Giá gas tăng, vượt 500.000 đồng/bình: Chủ quán ăn "chết lặng"
- 07:43 03-11-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cụ thể, từ ngày 1/11, giá gas tăng 17.000 đồng/bình 12 kg. Hiện tại, gas Petrolimex có giá 474.000 đồng/bình 12 kg, Saigon Petro là 478.500 đồng/bình 12 kg. Giá gas của Vimexco, City Petro, Pacific có giá 501.000 đồng/bình 12 kg.
Giá gas thường tăng vào mùa đông
Anh P.Q.V, chủ một cửa hàng kinh doanh gas ở Kim Mã (Hà Nội) - cho biết, một bình gas 12 kg hiệu Petrolimex có giá là 474.000 đồng bình 12kg, tăng 17.000 đồng/bình so với tháng trước. Bình gas công nghiệp 45 kg có giá 1,89 triệu đồng/bình, tăng 62.000 đồng mỗi bình so với tháng trước.
Theo anh V., giá gas tháng 11 đang cao nhất trong năm nhưng chuyện tăng là bình thường vì hầu như năm nào giá gas cũng tăng vào mùa đông, do nhu cầu sưởi ấm ở các nước tăng cao.
Anh V. cho biết, hiện nay, đa phần người dân thành phố, đặc biệt ở chung cư đã chuyển sang dùng bếp từ. Song các nhà hàng, khách sạn vẫn sử dụng bếp gas để nấu nướng vì nhiều món ăn đòi hỏi phải dùng lửa lớn để xào nấu. Hơn nữa, công suất các bếp ăn tập thể, nhà hàng đều lớn, nếu dùng điện không thể cung ứng đủ nên bếp gas vẫn được nhiều nơi lựa chọn.
Từ 1/11, giá gas tăng 17.000 đồng/bình 12kg (Ảnh: An Chi). |
Anh kể hồi chưa có dịch Covid-19, trung bình mỗi ngày bán được 30 - 40 bình gas, giờ chỉ được 7 - 8 bình/ngày do nhiều trường học chưa hoạt động trở lại.
Anh V. còn cho biết, hiện nay, việc nhập gas cũng khó khăn hơn khi các đại lý muốn lấy hàng số lượng nhiều phải đăng ký trước. Thông thường, cứ 2 - 3 ngày, cửa hàng anh sẽ nhập gas, mỗi lần nhập hơn 1 tấn.
Còn ở Hà Giang, giá gas "mềm" hơn Hà Nội. Anh N.T. cho biết giá gas Petro HG 12 kg là 405.000 đồng, tăng 15.000 đồng so với tháng trước. "Gas nhà tôi là nhập khẩu trực tiếp qua cảng Hải Phòng, không qua đơn vị trung gian nên có giá rẻ hơn các hãng khác. Trung bình mỗi ngày, nhà tôi bán ra thị trường hơn chục tấn gas, so với trước dịch, số lượng này đã giảm 20 - 30%", anh thông tin.
Chủ nhà hàng, quán ăn "chết lặng"
Giá gas, xăng tăng là cơn ác mộng của các nhà hàng, quán ăn, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Anh Đ. Đ.M - chủ một hệ thống nhà hàng cá lăng ở Hà Nội - cho biết, hiện tại, mỗi tháng, quán anh bán được 7 - 8 bình gas công nghiệp loại 45 kg. Tháng 10, giá gas anh mua là 31.000 đồng/kg, còn tháng 11 tăng thêm 2.300 đồng/kg nên một bình 45 kg sẽ tăng thêm 104.000 đồng.
Giá gas tăng cao khiến nhà hàng, quán ăn "chết lặng" (Ảnh: An Chi). |
Anh M. cho biết giá xăng, gas tăng gây ảnh hưởng rất lớn đến các nhà hàng, quán ăn vì khi giá tăng, các đơn vị cung ứng thực phẩm, nguyên liệu đầu vào tăng giá. Ví dụ cách đây một tháng, rau thì là chỉ 50.000 - 60.000 đồng/kg thì nay tăng lên 150.000 đồng/kg do mưa nhiều, cước vận chuyển tăng vì giá xăng tăng.
Còn với giá gas, tăng hay giảm thì các quán ăn vẫn phải mua. "Dù giá gas có tăng, chúng tôi vẫn phải dùng bếp gas công nghiệp, không dùng bếp điện thay thế được. Vì ít có loại bếp đáp ứng đúng tiêu chí của nhà hàng. Hơn nữa, với tần suất sử dụng bếp nhiều như nhà hàng, giá điện tính ra cũng không hề rẻ. Đặc biệt, đồ ăn muốn ngon thì phải đủ nhiệt, đủ lửa nên bếp gas công nghiệp vẫn là lựa chọn tối ưu", anh M. chia sẻ.
Tương tự, chị N.T - chủ một quán ăn ở Cầu Giấy (Hà Nội) - cho biết, mỗi tháng, nhà chị phải chi 10 triệu đồng để mua gas. Khi giá gas tăng, chi phí tăng thêm 350.000 - 450.000 đồng trong khi giá đồ ăn vẫn được giữ nguyên.
"Giá rau tăng, giá xăng tăng giờ đến giá gas tăng, với người làm quán ăn đúng là một cơn ác mộng. Bây giờ, chúng tôi còn không dám tăng giá đồ ăn vì muốn giữ khách, chứ sợ tăng quá, khách bỏ mình đi vì năm nay mọi thứ đã quá khó khăn rồi", chị T. kể.
Còn với các hộ gia đình, việc giá gas tăng là áp lực kinh tế rất lớn khi thu nhập của mọi người đều giảm sút do dịch Covid-19 bùng phát. Ngoài ra, việc chuyển từ bếp gas sang bếp điện cũng không hề đơn giản vì nhiều khu trọ giá rẻ, khu tập thể cũ, cơ sở vật chất, đường điện không đáp ứng đủ yêu cầu sử dụng.
Tác giả: An Chi
Nguồn tin: Báo Dân trí