Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Phạm Văn Cường: Đồng hương Văn Quyến, bi kịch tuổi 13 & đường ghập ngề

Tuổi 13, Phạm Văn Cường xuống Thành phố Vinh (Nghệ An) xin ứng thí vào CLB Quân khu 4. Độ dẻo, bật nhảy, khả năng phán đoán tình huống của cậu bé người huyện Hưng Nguyên.

Chuyện của người đồng hương "thần đồng" Văn Quyến

Nói đến SLNA, người ta thường nói đến 3 “địa chỉ đỏ”, sản sinh nhiều nhân tài cho đội bóng này: Đô Lương, Quỳnh Lưu và Hưng Nguyên. Nhắc đến Hưng Nguyên, người xứ Nghệ thường nhớ đến những triền đê được đắp cao nhằm ngăn những cơn lũ từ dòng Lam giang.

Trên những triền đê ấy, vào những buổi chiều tà rất nhiều cậu bé vội vã dắt bò ra cắm dùi để quần thảo với trái bóng. Từ đây, rất nhiều tuyển trạch viên của sông Lam được cài cắm kiểu “chân rết” ở tuyến dưới đã phát hiện ra các tài năng bóng đá cho tỉnh nhà. Mô hình này không chỉ giúp cho SLNA mà còn cả bóng đá Việt Nam có những ngôi sao lớn ở cấp độ đội tuyển.

Phạm Văn Quyến là một trong số những nhân tài như thế. Thật tiếc cho thần đồng đất Hưng Nguyên, anh lại “đoản nghiệp”. May thay, sau những trắc trở, Quyến đã có một chân trong thành phần Ban huấn luyện của SLNA với việc phò tá cho đàn anh Nguyễn Huy Hoàng.

 Thủ thành Phạm Văn Cường (trái) là sản phẩm của lò QK4

Sau Văn Quyến, vùng đất này còn sản sinh khá nhiều tài năng khác như Trần Đình Hoàng, Âu Văn Hoàn, Hồ Tuấn Tài… từng khoác áo ĐTQG và các đội tuyển trẻ. Và có một cái tên khác không phải ai cũng biết đến, đó là thủ môn Phạm Văn Cường.

Đơn giản, Cường là dân Hưng Nguyên nhưng lại ăn tập lò QK4, vốn được các CĐV xứ Nghệ mặc định: Không vô được sông Lam thì về làm “lính” Quân khu.

Tuổi 13, Phạm Văn Cường xuống Vinh xin ứng thí vào QK4. Độ dẻo, bật nhảy, khả năng phán đoán tình huống của cậu bé đều rất ổn. Duy nhất chỉ một “kẻ thù” khiến cậu sống trong sợ hãi là chiều cao. Điều gì đến cũng phải đến, 2 năm sau, Văn Cường phải nước mắt lưng tròng, ôm ba lô về nhà vì quá lùn so với tiêu chuẩn.

Không có con đường nào khác, cậu bé ấy buộc phải trở lại nghiệp đèn sách. Chẳng ngờ, 3 năm sau, Cường đã trở thành một anh chàng cao lêu nghêu như… cây sào. Tốt nghiệp cấp 3, thêm một lần anh xin được vào QK4 và lần này HLV Vũ Quang Bảo (HLV của đội Công an Nhân dân bây giờ) đã nhận Cường vào thử việc.

Năm 2008, bóng đá Việt Nam có một “sự kiện của năm”, đấy là chuyện QK4 bất ngờ giành tấm vé lên V.League 2009. Lúc bấy giờ, Phạm Văn Cường vẫn chỉ là một anh chàng xách nước, phục vụ xếp quần áo, lau chén, chùi đũa trên bàn ăn… cho các anh lớn. Ở giải đấu cao nhất, vị trí của Cường cũng không thay đổi.

