Xót xa hình ảnh học sinh vùng cao ăn cơm trắng với nhộng đất, cá khô
- 08:24 24-11-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trao đổi với Dân trí, Thầy Trần Thông - Hiệu trường Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Măng Cành, huyện Kon Plông cho biết, bắt đầu từ năm học 2021 - 2022, UBND tỉnh Kon Tum đã có Quyết định công nhận xã Măng Cành đạt chuẩn nông thôn mới.
Do đó, các chế độ liên quan đến việc hỗ trợ học sinh trên địa bàn theo Nghị định 116 của Thủ tướng Chính phủ không còn hiệu lực.
Vì không được ở bán trú nên sau buổi học các em ngồi tạm ở lớp học để ăn trưa (Ảnh: CTV). |
Địa phương "cán đích" nông thôn mới, trường có hơn 140 em học sinh bị cắt chế độ bán trú theo quy định. Điều này đồng nghĩa với việc các em không được ăn ở tại trường.
Trong khi đó, 100% học sinh của trường là người dân tộc thiểu số và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bố mẹ các em chủ yếu đi làm nương rẫy cả tuần về nhà nên không có sự quan tâm của gia đình. Nhà các em đều cách xa trường từ 5 -17 km, nguy cơ bỏ học rất cao.
"Nhà trường, thầy cô giáo đã vận động các mạnh thường quân hỗ trợ mua lương thực, rau củ về nấu cho các cháu ăn trưa. Tuy nhiên, nguồn lực có hạn nên khó có thể đủ để níu chân các em ở lại trường lâu dài", thầy Thông chia sẻ.
Ngoài chiếc cặp sách nặng trên vai, các em học sinh phải mang những hộp cơm trắng với cá khô, nhộng đất để ăn trưa (Ảnh: CTV). |
Giờ không được ở bán trú tại trường nên mỗi ngày, hàng trăm học sinh ở vùng khó xã Măng Cành phải vượt hơn chục cây số để đến trường. Ngoài chiếc cặp sách nặng trên vai, các em còn xách theo hộp cơm nguội để ăn trưa. Thương các em, giáo viên trong trường phải kêu gọi các bạn bè trên mạng xã hội để mua thêm cá khô, trứng cho học sinh ăn.
Nhằm tạo điều kiện cho học sinh đến trường gần nhất, nhà trường đã chuyển hơn 72 học sinh đến điểm trường Kon Du cách Trung tâm huyện Kon Plông chừng 7 cây số để học tập.
Hộp cơm với nhộng đất của học sinh xã Măng Cành, Kon Tum (Ảnh: CTV). |
Xong tiết học buổi sáng, thầy trò điểm trường Kon Du lại trải chiếu ra giữa hành lang của lớp học để ngồi ăn trưa. Trong cặp mỗi em là nắm cơm đã nguội lạnh.
Em Y Liu (7 tuổi, học lớp 2) và chị gái ruột là Y Liên (10 tuổi, học lớp 5) mở hộp cơm ra chỉ có ít thức ăn là con nhộng đất màu trắng, nhợt nhạt. Món nhộng đất này do cha mẹ đào ở trên nương rẫy. Nhiều em khác cũng vắng học vì không có điều kiện đến trường, các giáo viên điểm trường Kon Du phải "lội suối, băng rừng" tìm đến nhà để động viên học sinh trở lại trường.
Thương trò, các giáo viên đã kêu gọi mạnh thường quân ủng hộ để mua cá, trứng cho học sinh ăn trưa (Ảnh: CTV). |
"Sau khi bị ngắt chế độ bán trú, các thầy cô giáo quyên góp 10.000 đồng/tháng vào Quỹ khuyến học, vận động các mạnh thường quân hỗ trợ tiền mua thức ăn trưa cho các cháu, với hy vọng các cháu đến trường đầy đủ", cô Phan Thị Hoa (Giáo viên điểm trường Kon Du) cho biết.
Ông Nguyễn Minh Cường - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kon Plông cho biết, năm học 2021-2022 toàn huyện có gần 1.000 em học sinh bị ngắt chế độ bán trú. Để tạo điều kiện cho học sinh có điều kiện đến trường, các trường đã chung tay đóng góp, kêu gọi mạnh thường quân để hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm để cung cấp bữa ăn cho các em.
Phụ huynh không có tiền thì có thể ủng hộ gạo, rau củ để giáo viên nấu ăn cho các học sinh ở xã nhà. Đơn vị đang gửi tờ trình lên UBND huyện, tỉnh đề xuất xin kinh phí hỗ trợ cho các cháu, để giữ vững sĩ số lớp học.
Tác giả: Phạm Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí