Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bỏ hơn 4 tỷ mua mảnh đất, 5 ngày sau lời gần 1 tỷ, nhà đầu tư nhất quyết không bán

3 ngày sau khi xuống cọc, một nhà đầu tư nhận được đề nghị trả chênh 400 triệu đồng nhưng anh từ chối. 5 ngày sau đó, nhà đầu tư tiếp tục nhận được cuộc gọi đề nghị trả chênh tới gần 1 tỷ. Dù lợi nhuận lớn trong khoảng thời gian ngắn, nhưng nhà đầu tư này nhất định không chuyển nhượng lại.

 

Lạm phát cao từng tác động thế nào đến thị trường bất động sản?Giưã tháng 11/2021, nhà đầu tư H.M đã bỏ ra 4,1 tỷ đồng để mua mảnh đất rộng 1200 m2. Nhà đầu tư này dự tính sẽ xây dựng một homestay nghỉ dưỡng để cả gia đình có thể tận hưởng vào mỗi dịch cuối tuần. Ngoài phục vụ cho mục đích dành cho cả gia đình nghỉ dưỡng, nhà đầu tư này còn lên kế hoạch để đầu tư cho thuê.

Theo thỏa thuận với chủ lô đất, anh M. sẽ cọc trước 250 triệu đồng và có thời hạn 30 ngày sẽ thực hiện công chứng, chuyển nhượng sổ đỏ.

Tuy nhiên, đến ngày thứ 3 kể từ thời điểm đặt cọc, anh M. được chủ đất gọi điện thông báo có người trả chênh 400 triệu đồng. Tuy nhiên, anh M. từ chối bán.

"Đến ngày thứ 5, chủ miếng đất lại tiếp tục thông báo có khách trả chênh 850 triệu đồng và hỏi tôi có muốn bán không. Tôi từ chối vì hiện tại, tôi không có nhu cầu bán. Tôi còn lo sợ rằng, nếu cứ có người trả chênh, chủ đất có thể bẻ cọc. Tuy nhiên, chủ miếng đất bảo tôi rằng, họ sẽ cam kết không bẻ cọc dù có khách trả tôi chênh nhiều.Dù vậy, tôi vẫn lo. Sau đó, tôi đề nghị cọc thành 1 tỷ đồng nhưng chủ đất từ chối. Vì lo ngại miếng đất để lâu có người gièm pha, tôi đề xuất việc thực hiện công chứng và chuyển nhượng sớm", anh M. chia sẻ.

 (Ảnh minh hoạ)

Nếu giả sử anh M. lựa chọn bán miếng đất trong vòng 3 ngày đầu tiên, nhà đầu tư này lời 10% lợi nhuận. Và nếu lựa chọn bán miếng đất trong vòng 5 ngày sau đó, anh M. thu về tỷ suất lợi nhuận tới 20%. Lợi thế của anh M. chính là bỏ ra số vốn (tức là khoản tiền cọc) chỉ bằng một nửa hoặc 25% số tiền lời mà anh thu được.

Phân tích về thương vụ lời đến hàng trăm triệu chỉ trong thời gian ngắn nhưng chủ đất từ chối bán, anh Nguyễn Nhật (nhà đầu tư lâu năm) cho rằng: "Đối với một số nhà đầu tư, tỷ suất lợi nhuận 10-20% chỉ trong vòng ít ngày là rất lớn. Tâm lý chung của bất kỳ nhà đầu tư nào, tối đa hóa lợi nhuận là điều quan trọng nhất.

Tuy nhiên, trong chiến lược kinh doanh, có thể 10-20% không phải là con số lợi nhuận cao đối với nhà đầu tư tại thời điểm đó. Giả dụ, nhà đầu tư mua mảnh đất hơn 1000m2 kỳ vọng lãi 50% hoặc 100%. Họ dự trù xây homestay sau đó chuyển nhượng cho người khác. Hoặc họ tính toán phân thành các lô đất nhỏ để bán. Nếu so với vị trí các lô đất khác, có thể đó là mảnh đất có vị trí rất đẹp mà khó có thể tìm kiếm được lô tương tự".

Nhà đầu tư Nhật cũng kể lại một câu chuyện về tình huống tương tự. "Tôi có người bạn. Năm 2020, bạn tôi từng xuống tiền vào một lô đất mặt đường lớn ở Hà Nội. Số tiền mà anh cọc là 200 triệu đồng, thời gian hẹn công chứng là 45 ngày. Giá trị miếng đất thỏa thuận là 5,2 tỷ đồng. Đúng 2 ngày sau, anh được một nhà đầu tư khác liên hệ trả chênh 250 triệu đồng. Bạn tôi từ chối bán. Một tháng sau, lô đất của anh được khách trả chênh thêm 400 triệu đồng và tới 920 triệu đồng nhưng, bạn tôi vẫn tiếp tục từ chối,

"Tôi từng tò mò hỏi bạn tôi rằng: "Sao anh không bán. Vì như thế anh chỉ bỏ khoản tiền cọc 200 triệu đồng mà chỉ có thời gian ngắn, thu về gấp gần gấp 3. Nếu mua để đầu tư, đợi thêm thời gian tới, chưa chắc, tỷ suất sinh lời đã cao như hiện tại". Bạn tôi chia sẻ rằng, anh ta kỳ vọng khoản lợi nhuận tốt hơn khi sắp tới tuyến đường lớn đi qua mảnh đất mở rộng. Và đến đầu tháng 11 vừa qua, bạn tôi đã chuyển nhượng lô đất này với mức giá 7,8 tỷ đồng. Tổng số tiền lời thu được là 2,6 tỷ đồng", anh Nhật chia sẻ thêm.

Tác giả: Hải Nam

Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị