Mỹ thừa nhận “hít khói” Trung Quốc trong cuộc đua vũ khí siêu thanh
- 10:34 27-10-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Giám đốc điều hành Gregory Hayes cho biết trong khi Lầu Năm Góc đang phát triển một số chương trình vũ khí siêu thanh và Mỹ hiểu rõ công nghệ này thì Trung Quốc đã "thực sự triển khai vũ khí siêu thanh". Ông Hayes nói: "Chúng ta đi sau ít nhất vài năm".
Các hệ thống vũ khí cực nhanh, mới nổi đã làm dấy lên lo ngại vì chúng có khả năng gây mất ổn định quan hệ giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga. Chúng cũng có thể trở thành mặt trận mới trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Bắc Kinh và Washington khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xung đột về các vấn đề thương mại, công nghệ và nhân đạo.
Mô hình hệ thống tên lửa hành trình siêu thanh HD-1 của Trung Quốc trưng bày tại Triển lãm hàng không và vũ trụ quốc tế ở TP Chu Hải hôm 29-9. Ảnh: Reuters |
Hãng Raytheon Technologies đang phát triển tên lửa hành trình siêu thanh với quân đội Mỹ. Ông Hayes nói rằng khả năng siêu thanh là mối đe dọa gây mất ổn định nhất đối với Mỹ vì thời gian phản ứng là rất, rất ngắn.
Ông Hayes nói trong cuộc phỏng vấn: "Chúng ta phải có hệ thống tự động để bảo vệ Mỹ và chúng ta tập trung vào điều đó". Giám đốc điều hành Raytheon Technologies cho rằng: "Chúng ta sẽ có vũ khí để thách thức đối thủ nhưng quan trọng nhất, tôi nghĩ trọng tâm của chúng ta là làm thế nào để phát triển hệ thống chống vũ khí siêu thanh. Đó mới là thách thức thật sự".
Trong diễn biến khác, các nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa hối thúc chính quyền Tổng thống Joe Biden không bán máy bay chiến đấu F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ và cho rằng Quốc hội Mỹ sẽ ngăn chặn bất kỳ hoạt động xuất khẩu nào như vậy.
Máy bay chiến đấu F-16. Ảnh: Reuters |
Trong bức thư đề ngày 25-10 gửi cho ông Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken, 11 thành viên Hạ viện đã bày tỏ mối quan tâm sâu sắc về các thông tin gần đây cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể mua 40 máy bay Lockheed Martin F-16 mới và 80 bộ dụng cụ hiện đại hóa F-16.
Các nghị sĩ viết trong thư: "Sau tuyên bố hồi tháng 9 của Tổng thống Tayyip Erdogan rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mua thêm một loạt hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, chúng ta không thể làm tổn hại đến an ninh quốc gia của mình bằng cách gửi máy bay do Mỹ sản xuất tới một đồng minh hiệp ước hành xử như đối thủ".
Ankara trước đó cũng đã đặt hàng hơn 100 chiếc F-35 của hãng Lockheed Martin nhưng Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình này vào năm 2019 sau khi họ mua S-400 của Nga.
Tác giả: Xuân Mai
Nguồn tin: Báo Người lao động