Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Phân biệt các ổ cắm sạc trên các xe ô tô điện

Ô tô điện có ít nhất 5 loại cổng cắm điện tương ứng với các nhà sản xuất khác nhau, vì vậy, một trong những điều khó nhất đối với khách hàng đi xe chính là phân biệt các cổng sạc.

Có thể nói, một trong những điều khó hiểu nhất đối với nhiều khách hàng đã và đang sử dụng xe điện (EV) chính là sự khác nhau giữa các cổng sạc. Không giống như các mẫu ô tô động cơ đốt trong truyền thống sử dụng vòi phun nhiên liệu giống nhau để tiếp nhận năng lượng; ô tô điện có ít nhất 5 loại cổng cắm điện tương ứng với các nhà sản xuất khác nhau. Vì vậy, hướng dẫn và giải thích dưới đây có lẽ sẽ hữu ích cho các khách hàng đang sở hữu và tìm hiểu về xe điện.

 Các loại phích cắm sạc cho ô tô điện.

Phích cắm loại 1

Đầu nối loại phích 5 chân này thì được sử dụng rộng rãi ở Bắc Mỹ, nhưng ở thị trường Anh và châu Âu đã được thay thế phần lớn bằng loại 2. Điều đó có nghĩa rằng, bạn sẽ vẫn tìm thấy nó trên một số mẫu EV cũ, chẳng hạn như các phiên bản thế hệ đầu tiên của Nissan Leaf và Kia Soul EV...

Hơn nữa, Mitsubishi Outlander PHEV plug-in hybrid hiện vẫn được tiếp tục sử dụng cổng sạc này. Hệ thống này chỉ được thiết kế để sạc chậm và sạc nhanh AC (dòng điện xoay chiều), có nghĩa là nó có thể chấp nhận nguồn điện từ 3-7 kW. Ngoài ra, còn có bộ sạc có dây buộc (cáp sạc được gắn cố định vào bộ sạc) hay còn gọi là bộ sạc công cộng loại 1, các xe điện có hệ thống này phải có bộ chuyển đổi để cho phép xe được cắm vào các điểm sạc tương ứng.

Phích cắm loại 2

Đến nay, đây là loại phích cắm phổ biến nhất ở châu Âu, loại 2 (7 chân) đôi khi được gọi là Mennekes theo cách hiểu của công ty thiết kế đầu nối nước Đức. Luật pháp EU gần đây “ngầm” quy định các nhà sản xuất ô tô mới phải trang bị phích cắm 7 chân này theo tiêu chuẩn cho các mẫu xe điện của họ, có nghĩa là hầu hết tất cả các điểm sạc công cộng sẽ có phích cắm loại 2.

Giống như loại 1, hệ thống này chỉ được thiết kế để hoạt động với khả năng sạc chậm và nhanh. Tuy nhiên, nó cũng có thể xử lý nguồn điện 22kW được cung cấp bởi nguồn điện ba pha, nhưng bạn sẽ cần kiểm tra xem xe của mình có thể chấp nhận mức điện này hay không.

Renault Zoe mới nhất cũng có thể đáp ứng tốt với nguồn điện lên tới 43kW tại một trong những trang điểm sạc nhanh AC hiếm hoi, trong khi Tesla Model S và Model X sử dụng cổng sạc loại 2 đã được sửa đổi cho phép chúng sạc ở cả hệ thống Supercharger của công ty và các điểm sạc mini gắn trên tường.

Không giống như cổng sạc loại 1, loại 2 có thể được khóa vào ô tô, đảm bảo không ai có thể ngắt kết nối ô tô khi đang sạc và ở xa xe.

Phích cắm kết hợp (Hệ thống sạc kết hợp, hoặc CCS)

Hệ thống kết hợp, hay CCS như thường được gọi là đầu nối phổ biến nhất để sạc nhanh DC (Dòng điện một chiều). Hầu hết các mẫu EV thuần túy mới đều được trang bị loại ổ cắm này, về cơ bản nó cho phép bạn vừa sạc tại bộ sạc nhanh DC công cộng và bộ sạc AC tại nhà. Đây cũng là hệ thống mà Tesla đã bắt đầu áp dụng ở châu Âu và trở thành hệ thống tiêu chuẩn trên Model 3.

