Nghệ An: Chưa hoàn thiện hạ tầng vẫn công khai mở đấu giá đất
- 20:57 13-12-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hạ tầng đang thi công dở dang nhưng đã đấu giá xong |
Năm 2018, tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND ngày 2/3/2018 quy định “Về quyền đấu giá sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.
Cụ thể, theo Điều 6, Quyết định số 12 quy định, đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư (đấu giá quyền sử dụng đất toàn bộ khu đất) phải đáp ứng các điều kiện: Đã có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp có thẩm quyền đã được phê duyệt; có bản vẽ chỉ giới đường đỏ và văn bản thông tin hạ tầng kỹ thuật; văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất.
Đặc biệt, đối với lô (thửa) đất (khu đất) được quy hoạch xây dựng với chức năng hỗn hợp thì phải có quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500; đất đã được bồi thường giải phóng mặt bằng, đất có tài sản gắn liền với đất mà tài sản đó thuộc sở hữu Nhà nước; có phương án đấu giá quyền sử dụng đất, quyết định đấu giá quyền sử dụng đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Mặt khác, đối với đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân tại đô thị, nông thôn: Đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; đã hoàn thành xong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật; có quy hoạch chi tiết liên quan đến khu đất, lô (thửa) đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; có phương án đấu giá quyền sử dụng đất, quyết định đấu giá quyền sử dụng đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Quy định được UBND tỉnh Nghệ An đưa ra áp dụng là vậy nhưng thực tế, tại nhiều dự án phân lô, bán nền lại được chủ đầu tư là cấp phường, xã, huyện, thị tự ý tiến hành tổ chức bán đấu giá khi hạ tầng chưa hoàn thiện. Hạ tầng phân lô đất ở thôn Hội Lâm (xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) là một ví dụ.
Với diện tích hơn 6000 m2, được chia thành 42 lô đất ở. Hạ tầng do UBND xã Cẩm Sơn làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty TNHH xây dựng 789. Hạ tầng theo phê duyệt bao gồm các hạng mục: làm hệ thống đường bê tông, mương thoát nước và hệ thống điện. Công trình được triển khai cách đây khoảng 3 tháng, hiện nay đang trong thời gian thực hiện hợp đồng thi công. Tổng mức đầu tư cho dự án gần 3 tỷ đồng.
Mới đây, ngày 22/11, UBND huyện Anh Sơn đã tổ chức cuộc đấu giá quyền sử dụng các khu đất. Điều đáng nói, tại khu đất đấu giá tại xã Cẩm Sơn vẫn chưa hoàn thiện hạ tầng, kỹ thuật.
Ghi nhận của PV vào ngày 30/11 cho thấy tại khu đất này vẫn là một công trường ngổn ngang vật liệu, máy móc, thiết bị thi công; các hạng mục xây dựng còn nham nhở, công nhân vẫn đang tích cực làm việc. Theo một vài công nhân ở đây, nếu để hoàn thiện mặt bằng khu này phải mất gần một tháng nữa.
Mặc dù chưa được cấp phép đấu nối với quốc lộ 7 nhưng đơn vị thi công đã tự động đấu nối sai quy định |
Mục tiêu đầu tư của dự án là thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả quỹ đất, chống lấn chiếm và ô nhiễm môi trường, tạo nguồn thu cho ngân sách.
Bên cạnh đó, việc đấu nối từ hạ tầng ra quốc lộ 7 phải xin ý kiến của các cơ quan chức năng nhưng hiện nay vẫn chưa thực hiện được. Thủ tục xin đấu nối chưa xong nhưng đơn vị thi công đã vô tư tự đấu nối ra quốc lộ. Vấn đề này không biết các cơ quan chức năng liên quan có biết và đã xử lý thế nào?.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Mạnh Hùng – chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn cho biết: “Đúng là hạ tầng khu đất chưa hoàn thiện, nhà thầu vẫn đang tiến hành thi công, nhưng việc đấu giá khu đất đã được thực hiện hôm 22/11. Việc đấu giá là của huyện và công ty đấu giá, vừa rồi đấu được 39/42 lô. Việc đấu nối ra quốc lộ 7 cũng đang xin thủ tục đấu nối chứ chưa có giấy phép đấu nối hợp lệ. Việc hạ tầng chưa xong đã đấu là do chỉ tiêu thu ngân sách chưa hoàn thiện, nên áp lực buộc chúng tôi phải vừa thi công vừa đấu giá chứ không thì không kịp”.
“Đơn vị thi công cam kết sẽ thi công xong hạ tầng chứ không có chuyện là đấu giá xong rồi bỏ dở. Chúng tôi cũng biết việc chưa xong hạ tầng mà đấu là sai quy định nhưng vì sức ép thu ngân sách nên mong mọi người thông cảm”. Ông Hùng cho biết thêm.
Việc cho đấu giá đất khi chưa thực hiện xong cơ sở hạ tầng dẫn đến tình trạng khi người trúng đấu giá xây dựng nhà ở thì chưa có hệ thống điện, nước và hạ tầng giao thông gây bức xúc cho người dân, thậm chí khiến người mua đất lâm vào tình thế “dở khóc, dở cười”. Tại nhiều địa phương, điều này đã dẫn đến tình trạng tỉ lệ lấp đầy các khu đất sau khi đấu giá thành công còn thấp.
Ngoài ra, với tình trạng dở dang, ngổn ngang của hệ thống hạ tầng chưa hoàn thành sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị các lô đất được tổ chức đấu giá, điều này gây thiệt hại cho nguồn thu ngân sách.
Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ những sai phạm nêu trên.
Nguồn tin: baove.congly.vn