Ngay cả khi QK4 “Nam tiến” chuyển giao cho Navibank Sài Gòn, có “đốt đuốc” người ta cũng không tìm ra anh chàng thủ môn có tên Phạm Văn Cường. Mãi cho đến khi chuyển đến Quảng Nam, mặt mũi của Phạm Văn Cường mới dần dần lộ diện trong tâm trí người hâm mộ.

Phạm Văn Cường có 7 mùa giải chơi cho đội bóng xứ Quảng tại V.League với 142 trận bắt chính. Có thể nói, Văn Cường là trong số những thủ môn có phong độ ổn định bậc nhất Việt Nam. Các chuyên gia nhận định, điểm mạnh của Cường là độ lì, ra vào hợp lí và làm chủ khung thành tốt. Cho nên, đã hơn vài lần, anh được gọi lên ĐTQG.

Năm 2017, sau chức vô địch V.League 2017 đầy sự ngạc nhiên với Quảng Nam, Phạm Văn Cường được tập trung nhằm chuẩn bị cho trận đấu với ĐT Afghanistan tại lượt trận cuối cùng vòng loại Asian Cup 2019. Cường tiếp tục góp mặt trong danh sách của ĐT Việt Nam trong quá trình chuẩn bị cho 2 trận đấu với UAE và Thái Lan trong khuôn khổ bảng G vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á.

Đặc ân từ tấm vé vớt và cuộc chiến cho vị trí số 3

Thực sự cảm thấy tiếc nuối cho Phạm Văn Cường, bởi kể từ khi chuyển từ Quảng Nam đến CLB TP.HCM vào đầu năm 2021, anh không có nhiều cơ hội ra sân.

Theo thống kê, thủ môn sinh năm 1986 này chỉ được ra sân duy nhất 1 trận đấu. Đấy là trận thua 2-3 của CLB TP.HCM trước Nam Định vào hồi tháng 4/2021. Việc không được thi đấu thường xuyên, khiến Văn Cường bị rơi vào lãng quên. Cho nên, chuyện thủ môn này được gọi lên ĐTQG phần nào đó khiến người ta bị giật mình.

Có nhiều thông tin, người tư vấn cho HLV Park Hang Seo là trợ lý Nguyễn Thế Anh, một đồng hương xứ Nghệ của Văn Cường. Cũng không chừng, sau đợt tập trung lần này, Văn Cường sẽ có những ngã rẻ mới, bởi “anh trai” Thế Anh vừa nhận lời làm HLV thủ môn cho CLB Hà Nội.

 Phạm Văn Cường đang tập luyện cùng ĐT Việt Nam để chuẩn bị cho AFF Cup 2020

Thực tế, nếu thủ môn trẻ Nguyễn Văn Toản không bị chấn thương, có lẽ cơ hội đã không được trao cho Phạm Văn Cường. Bản thân Văn Cường hẳn cũng hiểu, việc HLV Park Hang Seo gọi lên tuyển cũng chỉ là sự lựa chọn bất đắc dĩ. Nói thẳng, Văn Cường lên tuyển là nhờ đặc ân từ tấm… vé vớt.

Phía trước với Phạm Văn Cường sẽ là một cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt với với Bùi Tấn Trường, Trần Nguyên Mạnh, Nguyễn Văn Hoàng và Quan Văn Chuẩn. Nếu có cái nhìn thực tế hơn, cơ hội của thủ thành đang khoác áo CLB TP.HCM chỉ hơn người đồng đội trẻ Văn Chuẩn. Còn 3 cái tên còn lại, họ đều trở thành gương mặt thân quen ở ĐTQG và để vượt qua thật sự không hề dễ dàng chút nào.

Ở 2 lần tập trung ĐTQG trước đây, vị trí của Phạm Văn Cường chỉ là số 3. Lần này, nếu có được số 3, có khi đó đã là điều may mắn với cựu thủ môn QK4. Nhưng để có được vị trí số 3, Phạm Văn Cường phải không chỉ đánh bại 3 đồng đội, mà anh còn phải vượt qua đối thủ là… chính mình.

Tác giả: Nhật Thị

Nguồn tin: nguoiduatin.vn