Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vì sao đề xuất tổ chức lại Tổng cục Môi trường thành 4 Cục?

Tổng cục Môi trường được đề xuất tổ chức lại thành 4 Cục trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đề xuất này đang thu hút sự chú ý, quan tâm của dư luận.

Tại dự thảo Đề án rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ Chính phủ khóa XV, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đã báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ cho phép duy trì mô hình Tổng cục Môi trường.

"Bảo vệ môi trường là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững. Ở nước ta, các vấn đề về môi trường ngày càng phức tạp, nhạy cảm, phát triển nhanh theo quy mô của nền kinh tế, quy mô dân số, mức độ công nghiệp hóa, đô thị hóa. Hiện nay, sức ép đối với môi trường là rất lớn, đang phải chịu nhiều áp lực từ hệ quả của một giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng phát triển theo chiều rộng, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên"- Bộ này lý giải.

 Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường ở Hà Nội (Ảnh: Bộ TN-MT).

Hơn nữa, hàng năm có hàng nghìn dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, phát sinh hơn hàng chục triệu tấn rác thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, hàng trăm nghìn tấn chất thải nguy hại tác động mạnh mẽ lên các thành phần môi trường, tạo ra những áp lực to lớn trong đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường. Các vấn đề môi trường ngày càng phức tạp, tăng nhanh cùng với nhiều vấn đề môi trường tích tụ trong thời gian dài chưa được xử lý, giải quyết đã, đang và sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống và sức khỏe người dân.

Vì vậy, yêu cầu đối với cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương với vai trò thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường rất cao, tập trung, thống nhất và xuyên suốt thực hiện điều phối nhiệm vụ bảo vệ môi trường giữa ngành, lĩnh vực. Theo Luật Bảo vệ môi trường 2014, nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đã có sự thay đổi cả về chất và lượng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường dẫn chứng, hiện nay phần lớn các nước trong khu vực và trên thế giới đều thực hiện mô hình tổ chức quản lý môi trường độc lập, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Ở nhiều quốc gia, cơ quan bảo vệ môi trường ở trung ương có mô hình tổ chức cấp Bộ (Bộ Môi trường), như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Trước đối tượng quản lý ngày càng lớn, phức tạp và yêu cầu đặt ra ngày càng cao của công tác bảo vệ môi trường ở nước ta, cần phải tiếp tục duy trì mô hình Tổng cục trực thuộc Bộ mới đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, theo rà soát, đánh giá của Bộ Nội vụ, Tổng cục Môi trường thuộc danh sách tổng cục quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực có sự phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương, chưa làm rõ tiêu chí thành lập tổng cục.

Vì sao phải thành lập tới 4 Cục?

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở ý kiến của Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, đánh giá việc đáp ứng các tiêu chí thành lập tổng cục. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, hoạt động bảo vệ môi trường gồm các mảng nhiệm vụ lớn: hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tổng cục Môi trường hiện đã có 4 Cục và 3 Vụ chuyên ngành trực thuộc được giao quản lý các mảng nhiệm vụ nêu trên. Đồng thời, tại các quốc gia đã thành lập Bộ Môi trường về cơ bản đều có mô hình các Cục để quản lý các nội dung lớn này.

Trường hợp Tổng cục Môi trường không tiếp tục được duy trì, trên cơ sở rà soát đối tượng quản lý, yêu cầu, phạm vi, tính chất, khối lượng công việc và thực tiễn công tác quản lý trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất tổ chức lại Tổng cục Môi trường thành 4 Cục.

Trong đó, Cục Bảo vệ môi trường có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, phế liệu; về kiểm soát các hoạt động xả thải của cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường; về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

Cơ cấu tổ chức gồm có: Văn phòng Cục, 2 phòng chuyên môn, một phòng tham mưu tổng hợp, 3 Chi cục (trên cơ sở 3 Cục Bảo vệ môi trường vùng ở 3 miền hiện nay) và một đơn vị sự nghiệp là Trung tâm Triển khai công nghệ môi trường. Với quy mô và khối lượng công việc như thời điểm hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến phải bố trí 87 biên chế công chức.

Cục Quản lý chất lượng môi trường sẽ giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về quản lý và cải thiện chất lượng môi trường; quan trắc môi trường; quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy; bồi thường thiệt hại về môi trường… Cơ cấu tổ chức gồm có Văn phòng, 4 phòng và 3 đơn vị sự nghiệp. Với quy mô và khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí 44 biên chế công chức.

Cục Quy hoạch và Đánh giá tác động môi trường sẽ thực hiện quản lý nhà nước và thực thi pháp luật chính sách kinh tế về môi trường; quy hoạch bảo vệ môi trường; đánh giá môi trường chiến lược; đánh giá tác động môi trường; quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục theo quy định của pháp luật. Ngoài Văn phòng Cục, sẽ có 5 phòng và một đơn vị sự nghiệp. Dự kiến sẽ có 42 biên chế công chức làm việc tại đây.

Cuối cùng là Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học có chức năng tham mưu, quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong phạm vi cả nước; quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục theo quy định của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức gồm có Văn phòng Cục, 4 phòng và một đơn vị sự nghiệp; dự kiến cần phải bố trí 40 biên chế công chức.

"Như vậy, trên cơ sở rà soát đối tượng quản lý, yêu cầu, phạm vi, tính chất, khối lượng công việc, việc đề xuất thành lập 4 Cục với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn nêu trên đảm bảo tính hiệu quả về quản lý môi trường, tinh gọn về bộ máy, không chồng chéo và trùng lắp, cắt khúc, đảm bảo đúng tiêu chí thành lập được quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP của Chính phủ"- Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay.

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân trí