Cua, tôm tăng giá nhưng nhà máy thủy sản lại thiếu công nhân
- 10:51 11-11-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 10/11, giá tôm thẻ ở các tỉnh miền Tây tăng nhẹ ở nhóm cỡ nhỏ. Nguyên nhân giá tôm tốt trở lại sau nhiều ngày đi ngang là do cuối vụ nên sản lượng nông dân thu hoạch ít dần và tỉnh Bạc Liêu đã giảm cấp độ dịch từ vùng đỏ xuống vùng cam.
Tôm, cua cùng tăng giá
Anh Lưu Trường Giang, đại diện Công ty TNHH Thủy sản Tấn Phát ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng), cho biết công nhân đang thu hoạch tôm thẻ nuôi theo mô hình ao lót bạt tại xã Tài Văn. Hai ao của một gia đình ở khu vực Sung Đinh kéo được 10 tấn tôm loại 30 con mỗi kg, giá bán 165.000 đồng/kg.
“Hai ao tôm của khách bán được trên 1,6 tỷ đồng. Sau 95 ngày nuôi, khách lãi khoảng 700 triệu là quá tốt”, anh Giang nói.
Tôm thẻ ở miền Tây đang tăng giá nhẹ. Ảnh: Lưu Giang. |
Theo anh Giang, giá tôm thẻ loại 20 con một kg giá cao nhất là 240.000 đồng/kg. Các kích cỡ khác giảm dần là 25 con giá 180.000 đồng/kg, loại 100 con 98.000 đồng/kg...
Không chỉ Sóc Trăng, nông dân Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh… cũng đang thu hoạch tôm thẻ cuối vụ. Tại Sóc Trăng hiện còn 11.790 ha tôm. Trong đó, thẻ chân trắng 8.390 ha, tôm sú hơn 3.399 ha.
Tại huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), nông dân cũng đang thu hoạch tôm càng xanh cuối vụ. Tôm loại 10-12 con một kg giá tăng từ 80.000-90.000 đồng lên 110.000-120.000 đồng/kg.
Tôm sú khu vực này loại 20 con mỗi kg được tư thương mua với giá khoảng 250.000 đồng, 30 con 180.000-190.000 đồng.
Một loại hải sản khác ở miền Tây đang tăng giá là cua biển. Trong đó, cua gạch loại nhất (1 kg 2 con) tăng từ 300.000 lên 350.000-360.000 đồng/kg; cua thịt 240.000 tăng lên 270.000-280.000 đồng/kg, loại một kg 4 con giá 230.000 đồng/kg.
Công nhân giảm nhiều
Hơn 2 tuần qua, nhiều doanh nghiệp thủy sản tại thị xã Giá Rai (Bạc Liêu) xuất hiện F0 khiến một số xã, phường nâng cấp độ dịch. Nhiều công nhân ở vùng đỏ không thể đi làm nên các công ty chế biến tôm thiếu hụt lao động.
Tại Sóc Trăng, ông Võ Văn Phục, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cho biết công nhân lúc cao điểm khoảng 4.000 người. Hiện, doanh nghiệp này còn khoảng 1.800 công nhân và số này vừa được tiêm vaccine mũi 2.
“Sau khi các tỉnh miền Tây mở cửa thì bùng phát dịch, nhưng thiếu vaccine”, ông Phục chia sẻ.
Giá cua biển ở miền Tây đang tăng mạnh. Ảnh: Việt Tường. |
Ông Nguyễn Thanh Trong, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết ngành y tế đang tiêm vaccine mũi 2 cho tất cả công nhân tại khu công nghiệp An Nghiệp. Lượng công nhân tại đây đang giảm mạnh vì ảnh hưởng dịch bệnh, khó đi lại.
“Chúng tôi có văn bản gửi cho các địa phương về việc tạo điều kiện cho công nhân đến khu công nghiệp An Nghiệp để tiêm vaccine mũi 2. Nếu không đi được thì địa phương sớm tiêm mũi 2 cho công nhân tại cơ sở y tế nơi họ cư trú”, ông Trong nói.
Trao đổi với Zing, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Dũng cho biết địa phương này đã được Bộ Y tế phân bổ 1,7 triệu liều vaccine các loại. Tỉnh đã tiêm mũi 1 cho trên 95% người dân từ 18 tuổi trở lên. Ở nhóm 16-17 tuổi, Sóc Trăng đã tiêm mũi 1 đạt gần 100%.
Theo bác sĩ Dũng, với lượng vaccine đã được phân bổ, từ nay đến giữa tháng 11, Sóc Trăng phủ mũi 2 cho trên 95% người dân trong diện được chỉ định tiêm chủng.
Hiện, F0 cộng đồng trong một tuần tại Sóc Trăng là 92 người/100.000 dân. Với tỷ lệ tiêm vaccine cao như hiện nay, Sóc Trăng đang ở cấp 2 của dịch.
Tác giả: Việt Tường
Nguồn tin: zingnews.vn