Đỗ Hùng Dũng và căn bệnh thành tích nguy hiểm của bóng đá Việt Nam
- 13:34 03-12-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Điền tên Đỗ Hùng Dũng là bất công
Đỗ Hùng Dũng đã bay vào Vũng Tàu hội quân với tuyển Việt Nam, chuẩn bị cho AFF Cup 2021 khởi tranh tại Singapore vào đầu tháng tới. Sự xuất hiện của anh nâng quân số tuyển Việt Nam hiện tại lên 35 người.
Cho dù Ban tổ chức AFF Cup 2021 cho mỗi ĐTQG đăng ký tối đa 30 cầu thủ vì ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng điều đó không có nhiều ý nghĩa trong trường hợp này. Nếu Hùng Dũng được điền tên vào danh sách chính thức, chắc chắn sẽ có một cầu thủ khác bị gạch tên. Liệu điều đó có công bằng hay không? Nên nhớ, Hùng Dũng vừa bình phục chấn thương nặng sau 8 tháng và không có bất cứ trận đấu nào trước thềm giải đấu. Tiền vệ 28 tuổi này tập chay suốt thời gian qua. Thậm chí, cách đây một tháng, anh còn chưa đảm bảo điều kiện thể lực để lên tuyển.
Đỗ Hùng Dũng vừa bình phục chấn thương sau 8 tháng điều trị. |
Chính vì vậy, bất cứ cái tên nào trong danh sách sơ bộ phải nhường chỗ cho Hùng Dũng đều không hợp lý. HLV Park Hang-seo đã phải cân đo đong đếm rất kỹ khi lựa chọn nhân sự từ ĐT Việt Nam và U23 Việt Nam sau các đợt tập trung liên tiếp suốt từ tháng 8 đến nay. Những cầu thủ đó không những thi đấu nhiều hơn Hùng Dũng mà còn có sự gắn kết và cảm giác tốt hơn tiền vệ của Hà Nội - ít nhất ở thời điểm này.
Ngay cả với bản thân Hùng Dũng, việc sang Singapore dự AFF Cup sắp tới cũng là bất công lớn. Anh xứng đáng được nghỉ ngơi nhiều hơn, trở lại từ tốn thay vì mạo hiểm trở lại sớm như dự định của ban huấn luyện ĐT Việt Nam. Hùng Dũng đã 28 tuổi, độ tuổi khiến chấn thương gãy chân của anh mất nhiều thời gian hồi phục hơn và khiến anh chịu nguy cơ gặp vấn đề ở các vị trí khác.
Ra sân tại một giải đấu có mật độ thi đấu dày đặc nhưng chất lượng chuyên môn kém như AFF Cup có thể khiến Hùng Dũng gặp nguy hiểm không đáng có. Liệu Hùng Dũng có đáng phải chịu nguy cơ đó ở độ tuổi này hay không? Không ai có thể đưa ra câu trả lời xác đáng.
HLV Park Hang-seo đã nhớ Hùng Dũng từ lâu
Không ít người hâm mộ cho rằng sự vắng mặt của Hùng Dũng là một trong những nguyên nhân chính khiến ĐT Việt Nam toàn thua 6 trận tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á đến lúc này. HLV Park Hang-seo cũng nghĩ vậy. Hơn ai hết, ông hiểu rõ tầm quan trọng của Dũng “Chíp” trong hệ thống chiến thuật của mình.
Huấn luyện viên Park Hang-seo. |
Chính vì vậy, ngay từ cuối tháng 10, HLV Park Hang-seo đã đánh tiếng muốn đưa Hùng Dũng trở lại ĐT Việt Nam. Ở thời điểm đó, chiến lược gia người Hàn Quốc chỉ muốn Hùng Dũng tìm lại cảm giác bóng nhanh hơn và sẵn sàng cho AFF Cup 2021. Ông cam kết không dùng tiền vệ này trong hai trận đấu với Nhật Bản và Saudi Arabia.
Kế hoạch của HLV Park Hang-seo rất rõ ràng. Nếu Hùng Dũng có thể tập trung với ĐTQG từ đầu tháng 11, tiền vệ này chắc chắn đủ thể lực và phần nào cảm giác bóng để đá chính tại AFF Cup 2021. Chỉ cần một tháng ăn tập với ĐT là đủ cho Hùng Dũng tái hòa nhập với các đồng đội.
Tuy nhiên, việc HLV Park Hang-seo nhớ Hùng Dũng đến vậy khiến người hâm mộ nảy sinh 2 câu hỏi: Các tiền vệ còn lại của ĐT Việt Nam quá tệ hay không phù hợp với chiến thuật và liệu rằng AFF Cup có quan trọng đến vậy hay không? AFF Cup có đáng để bóng đá Việt Nam mạo hiểm với một trong những ngôi sao sáng giá nhất của mình hay không?
Chức vô địch AFF Cup 2018 đã giải tỏa cơn khát của ĐT Việt Nam tại Đông Nam Á. Sau đó, chúng ta cũng giành cả Huy chương vàng SEA Games và chính thức vượt mặt Thái Lan để trở thành nền bóng đá mạnh nhất khu vực. Vậy, chúng ta có cần thể hiện sức mạnh của mình thông qua việc cố gắng bảo vệ ngôi vương bằng mọi giá?
Câu trả lời rõ ràng là không. Trong suốt 2 năm qua, mục tiêu mà ĐT Việt Nam và cả U23 Việt Nam hướng đến vẫn là đấu trường châu lục, nơi chúng ta đang dần trở thành khách quen của các giải đấu lớn. Vì vậy, nếu thực sự muốn vươn xa, chúng ta cần có cái nhìn khác về AFF Cup cũng như SEA Games. Đó không thể là những giải đấu quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam ở thời điểm này. Giai đoạn chúng ta khát khao cúp vàng AFF Cup và Huy chương vàng SEA Games đã qua.
Căn bệnh thành tích nguy hiểm của bóng đá Việt Nam
Có lẽ, HLV Park Hang-seo cũng ý thức được vấn đề của Hùng Dũng và một số học trò cưng của ông. Khi bị CLB Hà Nội từ chối cho triệu tập Hùng Dũng vào đầu tháng 11, HLV người Hàn Quốc nhanh chóng chấp nhận. Tuy vậy, lời triệu tập của ông vẫn còn nguyên giá trị và giống như một cuộc thi gan lỳ với Hà Nội. Cuối cùng, đội chủ sân Hàng Đẫy cũng phải nhả người.
Quang Hải và Đỗ Hùng Dũng - hai cầu thủ của CLB Hà Nội. |
Sau 4 năm làm việc với bóng đá Việt Nam, HLV Park Hang-seo dường như đã bị cuốn vào cuộc đua thành tích không hồi kết thay vì nghĩ đến những chuyện vĩ mô hơn, những kế hoạch dài hơi và tham vọng hơn. ĐT Việt Nam đã thua 7 trận liên tiếp tại vòng loại World Cup 2022 và HLV Park Hang-seo không dám mạo hiểm danh tiếng cũng như vị trí của mình. Vì vậy, ông muốn “tất tay” cho AFF Cup 2021 thay vì cố gắng làm điều gì đó mới mẻ.
HLV Park Hang-seo từng sớm nhận ra người hâm mộ Việt Nam chỉ thích thứ bóng đá chiến thắng. Cho dù vừa gia hạn hợp đồng thêm 1 năm với VFF nhưng HLV người Hàn Quốc tự hiểu ông sẽ phải chịu áp lực lớn đến thế nào nếu tiếp tục thất bại tại giải đấu khu vực như AFF Cup.
Về lý thuyết, quyết tâm bảo vệ chức vô địch không bao giờ là chuyện sai trái hay đáng trách. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ĐT Việt Nam cần phải thử nghiệm nhiều hơn, trao cơ hội cho nhân tố mới nhiều hơn cho giải đấu tại Singapore, qua đó hướng đến việc hoàn thành vòng loại thứ 3 với những màn trình diễn tốt nhất và hướng đến tương lai.
Chạy theo thành tích vốn dĩ là vấn đề tồn tại trong lòng bóng đá Việt Nam từ lâu. Cách đây 4 năm, 4 ĐT Việt Nam ở các cấp độ khác nhau đã dùng chung Đoàn Văn Hậu, tạo ra kỷ lục có lẽ chưa từng có trên toàn thế giới. Khi đó, Văn Hậu chưa đầy 18 tuổi. Anh liên tục tham dự giải U18 Đông Nam Á 2017, U20 World Cup, SEA Games 2017 cùng U23 Việt Nam và đến cuối năm lại khoác áo ĐT Việt Nam đá vòng loại Asian Cup. Một năm sau đó, Văn Hậu thậm chí phải “phân thân” để đá cả AFF Cup lẫn Vòng chung kết U19 châu Á.
Đó là chuyện không thể chấp nhận ở các nền bóng đá phát triển. Khi một cầu thủ đã lên ĐTQG, anh ta chỉ phải chơi cho các cấp độ thấp hơn nếu sa sút phong độ. Trong khi đó, ở ĐT Việt Nam, phong độ càng cao, càng phải cày ải nhiều. Bệnh thành tích của nền bóng đá khiến các cầu thủ xuất sắc vượt trội như Văn Hậu bị vắt kiệt sức ngay ở giai đoạn nhạy cảm nhất của sự nghiệp và có thể tạo ra các hệ quả khôn lường.
Không ai dám khẳng định Văn Hậu liên tiếp dính chấn thương trong 2 năm gần đây vì phải thi đấu quá nhiều nhưng đó chắc chắn là một phần nguyên nhân. Tương tự như vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu ĐT Việt Nam thường xuyên đặt kỳ vọng vào một cầu thủ mới bình phục chấn thương nặng như Hùng Dũng?
Những tấm gương cay đắng Trong những năm gần đây, CLB Hà Nội đã khốn khổ với các tuyển thủ dính chấn thương liên miên và liên tục tái phát hoặc dính chấn thương mới ngay sau khi trở lại. Có thể kể đến hai trường hợp nổi tiếng nhất là Trần Đình Trọng và Đoàn Văn Hậu. Vì vậy, họ quyết tâm giữ Hùng Dũng ở lại trung tâm phục hồi chấn thương lâu hơn. Trong văn bản gửi cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nhằm phản đối việc triệu tập Hùng Dũng vào đầu tháng 11, CLB Hà Nội nêu rõ: “Đây là thời điểm quan trọng nhất trong quá trình hồi phục của Hùng Dũng để quay trở lại với bóng đá. Nếu vội vã trở lại, cầu thủ này sẽ phải trả giá rất đắt, thậm chí là toàn bộ công sức 8 tháng qua sẽ trở nên vô giá trị và tương lai sau này bị ảnh hưởng nghiêm trọng”. Tuy nhiên, cuối cùng, CLB Hà Nội cũng không thể từ chối cho Hùng Dũng tham dự AFF Cup 2021. Lúc này, quyền quyết định đã hoàn toàn thuộc về HLV Park Hang-seo và các cộng sự. Nếu Hùng Dũng sang Singapore, CLB Hà Nội sẽ giống như “ngồi trên đống lửa”, đặc biệt khi V.League sớm trở lại vào đầu năm sau. Bên cạnh các ngôi sao của Hà Nội, không ít tuyển thủ khác cũng nếm trải cảm giác bất lực vì chấn thương cũ vừa lành, chấn thương mới lại đến, có thể kể đến như Bùi Tiến Dũng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Minh Vương... |
Tác giả: Đơn Ca
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân