Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhiều cụm lây nhiễm SARS-CoV-2 bùng phát khắp cả nước

Từ điểm nóng TP.HCM và các tỉnh miền Đông, dịch Covid-19 lây lan dần sang các tỉnh, thành phố lân cận và bùng phát thêm nhiều ổ dịch lẻ tẻ.

Theo Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 tại Việt Nam, số ca F0 mỗi ngày có chiều hướng tăng trở lại. Nhiều tỉnh, thành phố chủ động tăng cấp độ dịch để có biện pháp ứng phó phù hợp sau khi ghi nhận ổ dịch mới trong bùng phát trong cộng đồng.

Hà Nội bùng phát nhiều ổ dịch

Trong ngày 4/11, TP Hà Nội ghi nhận 104 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 64 ca tại cộng đồng, 31 ca tại khu cách ly và 9 ca tại khu phong tỏa. Đây là một trong những ngày Hà Nội ghi nhận đến hơn 50% F0 cộng đồng. Số ca nhiễm cao nhất trong vòng 2 tháng qua.

Đáng lo ngại, chùm liên quan ổ dịch chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm thêm 21 F0 mới ngoài cộng đồng. Môi trường lây nhiễm liên quan các khu chợ thường phức tạp, khó truy vết. Ổ dịch tại Phú La, Hà Đông, được đánh giá phức tạp do nhóm bệnh nhân di chuyển, tiếp xúc nhiều, công tác điều tra, truy vết gặp nhiều khó khăn.

 

Sau TP.HCM, Hà Nội có tiến độ tiêm vaccine Covid-19 cho người trên 18 tuổi với tỷ lệ cao. Hiện, tỷ lệ người trên 18 tuổi tiêm mũi 1 là 92,46%, mũi 2 đạt 58%. Số lượng người trên 50 tuổi đã tiêm ít nhất một liều vaccine cũng đạt khoảng 48%.

Tại cuộc họp phòng, chống dịch Covid-19 với các quận, huyện, Phó chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng nhấn mạnh Hà Nội có nguy cơ bùng phát dịch do số lượng người đến, về Hà Nội gia tăng và tâm lý chủ quan của người dân khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Lãnh đạo Hà Nội đề nghị địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác quản lý người từ tỉnh, thành khác đến, về địa phương.

Số F0 tại TP.HCM, Bình Dương tăng trở lại

Thông tin tại các cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM gần đây, đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP (HCDC) cho biết thành phố chưa bùng phát thêm ổ dịch nào đáng lo ngại.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, số ca F0 tại thành phố và bệnh nhân tử vong có xu hướng tăng trở lại. Đại diện Ban Chỉ đạo và Sở Y tế TP.HCM cũng nhìn nhận thực tế này và phân tích một số nguyên nhân khiến ca nhiễm tại thành phố tăng trở lại.

 Dòng người đổ về các tỉnh miền Tây sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách xã hội ngày 1/10. Hiện tại, nhiều người có xu hướng trở về thành phố làm việc. Ảnh: Chí Hùng.

Thứ nhất, do TP.HCM gỡ bỏ giãn cách xã hội và trở lại cuộc sống bình thường, việc tiếp xúc, gặp gỡ giữa người dân diễn ra thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, người dân đang có tâm lý chủ quan vì tỷ lệ phủ vaccine cao. Tại các tuyến đường trung tâm, hàng quán ở thành phố nhiều ngày qua đông nghịt người.

Ngoài ra, nhiều người dân từ các tỉnh, thành phố đang trở lại TP.HCM làm việc, trong đó, nhiều người chưa được tiêm vaccine. Lãnh đạo thành phố cảnh báo nếu chủ quan, số ca F0 ở thành phố sẽ tăng trở lại và dịch diễn biến khó lường.

Trong ngày 4/11, tỉnh Bình Dương có 948 ca F0 mới. Đây là số lượng cao nhất được ghi nhận trên địa bàn tỉnh kể từ thời điểm nới lỏng giãn cách xã hội đến nay.

13 tỉnh miền Tây bùng phát dịch

Liên tiếp khoảng một tuần qua, theo công bố của Bộ Y tế, gần như toàn bộ 13 tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam bộ đều ghi nhận F0. Nhiều trường hợp là bệnh nhân nhiễm ngoài cộng đồng.

Nhiều ngày qua, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và Bạc Liêu là các tỉnh có số ca mắc tăng nhanh nhất. Nhiều địa phương đã chủ động nâng cấp độ phòng, chống dịch tại các huyện, xã đã có giải pháp ứng phó phù hợp.

 

Cần Thơ vẫn ở cấp độ 2 song hầu hết quận, huyện đều đã đổi màu vàng, cam và một vùng đỏ. Trong khi đó Cà Mau không còn vùng xanh mà chuyển sang vàng (74 phường, xã) và vùng cam (22 phường, xã), cả tỉnh có 5 vùng đỏ.

Các địa phương đang có vùng đỏ là An Giang (2), Bến Tre (6), Cà Mau (5), Cần Thơ (1), Đồng Tháp (1), Hậu Giang (7), Tiền Giang (2), Trà Vinh (5).

Số lượng F0 tăng nhanh, các tỉnh miền Tây đang chạy tiêm đẩy nhanh tiến độ tiêm phủ vaccine cho người dân. Tuy nhiên, khi tỷ lệ tiêm cho người trên 18 tuổi chưa đạt mục tiêu, một số tỉnh, thành tại khu vực này đã triển khai tiêm vaccine cho trẻ em 12-17 tuổi.

Trong danh sách 10 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm vaccine thấp nhất cả nước (tính theo số mũi tiêm/số vaccine phân bổ), 7 địa phương thuộc khu vực Tây Nam Bộ, gồm Trà Vinh, An Giang, Kiên giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, Cần Thơ.

Bạc Liêu, Đắk Lắk nhiều vùng đỏ nhất cả nước

Theo danh sách tổng hợp đánh giá cấp độ dịch tại địa phương theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định số 4800 của Bộ Y tế, cập nhật đến 17h ngày 4/11, có 10.061 phường, xã trên cả nước được đánh giá, 7.161 phường, xã thuộc cấp độ 1. 3.087 thuộc cấp độ 2, 247 phường, xã thuộc cấp độ 3 và 106 vùng cấp độ 4.

 

Trong đó, tỉnh Bạc Liêu có đến 20 vùng đỏ. TP.HCM đã cử 2 đoàn cán bộ y tế chuyên môn về dịch tễ và điều trị đến hỗ trợ Bạc Liêu chống dịch.

Trong 24 giờ qua, toàn tỉnh ghi nhận 218 trường hợp có kết quả rRT-PCR dương tính với SARS-CoV-2, trong đó, 54 trường hợp ghi nhận tại cộng đồng. Nhiều F0 phát hiện tại các công ty sản xuất và tầm soát cộng đồng.

Đến ngày 4/11, tỉnh Bạc Liêu có 500.422 người được tiêm vaccine mũi 1 (74,57%) và 115.832 người mũi 2 (17,26%).

Xếp thứ 2 về số lượng vùng đỏ là Đắk Lắk (19 vùng).

Do số lượng F0 tăng nhanh, dịch diễn biến phức tạp, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đang tính toán và triển khai cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà. Tỉnh cũng chủ động thành lập 184 Trạm y tế lưu động trên địa bàn. Ngày 4/11, Bộ Y tế thành lập Tổ công tác gồm 5 thành viên đến hỗ trợ chống dịch tại tỉnh Đắk Lắk.

Tác giả: Bích Huệ

Nguồn tin: zingnews.vn