Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nói thẳng: Thứ trưởng Trương Quốc Cường, thuốc giả và mạng người

Vụ án Công ty VN Pharma để lại những bài học đau lòng, nhiều cán bộ, trong đó có Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố. Buôn bán thuốc giả đã là tội ác, bán thuốc điều trị ung thư giả cho người bệnh nan y, tội lỗi ấy gấp trăm, ngàn lần…

Vụ Công ty VN Pharma nhập thuốc giả điều trị bệnh ung thư diễn ra từ năm 2012-2013. Đến tháng 5-2020, vụ án kết thúc, xác định các bị cáo "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh".

Ngày 18-9-2019, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự: Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Cục Quản lý dược - Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan. Sau đó, nhiều cán bộ của Cục Quản lý dược bị khởi tố.

 Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường vừa bị khởi tố - Ảnh đồ họa: Tấn Nguyên

Ngay từ ngày 25-8-2017, Báo Người Lao Động đã có bài "Vụ án tại VN Pharma: Cục Quản lý dược vô can?". Bài viết xoáy vào trách nhiệm của Cục Quản lý dược - cơ quan quản lý nhà nước "gác cửa" cho toàn bộ hệ thống dược phẩm quốc gia, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân – vào thời điểm đó đã vô trách nhiệm, để thuốc giả đến tay người bệnh nan y.

Vậy mà đến nay, ngày 3-11-2021, Cục trưởng Cục Quản lý dược khi đó là ông Trương Quốc Cường mới bị khởi tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Trương Quốc Cường bị khởi tố khi đương chức Thứ trưởng Bộ Y tế. Điều đó cũng có nghĩa là cả trong thời gian dài xảy ra vụ án VN Pharma, ông Cường vẫn cứ lên chức, khi chính ông là người ký nhiều văn bản cho nhập thuốc giả chữa bệnh ung thư!

Ngay cả khi tòa án xét xử vụ án này, Bộ Y tế đã liên tục chứng minh thuốc ung thư giả chỉ là thuốc "kém chất lượng" bằng "công văn khẩn" của Cục Quản lý dược gửi tới Hội đồng xét xử nhưng bị Viện Kiểm sát bác bỏ.

Dư luận cũng từng đặt nhiều câu hỏi xung quanh sự lớn mạnh bất thường của Công ty VN Pharma và tốc độ chiếm lĩnh thị trường dược phẩm nhanh như vũ bão chỉ trong vài năm sau khi ra đời với nhiều công ty con, doanh số tăng cả ngàn tỉ đồng.

Trong sự lớn mạnh bất thường đó, VN Pharma kiếm tiền bằng mọi giá, kể cả buôn bán thuốc giả, mà lại là thuốc điều trị ung thư. Luật pháp quốc gia nào cũng kết tội rất nặng việc buôn bán hàng giả, đặc biệt là dược phẩm giả.

Vụ án này làm nóng dư luận xã hội chính là ở vấn đề y đức hay nói rộng ra là vấn đề đạo đức. Thuốc chữa bệnh là sản phẩm đặc biệt, liên quan đến sức khỏe con người, nên việc gian dối là tội ác, mà gian dối để thuốc giả đến với những người bị bệnh nan y, tội ác gấp ngàn lần.

Ngành y là ngành dịch vụ đặc biệt vì nó phục vụ con người. Với người bệnh ung thư đang ở ranh giới sự sống - cái chết, một viên thuốc là một niềm hy vọng nhưng họ uống phải "niềm hy vọng giả tạo".

Vụ án VN Pharma vẫn chưa khép lại, khi một thứ trưởng Bộ Y tế phải ra tòa, hàng loạt quan chức của Bộ Y tế bị cảnh cáo và đề nghị kỷ luật Đảng, trong đó có cả nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.

 

Cái hậu của vụ án vẫn là vấn đề đạo đức nghề nghiệp, là y đức. Con số 7,5 tỉ đồng mà VN Pharma khai là để chi hoa hồng cho các bệnh viện hay bác sĩ vẫn chưa rõ ràng nhưng nó cho thấy một góc rất tối của ngành dược lẫn y đức.

Vụ án còn là hồi chuông cảnh báo tình trạng giá thuốc ngất ngưởng, kém chất lượng diễn ra trong nhiều năm qua.

Y đức không chỉ là thái độ hay trách nhiệm. Nó còn là bản lĩnh trước cám dỗ, trước những thách thức của nghề nghiệp.

Nhiều lần dư luận xã hội lên tiếng về sự xuống cấp của y đức nhưng y đức vẫn là vấn đề nóng bỏng làm xói mòn lòng tin của người dân, làm người bệnh càng đớn đau trong bệnh tật.

Sinh viên ngành y nào cũng thuộc nằm lòng lời thề Hippocrates, trong đó có nội dung: "Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công". "Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết"… Vậy đó, nhưng đồng tiền lăn tròn trên y đức.

Và dường như y đức ngày càng bị xem nhẹ. Mới đây thôi, vụ án nâng giá thiết bị y tế "xã hội hóa" để ăn trên đầu bệnh nhân, rút ruột bảo hiểm y tế xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai là một dẫn chứng. Vị giám đốc liên quan ấy chính là Nguyễn Quốc Anh - là PGS-TS, từng được phong Anh hùng Lao động, là Thầy thuốc nhân dân.

Hay ông Nguyễn Quang Tuấn, đương kim giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cũng vừa bị khởi tố để điều tra, làm rõ trách nhiệm liên quan sai phạm về "thổi giá" thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội - nơi trước đó ông Tuấn làm giám đốc.

Trước đó, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở nước ta hồi tháng 4-2020, PGS-TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, vào tù vì nâng giá mua máy xét nghiệm PCR.

Đồng tiền đã từng "đè chết" nhiều quan chức cấp cao; đồng tiền "đè chết" nhiều vị trí thức ngành y có học hàm, học vị cao chót vót; kể cả ông Trương Quốc Cường cũng có học vị TS ngành y.

Đó là một sự thật đau lòng nhưng họ phải trả giá, khi mà để y đức lăn trên những đồng tiền tội lỗi.

Tác giả: Lưu Nhi Dũ

Nguồn tin: Báo Người lao động