Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Quỳnh Lưu - Nghệ An: Xây dựng nhà xưởng không phép, xả thải trực tiếp ra môi trường

Mặc dù, chưa được cấp đất nhưng ông Dương Hà Nam đã ngang nhiên ra khu đất bám đường 537B do xã An Hòa quản lý để xây nhà ở, kho xưởng chiếm gần 3000m2 đất trái phép hơn 8 năm nay mà chính quyền sở tại "làm ngơ" khiến nhân dân bất bình...

Khu đất bị chiếm dụng trái phép của ông “Quan thôn”

Từ nhiều năm nay, nhân dân thôn Tân An, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) phản ánh việc ông Dương Hà Nam xóm trưởng xóm Tân An ngang nhiên xây dựng nhà, kho xưởng trái phép trên gần 3000m2 đất nông nghiệp từ năm 2014 đến nay nhưng UBND xã, huyện vẫn làm ngơ để ông Nam ngang nhiên sử dụng. Không thuế, không đảm bảo môi trường, không giấy phép, nguy hại hơn là xả thải trực tiếp ra môi trường khi chưa xử lý, nhưng vẫn hoạt động kinh doanh một cách tự do ngay giữa thanh thiên bạch nhật.

Cũng theo phản ánh của người dân và thông tin từ UBND xã An Hòa, năm 2014 ông Dương Hà Nam là xóm trưởng tự ý ra đổ đất san mặt bằng, xây nhà ở, kho đông lạnh, xưởng sản xuất đá lạnh trên khu đất bám đường 537B gần 3000m2 thuộc loại đất UBND xã quản lý mà chính quyền địa phương coi như không hay biết. Như vậy, người dân nới đây đặt câu hỏi và cho rằng ông Chủ tịch UBND xã đã "thông đồng" cùng ông Nam để chiếm đoạt tài nguyên của Nhà nước.

 Ông Dương Hà Nam xóm trưởng xóm Tân An ngang nhiên xây dựng nhà, kho xưởng trái phép trên gần 3000m2 đất nông nghiệp

PV đã mục sở tại đây và ghi nhận, nơi mà người dân phản ảnh là một khu đất rộng khoảng 3000m2, hiện trạng các công trình đã xây dựng trên khu đất gồm có: Một ngôi nhà ở của gia đình ông Nam, một kho đông lạnh, một nhà máy sản xuất đá lạnh, một ga ra để xe ô tô tải và một bãi tập kết để xe ra vào vận chuyển hàng hóa. Ranh giới đất, phía Tây là giáp đường 537B rộng khoảng 40 mét, phía Đông bám với sông Hậu, hàng ngày tàu thuyền ra vào vận chuyển cá cấp đông và đá lạnh phục vụ cho ngư dân hoạt động rầm rộ suốt ngày đêm, nhất là khi biển lặng.

 Không thuế, không đảm bảo môi trường, không giấy phép, nguy hại hơn là xả thải trực tiếp ra môi trường khi chưa xử lý, nhưng vẫn hoạt động kinh doanh một cách tự do ngay giữa thanh thiên bạch nhật.

“Quan thôn” bất chấp phớt lờ quyết định của cấp trên

Ngoài việc biến đất nông nghiệp thành nhà ở, kho đông lạnh, xưởng sản xuất đá lạnh phục vụ ngư dân được tọa lạc trên gần 3000m2 đất, thì ông “Quan thôn” này còn lộng quyền hơn thế nữa khi năm 2019 UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định chấp thuận đầu tư số 1061/QĐ-UBND ngày 08/4/2019 của UBND tỉnh Nghệ An về việc chấp thuận nhà đầu tư, hộ kinh doanh ông Ngô Đình Lý; Quyết định phê duyệt quy hoạch 1/500 của UBND tỉnh Nghệ An số 2619/QĐ-UBND ngày 11/7/2019 về việc phê duyệt quy hoạch khu dịch vụ hậu cần nghề cá Xuân Lý tại xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An); Quyết định số 2922/QĐ-UBND, ngày 20/11/2019 của UBND huyện Quỳnh Lưu về việc cho hộ kinh doanh Ngô Đình Lý thuê đất để thực hiện dự án: Khu dịch vụ hậu cần nghề cá tại xã An Hòa; Quyết định số 786/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt giá đất thương mại, dịch vụ bình quân khu đất hộ kinh doanh Ngô Đình Lý thuê tại xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu; Phiếu chuyển thông tin xác định đơn giá cho thuê đất số 05/PC-TNMT ngày 15/01/2020 của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳnh Lưu; khu đất này lại nằm song song với đất lấn chiếm của ông Dương Hà Nam.

 Quyết định số 786/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt giá đất thương mại, dịch vụ bình quân khu đất hộ kinh doanh Ngô Đình Lý

Sau khi biết được Dự án quy hoạch đã được phê duyệt ngay lập tức ông Dương Hà Nam đã ngang nhiên thuê người ngày đêm đến hàn dựng lên một ngôi nhà Tôn 03 gian và chuyển sang hàng chục thùng đựng nước mắm chiếm ngay một phần đất mà UBND xã, huyện Quỳnh Lưu và UBND tỉnh Nghệ An đã quy hoạch, phê duyệt, tạo lên một cuộc tranh chấp vô lý, không có căn cứ, không có cơ sở pháp lý làm ách tắc, chậm tiến độ bàn giao mặt bằng cho hộ kinh doanh ông Ngô Đình Lý gần 3 năm nay. Mặc dù ông Lý đã rất nhiều lần làm đơn đề nghị lên UBND các cấp yêu cầu sớm bàn giao mặt bằng để ông thực hiện dự án, vì hiện nay các thiết bị, máy móc đã mua về đang tập đống phải mua bạt để che phủ.

