Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vì sao nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng, Quốc ca vẫn bị đánh bản quyền?

Theo các luật sư, gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng tác phẩm cho Nhà nước là hiến tặng phần "nhạc và lời", nếu chúng ta sử dụng bản ghi do một đơn vị khác sản xuất thì phải có sự đồng ý của họ.

Việc không thể nghe được phần hát Quốc ca mở đầu trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Lào trên sân Bishan (Singapore) tối 6/12 khi theo dõi trên Youtube đã khiến dư luận nổ ra những tranh cãi trái chiều.

Trước đó, BH Media được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý và khai thác một bản ghi "Tiến quân ca" trên nền tảng số. Bản ghi này do Hồ Gươm Audio sản xuất. Vì thế khi sự cố này xảy ra, nhiều người cho rằng BH Media can thiệp bản quyền.

Tuy nhiên, trả lời báo chí đơn vị này khẳng định: "Vụ việc các kênh YouTube tắt tiếng Quốc ca lần này không hề liên quan đến BH Media". Trong trận đấu Việt Nam - Lào không hề có bên nào "đánh bản quyền Quốc ca" mà chỉ là do các đơn vị tiếp sóng tự tắt tiếng đề phòng bị mất doanh thu.

 Việc bị tắt tiếng ở phần chào cờ khiến khán giả Việt Nam bức xúc. (Ảnh chụp màn hình).

Sử dụng bản ghi, phối khí bài Quốc ca do một đơn vị tự sản xuất phải xin phép là đúng

Chia sẻ với PV Dân trí, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phong Luật sư Tinh Thông Luật) cho hay, Quốc ca của mỗi quốc gia thường được quy định trong hiến pháp của quốc gia đó. Hiến pháp năm 1992 quy định: "Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời bài Tiến quân ca" (Điều 143).

Gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng tác phẩm cho Nhà nước là hiến tặng phần "nhạc và lời".

Đối với mỗi bản ghi âm, audio của một bài hát khi được phát hành sẽ chứa 2 loại quyền tách biệt là: quyền bản ghi - liên quan đến phần nhạc, hòa âm phối khí và âm thanh giọng hát có trong bản ghi; quyền tác giả - liên quan đến phần giai điệu, tiết tấu và lời của bài hát được sử dụng trong bản ghi âm.

 Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng bài hát Tiến Quân ca gồm phần nhạc và lời. Tuy nhiên, nếu chúng ta sử dụng bản ghi, phối khí do một đơn vị khác sản xuất thì đương nhiên phải có sự đồng ý của đơn vị đó. 

Theo Luật Bản quyền, hãng đĩa hoặc nhà sản xuất ra bản ghi âm là người nắm giữ phần quyền bản ghi, còn nhạc sĩ, người sáng tác bài hát nắm giữ quyền tác giả hay còn gọi là tác quyền.

"Nhiều người chưa hiểu chính xác về hai loại quyền nói trên. Không phải là người tạo ra tác phẩm đó nên có quyền 100% đối với những bản ghi âm, ghi hình liên quan đến tác phẩm của mình.

Ví dụ một nhạc sĩ chuyên sáng tác các ca khúc cho các show truyền hình của VTV, HTV nhưng không có nghĩa nhạc sĩ được quyền đăng tải các chương trình này lên kênh YouTube của nhạc sĩ bởi VTV, HTV mới là chủ sở hữu thực sự.

Do vậy, nếu chúng ta sử dụng phần lời bài hát mà không sử dụng phần hòa âm phối khí của Hồ Gươm Audio thì không việc gì phải xin phép. Còn bất kỳ ai muốn sử dụng bản hòa âm, phối khí này đều phải xin phép chủ sở hữu là đúng", Luật sư Diệp Năng Bình phân tích.

Ở trận đấu giữa Việt Nam và Lào tối 6/12, một số kênh Youtube tự động tắt tiếng, không phát phần Quốc ca là đề phòng đơn vị tổ chức trận đấu phát sóng bản ghi có bản quyền. Theo luật, bất kì ai muốn sử dụng bản ghi này thì phải xin phép nhà sản xuất.

Nếu bị đánh bản quyền, theo luật sư Diệp Năng Bình các kênh Youtube không chỉ bị mất doanh thu mà còn có thể phải chịu phạt theo quy định.

"Nhà nước cần thực hiện một bản ghi Quốc ca chuẩn, phát miễn phí trên các nền tảng số"

Trong khi đó, Luật sư Nghiêm Quang Vinh (Giám đốc công ty Luật Nghiêm Quang, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, sự việc lần này là do tự ý các kênh Youtube chủ động tắt tiếng tránh việc bị đánh bản quyền.

Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn nhận nghiêm túc về việc "bản quyền Quốc ca". Thực tế, trong trận đấu thuộc Vòng loại thứ 3 của World Cup 2022 giữa đội tuyển Việt Nam và Ả Rập Xê Út đăng tải trên kênh YouTube "FPT Bóng Đá Việt" đã bị Naxos Digital Services US (thay mặt cho Hãng đĩa Marco Polo) thông báo xác nhận sở hữu bản quyền bản ghi Quốc ca Việt Nam.

Kênh YouTube của FPT không có lỗi, họ chỉ là đơn vị tiếp sóng. Ban tổ chức sân mới chính là người đã chọn bản ghi Tiến quân ca của Hãng đĩa Marco Polo. Đây là bản ghi mà hãng đĩa này bỏ tiền sản xuất và đã đăng ký bản quyền trên YouTube.

"Gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng phần lời và nhạc bài Tiến quân ca cho Nhà nước. Chúng ta nên thực hiện việc đăng ký bản quyền quốc tế đối với ca khúc này. Bất cứ cá nhân, tổ chức, đơn vị nào kể cả ở nước ngoài muốn sử dụng ca khúc đều phải xin phép.

Thêm vào đó, để tránh các sự cố bản quyền tương tự, Nhà nước cũng nên thực hiện sản xuất bản ghi Quốc ca chuẩn, với dàn nhạc giao hưởng và phát miễn phí trên các nền tảng số âm nhạc. Trong các sự kiện trong và ngoài nước, các đơn vị có thể sử dụng bản ghi này mà không lo sợ vi phạm bản quyền", luật sư Nghiêm Quang Vinh nói.

Vị luật sư này cũng cho rằng, ở các trận đấu bóng đá khác, đoàn thể thao Việt Nam nên chủ động cung cấp các bản ghi Quốc ca có bản quyền của mình cho đơn vị tổ chức, tránh tình trạng "dở khóc, dở cười" như các sự việc xảy ra vừa rồi.

"Hiện nay có rất nhiều đơn vị sản xuất bản ghi Tiến quân ca, cả trong nước và ngoài nước. Bản ghi do phía nước ngoài sản xuất họ đăng ký bản quyền, phát trên nước họ thì không sao nhưng nếu chúng ta không bỏ tiền ra mua, khi thực hiện phát sóng lại họ hoàn toàn có thể đánh bản quyền", Luật sư Vinh nói.

Tác giả: Hà Trang

Nguồn tin: Báo Dân trí