Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vượt cổng trời Mường Lống đến Trường Đại học Y Hà Nội

Chính thức trúng tuyển, trở thành tân sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội, Xồng Bá Hùa bật khóc. Ông bà của Hùa cũng khóc.

 Xồng Bá Hùa trở thành người Mông đầu tiên của Làng trẻ em SOS Vinh trúng tuyển vào Trường ĐH Y Hà Nội.

Đứa trẻ mồ côi vượt cổng trời Mường Lống (Kỳ Sơn, Nghệ An) xuống làng trẻ SOS năm nào còn chưa sõi tiếng Kinh, nay đã đạt được ước mơ của mình.

Làm nên kỳ tích

Nam sinh người Mông cũng lập nên kỳ tích cho Làng trẻ em SOS Vinh khi lần đầu tiên có một đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ được nuôi dưỡng tại đây trúng tuyển vào Trường ĐH Y Hà Nội.

Kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, Xồng Bá Hùa (SN 2002) được Làng trẻ em SOS Vinh (Nghệ An) cho về thăm thân ở xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn). Đây cũng là lần nhà thứ 2 Hùa trở về nhà trong suốt gần 10 năm qua, kể từ ngày cậu học trò người Mông mồ côi cả cha lẫn mẹ rời bản xuống Làng sinh sống và học tập.

Trong thời gian ít ỏi, việc gì Hùa cũng tranh thủ giúp ông bà, họ hàng. Mỗi ngày trước khi lên rẫy, em lại dùng chiếc điện thoại cũ vào mạng Internet, chờ tin tức tuyển sinh từ các trường ĐH mình đăng ký xét tuyển.

“Em biết tin đỗ Đại học Y Hà Nội là khi vừa đi bẻ ngô với ông ở trên rẫy về. Lúc đó em mừng quá, bất ngờ nữa. Sau khi biết điểm thi, em đăng ký và điều chỉnh mấy nguyện vọng đều vào trường y khoa. Nhưng năm nay, điểm chuẩn các trường biến động, lúc thấy có tên trong danh sách trúng tuyến, em mới dám báo với ông bà, thầy cô và các bố mẹ ở Làng”, Hùa kể.

 Xồng Bá Hùa cùng thầy giáo ở Trường PT Hermann Gmeiner Vinh.

Đạt tổng 26,9 điểm (Toán: 8,4 điểm; Hóa học: 8,25 điểm; Sinh học: 8 điểm và 2,25 điểm ưu tiên) Xồng Bá Hùa đã đỗ vào Khoa Kỹ thuật xét nghiệm y học, Trường Đại học Y Hà Nội. Thành quả mà Hùa đạt được cũng là kỳ tích của Làng trẻ SOS Vinh. “Bởi trong suốt 30 năm thành lập, đây là lần đầu tiên một đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ được Làng nuôi dưỡng đậu vào ngôi trường này. Ngoài Xồng Bá Hùa thi năm nay, Làng cũng có đến 20 em đỗ đại học, 8 em đỗ cao đẳng”, ông Lê Bá Lương – Giám đốc Làng trẻ em SOS Vinh phấn khởi nói.

Với thầy cô và mọi người ở Làng trẻ em SOS Vinh, kết quả của Hùa hoàn toàn xứng đáng những nỗ lực, quyết tâm của em suốt thời gian qua. Anh Phạm Ngọc Hòa - Phụ trách Khu lưu xá thanh niên cho biết, trong khu, Hùa luôn là người tắt đèn muộn nhất và bật đèn sớm nhất để học.

Anh Hòa nhớ mãi dịp này năm ngoái phải đưa Hùa nhập viện vì em học nhiều đến mức kiệt sức, mắc bệnh dạ dày. “Đó là khoảng thời gian giữa học kỳ I lớp 12, Hùa đang tăng tốc ôn thi tốt nghiệp THPT. Em cũng tâm sự động lực cho việc học quên ăn, quên ngủ của mình, là để có thể trở thành bác sĩ, chăm sóc em gái, và được giúp đỡ, chữa bệnh cho những người dân bản còn nghèo khó ở quê nhà Mường Lống, Kỳ Sơn”.

 Xồng Bá Hùa bên chiếc máy tính mà họ hàng góp tiền mua tặng làm quà đỗ đại học.

Quyết tâm học ngành y vì em gái

Khi mới 8 tuổi, Xồng Bá Hùa chứng kiến biến cố gia đình xảy ra. Mẹ em mất, sau đó không lâu, cha cũng qua đời. Anh em Hùa thành trẻ mồ côi, sống nhờ sự cưu mang của ông bà và họ hàng 2 bên nội ngoại. Trong thời gian này, em gái mới hơn 5 tuổi của Hùa bị ốm mà phải ở nhà vì ông bà không có tiền đưa đi chữa bệnh. Cô bé may mắn khỏe mạnh nhờ đủ thứ thuốc lá trên rừng mà họ hàng hái về sắc cho uống. “Em chỉ thấy rất thương em gái, mà mình lúc đó đang nhỏ, không thể làm được gì. Em chỉ ước mình trở thành bác sĩ để được chữa bệnh cho em”, Hùa kể.

Theo lời Hùa, mẹ em mất dịp ra Tết, thì đến hè hai anh em được đưa xuống Làng trẻ em SOS Vinh. Cậu bé người Mông nhớ như in ngày 2 anh e được bác ruột chở xuống Làng. Chặng đường dài hơn 300km tính từ cổng trời Mường Lống, xuôi qua đèo dốc với những khúc cua tay áo, và núi rừng khuất dần sau lưng.

