Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đầu tư phòng chống gian lận vay tiêu dùng tại công ty tài chính

Đầu tư vào phòng chống gian lận trong hoạt động cho vay sẽ là bài toán mà các công ty tài chính cần giải quyết nếu muốn thu hút, nâng cao trải nghiệm cũng như bảo vệ khách hàng trong thời gian tới.

Mới đây, Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 3,32% và tăng 41,37% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng tương ứng 54,13% về số lượng và 30,70% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 74,98% và 93,69%, qua kênh QR code tăng tương ứng 66,81% và 133,12%.

Tuy nhiên, cùng với đó là sự gia tăng những vụ việc liên quan đến lừa đảo, gian lận tín dụng bằng công nghệ cao. Cụ thể, thời gian qua đã xảy ra hàng loạt vụ mất cắp tài khoản tiết kiệm, tài khoản ngân hàng do gian lận, mất cắp thông tin khách hàng, bị hacker tấn công vào hệ thống bảo mật,… Đặc biệt, có những vụ việc, đối tượng lừa đảo giả mạo ngân hàng như lập trang web giả mạo giống với thương hiệu  để tiếp nhận và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về sản phẩm dịch vụ ngân hàng, nhằm thu thập thông tin, lịch sử giao dịch và tài khoản của khách hàng, phục vụ cho mục đích lừa đảo, gian lận. Bên cạnh đó, kẻ gian còn mạo danh công ty tài chính mời khách hàng vay vốn, hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động (như ứng dụng Auto Cash...) để giải ngân một khoản tiền "ảo" (không có thực) kèm theo việc hiển thị hợp đồng tín dụng với con dấu giả, chữ ký giả của người có thẩm quyền của công ty tài chính nhằm lừa đảo khách hàng chuyển khoản đặt cọc để chiếm đoạt.

 

Trước tình hình đó, nhằm phòng chống gian lận, lừa đảo công nghệ cao, nhiều ngân hàng và công ty tài chính tại Việt Nam đã và đang tập trung nâng cao chất lượng quản lý hồ sơ khách hàng và phòng chống rủi ro tín dụng bằng quy trình và công nghệ hiện đại.

Ông Dennis Martin, Giám đốc điều hành khu vực Đông - Nam Á của Công ty dịch vụ thông tin toàn cầu Experian cho rằng hệ thống tài chính ngân hàng của Việt Nam đang trải qua một quá trình chuyển đổi và các ngân hàng tại Việt Nam hiện nay đang cố gắng áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng tín dụng cũng như phòng chống rủi ro gian lận tín dụng.

Theo ông Martin, điều này phù hợp với xu thế chung, nhất là sau khi ngành tài chính thế giới đang trải qua nhiều thay đổi sau khủng hoảng tài chính. Muốn hoạt động tốt hơn, họ cần thích ứng và áp dụng các thông lệ tốt nhất của thế giới.

Bên cạnh đó, ông Ray Sadish - Giám đốc khu vực của Bộ phận Experian Decision Analysis cho biết để cạnh tranh trong thị trường ngân hàng bán lẻ, yếu tố quản lý rủi ro rất quan trọng. Các ngân hàng, công ty tài chính hiện đã nhận ra điều này thay đổi định hướng.

Ông Ray Sadish cho biết, mức gian lận tín dụng trung bình ở các nước Đông - Nam Á vào khoảng 10%. Điều này muốn nói là chúng ta muốn giảm gian lận tín dụng xuống. Để làm được điều này, phải có những hệ thống phòng ngừa và phát hiện.

Bám sát tình hình thực tế, mới đây FE CREDIT – công ty tài chính tiêu dùng uy tín tại Việt Nam đã triển khai thành công quy trình “Giải ngân bằng xác thực khuôn mặt” cho các khách hàng, nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, phòng chống gian lận tín dụng cũng như giảm thiểu rủi ro khách hàng bị đánh cắp OTP trong quá trình giải ngân.

Theo đó, tất cả khách hàng được duyệt vay và nhận giải ngân qua kênh tiền mặt tại FE CREDIT, sau khi cung cấp CMND tại quầy giao dịch, sẽ nhận được tin nhắn chứa link để thực hiện xác thực khuôn mặt. Khách hàng chỉ nhận được mã OTP để nhận tiền giải ngân sau khi xác thực khuôn mặt thành công.

Đại diện FE CREDIT cho biết, càng sớm áp dụng công nghệ xác thực khuôn mặt trong quy trình giải ngân sẽ giúp ngăn chặn rủi ro gian lận, giúp khách hàng chủ động bảo vệ thông tin cá nhân trong bối cảnh các hình thức của tội phạm lừa đảo tín dụng ngày càng tinh vi và liều lĩnh.

Cùng với đó, để nâng cao chất lượng quản trị rủi ro, FE CREDIT cũng dự kiến triển khai công nghệ xác thực khuôn mặt, chữ ký điện tử vào quy trình xác thực giao dịch qua thẻ tín dụng, bảo vệ khách hàng trước các rủi ro gian lận từ tội phạm công nghệ. Đại diện FE CREDIT đồng thời cũng mong muốn các cơ quan hữu trách của Nhà nước tiếp tục thúc đẩy nhanh và sớm hoàn thiện việc triển khai rộng rãi gắn chip điện tử cho thẻ căn cước công dân. Điều này sẽ góp phần hạn chế, ngăn chặn được các hành vi gian lận, sử dụng giấy tờ tùy thân giả mạo để thực hiện hành vi phạm pháp.

Như vậy có thể thấy, các giải pháp liên quan đến xác thực, định danh điện tử, chữ ký điện tử hứa hẹn sẽ là công cụ cấp quyền giao dịch và bảo mật thông tin hữu hiệu nhất. Để tăng cường tính bảo mật, an toàn trong giao dịch điện tử, hoạt động tín dụng, việc đầu tư công nghệ cho các giao dịch nói chung và giải pháp định danh, xác thực điện tử nói riêng sẽ là ưu tiên hàng đầu của các công ty tài chính.

 Tác giả: Lương Yến

Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn