Vợ ở cữ thì chồng "trốn" đi công tác hẳn 3 tháng trời, lúc về nghe mẹ vợ tuyên bố mà anh ta ngã gục vì ân hận
- 10:36 12-11-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vợ ở cữ, chồng trốn đi công tác vì sợ phiền phức
Dù đàn ông không khéo bế con hay chăm vợ “nằm ổ” thì khoảng thời gian phụ nữ mang bầu và sinh con vẫn rất cần chồng bên cạnh. Vậy nhưng H. (28 tuổi) lại tự nguyện xin đi công tác hẳn 3 tháng ngay khi vợ con vừa xuất viện về nhà.
“Mấy ngày vợ đẻ ở viện, nghe tiếng con khóc và chứng kiến cảnh chăm bà đẻ mà tôi hãi hùng. Dù khi ấy có bà nội và bà ngoại bên cạnh, tôi cũng không phải động tay làm gì. Mẹ tôi sức khỏe yếu, còn mẹ vợ phải chăm bố vợ, nên các bà sẽ sớm về quê. Tôi nghĩ mà thấy uể oải quá nên quyết định xin sếp đi công tác”, H. thành thật nói.
H. tự nhận anh rất có trách nhiệm khi sắp xếp người chăm lo cho vợ đâu vào đấy. Chị gái anh đã ly hôn, một mình nuôi con nhỏ lại đang bị mất việc. Anh thuê chị gái về chăm sóc em dâu sẽ vẹn cả đôi đường. Ở chỗ công tác, mỗi ngày H. chỉ cần gọi video cho vợ hỏi thăm vài câu và ngắm con là “xong trách nhiệm”.
Ảnh minh họa |
“Trong thời gian đó vợ tôi nhiều lần than phiền chị chồng chăm sóc không chu đáo, cơm nước sơ sài, quần áo cháu sơ sinh mà giặt còn không sạch. Vợ bảo tôi mời chị ấy về, cô ấy một mình tự chăm được con. Chị ấy còn đưa con nhỏ đến, cả ngày nghịch ngợm ồn ào nên cô ấy không có thời gian nghỉ ngơi, em bé cũng không được tròn giấc…”, H. kể.
Tuy nhiên khi H. gọi điện hỏi chị gái thì chị anh phủ nhận hoàn toàn những điều trên. Và H. chọn tin chị ruột, cho rằng vợ đòi hỏi, yêu cầu vô lý, ích kỷ không muốn tạo điều kiện cho chị chồng đang khó khăn. Thậm chí anh còn cho vợ ở cữ hẳn 3 tháng, gửi tiền nhờ chị gái mua đồ, cơm bưng nước rót tận nơi, song vợ H. vẫn không muốn.
“Thậm chí cô ấy còn ghen tuông tôi và 1 cô đồng nghiệp đi công tác cùng. Chỉ vì cô gái kia thi thoảng đăng 1 tấm ảnh chúng tôi chụp chung, chứ thật sự chẳng có gì cả. Về sau mỗi lần vợ cằn nhằn, trách móc gì đó là tôi cúp điện thoại, chẳng buồn nghe nữa”, H. kể.
Lời tuyên bố của mẹ vợ khiến người chồng “chết đứng”
Thời điểm H. đi công tác được hơn 2 tháng thì nghe chị gái báo tin vợ anh đã được mẹ vợ đón về quê chăm sóc. H. tức giận vì cô chẳng hề nói lời nào với chồng nên mặc kệ không gọi điện hỏi han.
“Khi tôi về nhà thì cô ấy vẫn ở quê ngoại. Lo cho con nên tôi thuê xe về quê đón. Ai ngờ không gặp được vợ cũng chẳng được nhìn con, người tiếp tôi là mẹ vợ”, H. cho hay.
Mẹ vợ H. đưa cho con rể xem một hồ sơ bệnh án mang tên vợ anh, căn bệnh cô mắc phải là trầm cảm sau sinh. Hiện tại qua điều trị thì tình trạng sức khỏe của cô đã khá hơn. Cũng may bà phát hiện ra vấn đề khi nghe con gái gọi điện trò chuyện. Bà lập tức lên thành phố đưa vợ H. đi khám, sau khi có kết quả thì đón con gái và cháu ngoại về quê chăm sóc.
Ảnh minh họa |
Vì quá thất vọng về con rể nên mẹ vợ H. thậm chí không gọi điện thông báo cho anh. “Anh về đi, con gái tôi không muốn gặp anh. Một thời gian nữa nó sẽ gửi đơn ly hôn lên, nó quyết định rồi và tôi cũng hoàn toàn ủng hộ. Sống với người chồng như anh, lúc cần chồng bên cạnh nhất lại không có…”, mẹ vợ H. tuyên bố rành rọt.
H. lên thành phố chất vấn chị gái, lúc đó anh mới biết những điều vợ kể đều là sự thật. Chị gái anh vô tâm, chăm sóc em dâu ở cữ rất chểnh mảng, nhận khoản tiền công riêng nhưng vẫn bớt lại cả nửa tiền chi tiêu anh đưa với lý do “chị khó khăn quá”.
“Không được chăm sóc tử tế, mâu thuẫn với chị chồng, chưa nói còn chuyện nghi ngờ chồng mà tôi thì chẳng giải thích, trấn an… Áp lực tứ phía khiến cô ấy lâm vào trầm cảm. Tôi suy sụp khi biết mình đã gây ra sai lầm lớn, không biết còn cơ hội nào để chuộc lỗi không?”, H. nói. Rõ ràng anh đã khiến vợ tổn thương sâu sắc, nếu muốn được tha thứ thì không chỉ vài lời xin lỗi suông mà còn phải là những hành động thực tế.
Tác giả: Sen Trắng
Nguồn tin: Pháp luật & Bạn đọc