Bản làng nơi thung lũng của cây mận, cây mơ và mái nhà gỗ nghèo khó cũng biến mất. Trước mắt Hùa và em gái là thành phố đông đúc người xe, đèn cao áp sáng rực. Thành phố đẹp, Làng cũng đẹp. “Em không nhớ rõ tháng mấy, chỉ biết đó là mùa hè năm em học lớp 4, và là một buổi tối thứ 7. Vì trong Làng, từ thứ 2 đến thứ 6, các con phải học bài trong nhà. Chỉ tối thứ 7 mới được nghỉ và cho đi chơi. Em cùng em gái được sắp xếp vào nhà số 14 của mẹ Bình. Hai anh em vừa thấy lạ, vừa vui, xen lẫn chút háo hức”, Hùa kể.

Nhưng khi người bác quay xe ra về, 2 đứa trẻ thảng thốt. “Nếu có bác ở lại Làng cùng 2 anh em thì tốt biết mấy, em cũng sẽ không khóc đâu. Nhưng em gọi mà bác không quay lại. Bác ra khỏi cổng là em gái khóc, rồi em cũng khóc, vì phải chia xa người thân. Lúc đó, mẹ Bình gọi vào bảo từ nay, đây là gia đình mới của 2 anh em, với mẹ và các anh chị”, Hùa nhớ.

Kể từ đó, Hùa và em gái trở thành con của ngôi nhà số 14. Hai anh em không có nhiều dịp được về thăm bản. Mỗi lúc nhớ nhà, nhớ bản, nhớ người thân, hai đứa trẻ chỉ biết nhớ lời dặn dò của người bác, “cố gắng ở lại Làng chăm ngoan, vâng lời mẹ, các chú. Cố gắng học tập tốt, đừng vì thiếu học hành rồi thiệt thân như bố mẹ...”.

  Xồng Bá Hùa về thăm nhà ở xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

Niềm vui trở lại

Những năm đầu, chưa quen hòa nhập, rào cản ngôn ngữ khiến Hùa không thể bắt kịp bạn bè trong lớp vì chưa thông thạo tiếng phổ thông. Có lúc vất vả quá, Hùa đã muốn bỏ học, nhưng em lại gạt ngay suy nghĩ đó. “Phải học để được về bản làng, về với ông bà, các chú bác”, Hùa tự động viên bản thân.

Thương con, mỗi buổi tối, mẹ Bình kiên nhẫn vừa dạy tiếng phổ thông vừa giúp Hùa ôn bài trên lớp. Cứ thế, Hùa dần tiến bộ rồi bắt kịp các bạn trong lớp, thậm chí nhiều môn còn có kết quả nổi trội. Học hết lớp 9, Hùa rời căn nhà có mẹ để chuyển vào Khu lưu xá thanh niên bắt đầu cuộc sống tự lập.

Thời gian đầu, em chưa dám nghĩ đến việc thi đại học, vì sợ năng lực mình không đủ. Nhưng được thầy cô, bố mẹ ở Làng động viên, Hùa đặt quyết tâm sẽ thi vào ngành y, chạm tới ước mơ mặc áo blouse từ nhỏ. Thấy Hùa ham học nên các chú ở Khu lưu xá đã nhờ các thầy, cô trong Trường PT Hermann Gmeiner Vinh dạy thêm cho Hùa miễn phí. Đồng thời tìm mua sách, tài liệu, in đề thi thử trên mạng Internet để em rèn luyện thêm tại nhà.

Không có tiền, Hùa xin học ké các khóa học online của bạn. “Các bạn cũng giúp đỡ em rất nhiều, cho em học chung hoặc sau khi hoàn thành sẽ cho em mượn tài khoản để học lại. Nhờ đó, em có thêm nhiều nguồn bài tập, kỹ năng làm bài”, Hùa chia sẻ. Kết quả từ những bài thi thử đã giúp Xồng Bá Hùa tự tin hơn khi chính thức bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Ngày Hùa báo đỗ đại học, ông bà chỉ biết ôm lấy cháu khóc. Ít hôm sau, ông bà mổ con lợn to nhất để làm vía, mời mọi người trong bản đến ăn mừng. Họ hàng cùng nhau góp tiền, mua cho Hùa một chiếc máy tính xách tay mới để cháu học trực tuyến. “Đó cũng là chiếc máy tính đầu tiên và là món quà lớn nhất từ trước tới nay em được nhận. Các chú bác không nói trước, mà bí mật mua máy tính cho em. Lâu lắm rồi, cả nhà mới vui như thế”, Hùa xúc động.

Cô Phạm Ngọc Hương - giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 Trường PT Hermann Gmeiner Vinh tâm sự, trong rất nhiều niềm vui năm nay, Hùa chính là niềm vui đặc biệt mà cô sẽ lưu giữ mãi trong chặng đường giảng dạy của mình. Số phận éo le, sớm mồ côi bố mẹ, nhưng em chưa bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh. Trái lại, những gì cô chứng kiến suốt những năm qua, là cậu học trò lễ phép, rất ít nói, mà chủ yếu chứng minh bản thân bằng kết quả học tập, rèn luyện.

Chia tay cậu học trò bước vào chặng đường mới, cô chủ nhiệm chia sẻ trên Facebook cá nhân của mình: “Cậu học trò nhỏ của cô đã đạt được ước mơ rồi! Cô thấy rằng, em chính là nguồn động lực, là tấm gương sáng, là nhân tố có sức lan tỏa cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt lên chính mình... Khi các em biết tin tưởng vào sự nỗ lực, cố gắng tuyệt vời của bản thân cùng sự đồng hành giảng dạy của các thầy cô, các em sẽ thành công, thành công và chắc chắn thành công”.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn