Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ông Lê Tùng Vân tự xưng là 'người tu hành' nhưng vẫn nuôi trồng thủy sản để bán?

Ông Vân đã trả lời rằng: "Trên đời này có những chuyện cần phải hy sinh, những con cá mà thầy nuôi cần phải hy sinh cho gần 80 người được sinh sống, đó là bắt buộc".

 

Vào năm 1990, sau khi rời quê An Giang, ông Lê Tùng Vân đã thành lập nên một trại dưỡng lão, cô nhi Thánh Đức tại ấp 2, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Tuy nhiên, dù ông Lê Tùng Vân vẫn tự nhận mình là người "ăn chay, niệm Phật", "xuất gia" và có "cả đời tu học" nhưng tại cơ sở trại mồ côi, dưỡng lão Thánh Đức, ông Tùng Vân vẫn nuôi trồng thủy sản để buôn bán.

 Ông Lê Tùng Vân cùng các "đồ đệ"

Trao đổi với PV, ông Nhị Nguyên cho biết: "Chúng tôi cũng nhận được thắc mắc của mọi người là vì sao người tu hành lại nuôi cá để bán. Lúc ấy, trại mồ côi có hơn 80 người. 80 nhân khẩu là 80 miệng ăn, chi phí sinh hoạt đâu có nhỏ, hỏi nguồn tài chính đó ở đâu mà có để nuôi được hết ngần ấy người đây. 

Lúc đó, sư phụ tôi tu ẩn dật không ai biết tới, cũng chẳng thể mong chờ có ai phụ giúp gì được. Thế là "thầy ông nội" đã tạo ra một cái nghề cho cả thiền viện là làm làm nhang. Sư phụ đã đầu tư mua mấy chục cái máy làm nhang về để làm, rồi mấy thầy thì nghiên cứu cách trộn bột nhang với làm sao cho cây nhang nó thơm.

Nhưng thu nhập của nghề làm nhang này không đủ để nuôi hết 80 người. Cuối cùng, "thầy ông nội" đổi qua nghề nuôi trồng thủy sản. Thầy đã dầm mưa dãi nắng, bôn ba lăn lộn cực khổ với nghề nuôi thủy sản này gần 20 năm trời để lo hết cho mọi người".

Cũng theo ông Nguyên, nhiều người đã nói với ông Lê Tùng Vân rằng: "Thầy tu mà thầy nuôi cá như vậy là thầy sát sanh rồi, như vậy thầy gây quả nghiệp thì sao". 

 Hình ảnh nhóm người thuộc Tịnh thất Bồng Lai

Ông Nguyên thuật lại lời ông Vân trả lời rằng: "Trên đời này có những chuyện cần phải hy sinh, những con cá mà thầy nuôi cần phải hy sinh cho gần 80 người được sinh sống, đó là bắt buộc. Thầy giết những con cá này thì thầy mang tội nhưng tội nhỏ xíu. Nhưng bù lại gần 80 mạng người được thầy cứu sống thì cái phước lớn cỡ nào".

Liên quan đến trại dưỡng lão, cô nhi Thánh Đức, sau một thời gian hoạt động, báo chí đã phản ánh về những sai phạm tại cơ sở này. 

Cụ thể, trại mồ côi Thánh Đức của ông Lê Tùng Vân đã không đăng ký tạm trú, không làm thủ tục nhận con nuôi theo quy định, có dấu hiệu trục lợi từ hoạt động từ thiện…

Bên cạnh đó, cơ sở này chưa được phép của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM hay chính quyền huyện Bình Chánh. Vì vậy, vào cuối tháng 7/2007, UBND huyện Bình Chánh đã ra quyết định chấm dứt hoạt động của trại dưỡng lão, cô nhi Thánh Đức của ông Lê Tùng Vân.

Theo kết quả điều tra xác minh của cơ quan chức năng vào thời điểm đó, cơ sở Thánh Đức thành lập trái phép, địa phương không hay biết, cơ sở vật chất tạm bợ, nhà cửa ẩm thấp, không đảm bảo sức khỏe, phát sinh bệnh tật, không đăng ký tạm trú, con dấu của trại là dấu tự khắc, trẻ em trên 15 tuổi phải đi thu lượm đầu cá về xay, nuôi cá trê…

Gần 14 năm sau khi trại mồ côi Thánh Đức bị đóng cửa, hiện tại, ông Lê Tùng Vân vẫn đang ấp ủ mở tiếp một cơ sở có quy mô nhận 1000-2000 trẻ em mồ côi, cơ nhỡ và có hoàn cảnh khó khăn.

Tác giả: Lan Chi

Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị