằng, các địa phương cần phối hợp với ngành liên quan siết chặt quản lý để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp lợi dụng "sức nóng" của các dự án để đẩy giá đất lên cao hơn so với giá trị thực.
Bên cạnh đó, các huyện, thị xã, thành phố cần giao trách nhiệm trực tiếp cho các xã, phường, nếu để xảy ra tình trạng lách luật hợp thức hóa đất nông nghiệp thành đất ở, đất thương mại… thì người đứng đầu chính quyền sở tại phải bị xử lý kỷ luật.
Tác giả: Tuấn Minh
Nguồn tin: Nhịp sống kinh tế