Cô giáo sốc khi học trò lớp 5 trả bài tiếng Anh bằng... chửi thề
- 16:54 15-11-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tình huống choáng váng này được chia sẻ trong nhóm group chat của giáo viên và phụ huynh lớp 5. Cô giáo sốc còn phụ huynh cũng choáng trước "bài làm" của một học trò được giáo viên chia sẻ.
"Gửi phụ huynh, trong giờ học tiếng Anh sáng nay giáo viên đã hướng dẫn lại cho các con cách gửi bài qua mail và nhắc nhở các con cần nộp bài đầy đủ. Nhưng ngay sau tiết học, cô giáo nhận được email của một học sinh..." - giáo viên chia sẻ.
Cô giáo sốc khi nhận bài tập tiếng Anh bằng đáp án chửi thề, xưng mày tao của học sinh lớp 5 (Ảnh chụp lại màn hình). |
Sau lời trải lòng trên, cô giáo chụp làm hình bài làm của học sinh (không để lộ tên học sinh) gửi đến phụ huynh.
Trong bài, học sinh trả lời từng câu hỏi tiếng Anh bằng những lời lẽ thô tục như Đ.M, xưng tao mày... "Tao không thích học tiếng anh", "Tao cấm mày giao bài", "Mày là một con... ".
Tình huống này sau đó đã được nhiều người "âm thầm" chia sẻ và kéo theo nhiều tranh luận.
Nhiều giáo viên cho biết, theo cách này hay cách nọ, cũng không ít phen họ "choáng" trước những phản ứng, chống đối, hỗn hào của học trò khi dạy học online.
Quan tâm đến những bất ổn của học trò
Cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên THCS ở TPHCM chia sẻ, khi nhận được "bài tập" này, kể cả những giáo viên có kinh nghiệm khó ai mà không choáng váng, tức giận, lập tức muốn trừng phạt học trò ngay lập tức. Việc bình tĩnh, dịu dàng, nhỏ nhẹ... có khi chỉ là lý thuyết, không phải ai cũng thực hiện được.
Vậy nhưng, theo cô Hương, bài tập của em học trò trong tình huống trên cũng như là một lời đánh động chúng ta cần quan tâm. Cả quá trình học tập em học sinh biểu hiện ra sao, thái độ như thế nào, "biểu hiện" này chỉ ở môn học này hay ở các môn học khác...
Cô Nguyễn Thị Hương cho hay, nếu em học trò "bột phát" thì liệu chăng em đang gặp một vấn đề gì đó có thể là với môn học, với giáo viên, hay bối cảnh nào khác của em mà chúng ta chưa biết.
Có nhiều hoàn cảnh của học trò phía sau màn hình máy tính (Ảnh minh họa: HN). |
Còn nếu biểu hiện này diễn ra lâu dài, giáo viên đã tìm hiểu hoàn cảnh, đã trò chuyện với em, với phụ huynh hay có những động thái nào để hiểu, hỗ trợ học sinh?
"Phía sau màn hình điện thoại, laptop, có những khó khăn, hoàn cảnh thương tâm của học trò mà chúng ta không biết hết được, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh với nhiều tác động. Đây là trường hợp, theo tôi em học trò cần được giúp đỡ, hỗ trợ", cô Hương nêu quan điểm.
Trong buổi chia sẻ mới đây về dạy học online, TS Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia phân viện TPHCM) bày tỏ việc nắm bắt hoàn cảnh, tâm lý của người học là điều rất quan trọng, nhất là khi dạy học online để có những giờ học hiệu quả.
Việc truyền thụ kiến thức chỉ nên diễn ra trong 15 - 20 phút, còn lại cô trò trao đổi, chia sẻ, tương tác để cùng hiểu nhau hơn. "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng", việc tìm hiểu người học là ai, hoàn cảnh, nhu cầu, mong đợi của người học là việc cực kỳ cần thiết để đạt được hiệu quả giáo dục.
TS Phạm Thị Thúy cho hay kỷ luật là giúp trẻ giải quyết vấn đề, còn trừng phạt là làm cho đứa trẻ đau khổ vì vấn đề. Trong mọi tình huống, nhà giáo dục này nhắn nhủ giáo viên hãy hướng đến kỷ luật tích cực. Giáo viên giải quyết tình huống như thế nào cũng là cách để giáo dục học trò xử lý vấn đề.
Bà Phạm Thị Thúy trao đổi thêm, với học trò các em rất cần sự bao dung từ giáo viên. Đặc biệt, các em ở tuổi dậy thì sẽ rất nhiều khó khăn và cả thách thức cho cả thầy và trò.
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí