Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đề nghị hỗ trợ ngay cho miền Trung 175 tỉ đồng

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu không để người dân vùng lũ miền Trung thiếu ăn thiếu mặc, màn trời chiếu đất, không để hậu quả lũ lụt phát sinh dịch bệnh.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt miền Trung - Ảnh: TTXVN

Chiều 5-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai và 8 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên (Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai và Đắk Lắk) để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ.

175 tỉ đồng để cứu đói, sửa nhà, vệ sinh môi trường...

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - thứ trưởng Bộ NN&PTNT, phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - cho biết từ đầu năm 2021 đến nay, có 5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, 166 trận mưa lớn, gây lũ.  

"Đặc biệt là đợt từ 27-11 đến 1-12 trên các sông Bình Định, Phú Yên lũ lớn tương đương các năm 2013, 2016, 2017 và gần ở mức lịch sử, gây ngập lụt trên diện rộng, sạt lở ở nhiều nơi" - ông Hiệp báo cáo. Đợt mưa lũ này làm 19 người chết, mất tích; 26 nhà bị sập, 25 nhà bị thiệt hại; gây thiệt hại nặng nề về nông nghiệp, giao thông...

Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị Chính phủ hỗ trợ gạo cứu đói, sửa chữa nhà ở, khôi phục sản xuất, hóa chất khử trùng tương đương tổng kinh phí 175 tỉ đồng cho các địa phương. 

"Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, cập nhật thực tiễn để điều chỉnh phương án, kịch bản phòng chống lũ, nhất là phương án di dời dân, công tác chỉ đạo vận hành liên hồ chứa, nhất là trên lưu vực sông Ba" - báo cáo nêu.

 Nhà dân ở huyện Tây Hòa (Phú Yên) bị ngập nặng trong trận lũ ngày 30-11 - Ảnh: DUY THANH

Tập trung lo cho dân vùng lũ

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương miền Trung và các bộ ngành liên quan tập trung lo cho dân sau lũ với tinh thần không để dân đói ăn thiếu mặc, màn trời chiếu đất, không để hậu quả lũ lụt phát sinh dịch bệnh gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Các địa phương khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả lũ lụt, các công trình thiết yếu như giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, đảm bảo vệ sinh môi trường… khôi phục sản xuất kinh doanh, nhanh chóng đưa các hoạt động về trạng thái bình thường.

Thủ tướng thống nhất trước mắt cấp ngay 11.000 tấn gạo hỗ trợ cho người dân 3 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Về nguồn tài chính để khắc phục hậu quả, lo an sinh xã hội, Thủ tướng yêu cầu các địa phương chủ động, nếu nguồn địa phương không đảm bảo thì báo cáo để Chính phủ xem xét hỗ trợ.

Thủ tướng cũng yêu cầu cần tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong phòng chống lũ lụt vừa qua. Thủ tướng lưu ý việc phối hợp chống lũ giữa các địa phương, bộ ngành cần chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả.

"Đặc biệt là xả lũ. Tỉnh đầu nguồn xả lũ vì lo vỡ đập tác động ngay tới hạ du. Do vậy các tỉnh phải phối hợp, thông tin cho nhau để nắm chắc tình hình và phải có thông báo, phải thực hiện đúng quy trình, quy phạm" - người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng nhận định rằng trong trận lũ vừa qua có sự phối hợp chưa tốt nên để xảy ra hậu quả 19 người chết, hầu hết là chết đuối. "Phải phân tích đánh giá thêm là chúng ta có chủ quan, mất cảnh giác không, nhất là giai đoạn cuối mùa, thiên tai hiện nay lại xảy ra không đúng quy luật, không đúng chu kỳ, không có tiền lệ" - ông đề nghị.

Thủ tướng yêu cầu cần xây dựng kịch bản chung cho tất cả hồ đập khi có tình huống thiên tai, nhưng cũng phải xây dựng kịch bản theo đặc thù cho mỗi hồ đập; đồng thời tăng cường năng lực phòng chống, ứng phó của các địa phương khi có sự cố.

Về lâu dài, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT xây dựng đề án chống lũ lụt thiên tai miền Trung, sạt lở và sụt lún Nam Bộ, sạt lở và thời tiết cực đoan ở miền Bắc. Trên cơ sở đề án này sẽ hình thành các dự án cụ thể, huy động nguồn lực thực hiện.

Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế phòng chống thiên tai, dịch bệnh; tham mưu xây dựng lại quy trình vận hành các hồ đập, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo; hỗ trợ dân xây nhà kết hợp phòng chống bão lũ; nâng cao năng lực dự trữ các hồ đập và năng lực chỉ đạo điều hành các cấp cũng như ý thức người dân trong phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu…

Tính đến ngày 4-12, thiên tai năm 2021 đã làm 107 người chết, mất tích và 95 người bị thương, 302 nhà sập, gần 9.000 nhà hư hỏng và nhiều thiệt hại khác với tổng giá trị hơn 4.800 tỉ đồng.

Tác giả: Duy Thanh

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