 Ông Lý đã rất nhiều lần làm đơn đề nghị lên UBND các cấp yêu cầu sớm bàn giao mặt bằng để ông thực hiện dự án, vì hiện nay các thiết bị, máy móc đã mua về đang tập đống phải mua bạt để che phủ.

Theo ông Ngô Đình Lý: “Việc UBND các cấp chậm bàn giao mặt bằng cho ông đã làm thiệt hại rất lớn đến kinh tế của hộ gia đình vì thiết bị máy móc đều phải mua ở nước ngoài nên không thể hoàn trả lại được mà đến thời hạn là phải thực hiện theo hợp đồng”.

Trao đổi với ông Dương Hà Nam là chủ khu đất lấn chiếm nói trên ông Nam trả lời: “Đất của Nhà nước chưa dùng thì dân dùng, khi dân dùng ổn định thì phải cấp giấy cho dân, hiện tại trên địa bàn xã An Hòa nói riêng và trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu nói chung còn hàng nghìn trường hợp tương tự như tôi có ai tháo dỡ đâu mà yêu cầu tôi tháo dỡ?”.

Qua nhiều lần PV làm việc trực tiếp, cũng như qua điện thoại với ông Hồ Anh Dũng, Chủ tịch UBND xã An Hòa ông Dũng cho biết: “ Việc khu đất mà hiện ông Nam đang sử dụng từ năm 2014 đến nay thì hiện tại UBND xã đang giao cho các ban ngành tiến hành làm các thủ tục theo quy định của pháp luật, còn về chỗ ông Nam sang xây nhà Tôn trái phép trên đất đã được Nhà nước cho ông Ngô Đình Lý thuê thì đến thời điểm này UBND xã không thể giải quyết được, mặc dù chúng tôi đã mời ông Nam lên làm việc, vận động nhiều lần rồi nhưng ông Nam nhất quyết không chịu và ông cho rằng ông Lý là người xã khác thuê được thì tôi cũng thuê được. Vì vậy, UBND xã đang lập tờ trình báo cáo UBND huyện Quỳnh Lưu xem xét để có hướng chỉ đạo và xử lý theo quy định của pháp luật”.

Trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu về việc UBND xã An Hòa để ông Dương Hà Nam xóm trưởng ngang nhiên lấn chiếm hàng nghìn m2 đất và xây dựng nhà trái phép trên đất đã được UBND tỉnh cho ông Ngô Đình Lý thuê thì ông Quý khẳng định “ Việc ông Dương Hà Nam xây dựng nhà, kho xưởng trái phép đó thì UBND huyện đã giao cho UBND xã làm các thủ tục thuê đất theo quy định của pháp luật, còn chỗ ông Nam làm nhà mái Tôn trái phép trên đất quy hoạch dự án của ông Ngô Đình Lý thì sẽ kiên quyết xử lý, hiện tại đang giao cho UBND xã vận động và giải quyết, nếu ông Nam không tự giác tháo dỡ thì sẽ tiến hành cương chế theo quy định, không thể để sự việc kéo dài mãi như thế được làm ảnh hưởng rất lớn đến dự án và kinh tế của doanh nghiệp”

 Ông Nam làm nhà mái Tôn trái phép trên đất quy hoạch dự án của ông Ngô Đình Lý

Để bảo vệ, quản lý đất nông nghiệp không bị lấn chiếm, xây dựng trái phép, làm thay đổi hiện trạng và mục đích sử dụng đất, ngoài Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Theo quy định, cán bộ công chức địa chính - xây dựng ở xã, phường được giao nhiệm vụ quản lý địa bàn, tiếp nhận thông tin phản ánh việc người dân xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, lập biên bản vi phạm, báo cáo chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, cán bộ công chức thuộc các Phòng quản lý đô thị như; Phòng Tài nguyên và môi trường (UBND các huyện) được giao nhiệm vụ quản lý chuyên môn, trật tự xây dựng.

UBND tỉnh Nghệ An cũng đã gắn trách nhiệm Chủ tịch UBND cấp xã, phường phải chịu trách nhiệm toàn diện về việc để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Trong trường hợp vi phạm vượt thẩm quyền xử lý phải chuyển hồ sơ, đề xuất chủ tịch UBND cấp quận, huyện xử lý...

Ngoài ra, lực lượng công an được giao nhiệm vụ giữ an ninh trật tự trong việc cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm; xử phạt hành vi chống đối, cản trở người thực hiện nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính.

Mặc dù các quy định đã rất chặt chẽ, đầy đủ trong việc ngăn chặn các hành vi lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhưng tình trạng đất nông nghiệp bị chiếm dụng, sử dụng trái phép, bị biến thành đất ở vẫn diễn ra với quy mô, tính chất ngày càng phức tạp.

Có thể thấy việc để xảy ra vi phạm chậm xử lý như trên, trách nhiệm lớn nhất là của chính quyền cấp cơ sở đã không kịp thời ngăn chặn, xử lý các vi phạm. Thậm chí có địa phương còn có dấu hiệu bao che cho cá nhân, doanh nghiệp làm trái. Đặc biệt, công tác chỉ đạo, lãnh đạo trong việc xử lý đối với những vi phạm còn thiếu kiên quyết, thiếu khách quan dẫn đến những sai phạm kéo dài, không giải quyết được gây thất thoát nghiêm trọng tài nguyên của đất nước và làm bất công bằng trong xã hội./.

Tác giả: VĂN PHÚ - VINH QUANG

Nguồn tin: moitruongvadothi.vn