Cổng sạc là sự kết hợp giữa ổ cắm DC 2 chân hạng nặng và ổ cố định 7 chân Loại 2 (CCS Combo 2) hoặc 5 chân Loại 1, với đầu nối DC nằm bên dưới các phích cắm AC này. Khi bạn muốn nạp đầy pin tại một trạm sạc nhanh (hầu hết sẽ có cả hai loại đầu nối CCS), chỉ cần cắm đầu nối CCS vào ô tô của bạn và. Tùy thuộc vào bộ sạc và loại xe, bạn có thể tiếp nhận nguồn điện lên đến 350kW. Mặc dù, phích cắm CCS kết nối với cả hai ổ cắm sạc trên ô tô nhưng đó chỉ là phần tử 2 chân ở dưới cùng được sử dụng để truyền điện vào pin; còn khi bạn đang sạc ở nhà, chỉ cần sử dụng phích cắm Loại 2 cho nửa trên của ổ cắm.

Phích cắm CHAdeMO

CHAdeMO là tên viết tắt của một từ nghe khá bí ẩn “Charge de Move”, một trong những hệ thống sạc nhanh DC đầu tiên. Được phát triển vào năm 2010 tại Nhật Bản và nó vẫn được Honda, Mitsubishi, Nissan, Subaru hay Toyota tin dùng. Giống như hệ thống CCS, nó được sử dụng để sạc nhanh và hiện có khả năng tiếp nhận đến 400kW và các nhà cung cấp công nghệ Trung Quốc đang nghiên cứu để nâng con số này lên đến 900kW.

 

Không giống như đối thủ CCS, CHAdeMO yêu cầu xe phải có hai phích cắm riêng biệt để sạc nhanh và chậm/nhanh (một CHAdeMO, một ổ cắm Loại 2 hoặc Loại 1). Điều đó không quá khó với các nhà sản xuất, nhưng nó có nghĩa là các mẫu xe điện sẽ sở hữu bộ nắp mở lớn hơn làm ảnh hưởng đến kiểu dáng của xe.

Tại châu Âu, CHAdeMO ít phổ biến ở châu hơn CCS và có thêm một tính năng khá hay nhờ vào dòng điện hai chiều; về lý thuyết phích cắm cho phép năng lượng có thể truyền ngược lại từ xe đến các thiết bị khác hoặc thậm chí cho đi một phần năng lượng không sử dụng trở lại cho lưới điện quốc gia.

Phích cắm thông thường

Hầu hết tất cả các xe điện đều có khả năng được sạc từ nguồn cung cấp trong nước bằng cách sử dụng phích cắm 3 chân quen thuộc. Để sử dụng bộ sạc này, khách hàng chỉ cần cắm vào ổ cắm tại nhà của họ và được ghép nối với một hộp biến thế nhỏ có phích cắm Loại 1 hoặc Loại 2 ở đầu còn lại mà bạn kết nối với ô tô. Nó được khuyến nghị như một giải pháp khẩn cấp (chẳng hạn như khi bạn đang ở với bạn bè hay gia đình và cần nạp điện), vì nếu sử dụng lâu dài có thể làm hỏng hệ thống dây điện trong nhà của bạn.

Phích cắm CEE

Phổ biến với những chiếc xe điện từ rất sớm, chẳng hạn như G-Wiz, đây còn được gọi là “đầu nối cắm trại” bởi lẽ phích cắm này tương tự như các kiểu ở khu cắm trại sử dụng để cung cấp năng lượng điện cho các đoàn lữ hành và người cắm trại. Khách hàng có thể sử dụng nó trong nhà - nơi có nguồn điện 3kW, nhưng nó cũng có thêm điểm cộng là có thể hoạt động với nguồn điện công nghiệp ba pha tiêu chuẩn để sạc nhanh lên đến 22kW.

Phích cắm Tesla Supercharger

 

Cổng sạc Tesla Supercharger nổi tiếng và quen thuộc với nhiều khách hàng này hiện đã có mặt ở rất nhiều các điểm sạc tại thị trường Mỹ. Và dành riêng cho các chủ sở hữu Tesla, tất cả các bộ sạc đều có dây cáp buộc và đầu nối Loại 2 để tương thích với hệ thống sạc nhanh của riêng công ty./.

Tác giả: CTV Hiếu Nguyễn

Nguồn tin: vov.vn