Khu tái định cư bị sạt lở, 17 hộ dân vẫn "sống mòn" bên dòng Nậm Nơn
- 08:03 10-12-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khu vực sạt lở nằm ở dưới ngọn đồi |
Trận lũ thay đổi số phận 17 hộ gia đình
Cuối tháng 8/2018, tại huyện Tương Dương (tỉnh Nghệ An) xảy ra một trận mưa lũ lịch sử. Mưa to dồn dập kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về khiến nhà máy thuỷ điện Bản Vẽ phải xả lũ. Có thời điểm, lưu lượng xả của nhà máy thủy điện này lên tới 4.200 m3/ giây.
Lũ lớn đã gây sạt lở nghiêm trọng, cuối trôi nhiều nhà cửa của người dân các bản Minh Phương, bản Xốp Mạt (thuộc xã Lượng Minh, huyện Tương Dương) sinh sống dọc hai bên bờ sông Nậm Nơn.
Vì không còn nhà hoặc nhà có nguy cơ bị sập xuống sông, nhiều gia đình phải dựng lều lán để ở tạm. Một số khác phải đi nương nhờ nhà người thân.
Một phần ngôi nhà của bà Ngô Thị Tuyết (ở bản Minh Phương) bị lũ cuốn trôi vào năm 2018. |
Hướng ánh mắt buồn bã về phía dòng sông Nậm Nơn, bà Ngô Thị Tuyết (SN 1967, trú bản Minh Phương, xã Lượng Minh) kể lại, tháng 8/2018, trận lũ lớn bất ngờ ập về, nước chảy xiết gây sạt lở, lấn sâu vào móng nhà sàn khiến cả gia đình phải vội vàng tháo chạy để bảo vệ tính mạng.
“Nghĩ lại tôi vẫn thấy sợ, cũng may nhà tôi kịp tháo dỡ được căn nhà không thì cũng bị cuốn trôi luôn như mấy nhà phía dưới rồi”, bà Tuyết nói
Cách đó không xa, căn nhà được xây dựng kiên cố của bà Lương Thị Khiếu (SN 1971) cũng từng bị nước lũ cuốn xuống sông.
Các con đi làm ăn xa, vợ chồng bà Khiếu phải mượn nhà người thân để tá túc |
Nhà chẳng còn, bà Khiếu và người chồng bị tai biến đành phải mượn tạm nhà của người cháu đang đi làm ăn xa để sinh sống tạm bợ qua ngày.
“Cũng may là cháu đi làm ăn xa, cho mượn nơi mà tá túc, chứ không chẳng biết bấu víu vào đâu. Chồng bị tai biến nằm một chỗ, giờ chẳng biết sẽ như thế nào nữa”, chị Khiếu nói.
Ngôi nhà của người thân mà vợ chồng chị Lương Thị Khiếu đang mượn ở tạm. |
Trước thực trạng cấp bách, UBND huyện Tương Dương đã lập đề án xây dựng khu tái định cư với kinh phí hơn 7,3 tỷ đồng, rộng hơn 14.000m2 cho 17 hộ dân bị ngập lụt, sạt lở đất xã Lượng Minh.
Khu tái định cư cho 17 hộ dân xã Lượng Minh |
Đến giữa năm 2020, dự án cơ bản được hoàn thành, UBND xã Lượng Minh đã tổ chức cho người dân bốc thăm chọn vị trí. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau đó, bờ kè mái ta luy phía trên đồi bị nứt, sạt lở khiến người dân lo sợ, không dám dựng nhà để ở.
Nan giải bài toán tìm nơi ở mới
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định bờ kè xuất hiện vết nứt với cung trượt khoảng 80-100m; chỗ nứt rộng nhất 0,5m; sâu từ 0,5-1m; phần chân mái kè bị đẩy xê dịch so với vị trí ban đầu 0,5-1m, gây vỡ mương thoát nước dưới chân ta luy.
Những trận mưa lớn gần đây đã làm bờ kè bị bong tróc, nhiều đoạn vị vỡ nát và có nguy cơ đổ sập.
Theo quan sát của PV, dự án tái định cư nằm bên sườn một ngọn núi hướng nhìn ra sông Nậm Nơn. Chủ đầu tư đã cho làm đường và bạt núi tạo thành 2 mặt bằng rộng; phía sau lưng được gia cố bằng mái ta luy đá hộc.
Tuy nhiên, phần mái ta luy đã có hiện tượng sụt lún nghiêm trọng. Nhiều mảng bê tông và đá hộc bị bong tróc, trượt xuống.
Mái ta luy bằng đá hộc phía lưng ngọn đồi đang xây dựng dở dang |
Một phần bờ kè bị sụt lún nghiêm trọng |
“Lúc nhận đất cũng mừng lắm, cứ tưởng sắp được an cư để yên tâm cày cấy. Nhưng vừa dựng lại được khung nhà thì thấy sạt lở, vậy là lại tháo gỗ chở về. Gỗ để phơi mưa nắng mấy năm rồi, không biết chờ đến khi có đất thì có còn gỗ mà dựng nhà không”, bà Tuyết rầu rĩ.
Mái kè bằng đá hộc và xi măng bị vỡ tan tành |
Tình trạng sụt lún kéo dài hàng chục mét |
Ông Vi Đình Phúc - Chủ tịch UBND xã Lượng Minh cho biết, hiện mới chỉ có duy nhất một hộ dân xây nhà trên khu khu tái định cư, tuy nhiên vì sợ sạt lở nên không dám chuyển lên ở. Một số hộ khác dựng nhà sàn tại đây đã tháo dỡ và chuyển gỗ quay về nhà.
Trước nguy cơ mất an toàn, UBND huyện Tương Dương cũng đã chỉ đạo chính quyền xã Lượng Minh tạm dừng vận động người dân vào ở mà chuyển sang phương án hỗ trợ người dân tự tìm đất để dựng nhà ở.
Tuy nhiên, ông Phúc cho rằng, việc giúp người dân tìm mặt bằng để dựng nhà ở không đơn giản bởi nơi đây toàn đồi núi. Nếu tìm được vị trí, thuê máy múc về san mặt bằng cũng rất tốn kém.
Mới chỉ duy nhất gia đình ông Vi Văn Tạo đã dựng xong nhà nhưng vẫn chưa dám đến ở. |
“Sau lũ, các hộ dân bị thiệt hại nặng được hỗ trợ mỗi hộ 70 triệu đồng để di dời nhà cửa. Nhưng mấy năm rồi, tiền cũng tiêu hết. Giờ dựng một căn nhà cũng tốn hàng trăm triệu. Trường hợp người dân đã có nhà cũ, chỉ dựng lại cũng tốn cả trăm triệu nên rất khó khăn cho người dân”, ông Phúc nói.
Tác giả: Phạm Tâm
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại