Chuyên gia nước ngoài “đỏ mắt” tìm căn hộ cao cấp ở xứ Thanh
- 15:31 21-10-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
“Thỏi nam châm” Thanh Hóa hút lao động nước ngoài.
Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những quốc gia đang phát triển thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Năm 2004, mới chỉ có 12,6 nghìn lao động, tới từ hơn 100 quốc gia ngoài lãnh thổ Việt Nam được cấp phép nhập cảnh để làm việc. Tới tháng 4 năm nay, dù đại dịch Covid-19 bùng phát kéo dài thì theo thống kê mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, con số này vẫn tăng lên hơn 101 nghìn người. Số này chủ yếu tập trung về các thành phố lớn hoặc các địa phương có dự án lớn với nhiều nhà thầu nước ngoài thi công như: Hà Nội (hơn 4.400 người), Bắc Giang (hơn 4.600 người), Long An (hơn 5.600 người), TP HCM (hơn 27.000 người)… Tuy nhiên, thị trường đang xuất hiện thêm nhiều “thỏi nam châm” là các địa phương đang bứt phá mạnh mẽ về kinh tế, như Thanh Hóa.
Cho tới tháng 9 năm nay, tỉnh Thanh Hóa đã cấp phép cho hơn 1.000 lao động nước ngoài vào làm việc. Trước đại dịch, lúc cao điểm nhất, con số được thống kê là khoảng gần 1.400 người, chủ yếu giữ vị trí quản lý, giám đốc điều hành và đông nhất là chuyên gia. Cuối năm ngoái, Khu Kinh tế Nghi Sơn và Các Khu công nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa đã thu hút được 60 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 13 tỷ USD; vốn thực hiện hơn 11 tỷ USD.
Thanh Hóa đang trở thành điểm thu hút lao động nước ngoài chất lượng cao. Trong lộ trình cất cánh, đòi hỏi có thêm các dự án căn hộ cao cấp xứng tầm. |
Nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động nước ngoài chất lượng cao sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư đổ về Thanh Hóa. Sau hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức vào năm ngoái, UBND tỉnh đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 19 dự án; ký thỏa thuận hợp tác đầu tư 15 dự án. Ngoài ra, dự kiến sẽ có 36 dự án quy mô lớn kêu gọi đầu tư vào tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2020-2025 gồm các lĩnh vực: Công nghiệp, hạ tầng đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; nông nghiệp, y tế…với tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ USD.
Năm nay, tập đoàn Foxconn chuyên sản xuất linh kiện cho Apple đã đặt vấn đề đầu tư 1,3 tỉ USD vào xứ Thanh để đặt nhà máy, dự kiến sử dụng khoảng 100 -150 nghìn lao động. Bên cạnh đó là các doanh nghiệp đa quốc gia khác như WHA Industrial Development PLC (Thái Lan); Milennium Energy (Hoa Kỳ); Aoen (Nhật Bản)...
Mong mỏi các dự án căn hộ có tiện ích đẳng cấp
Sự xuất hiện của chuyên gia, lao động kỹ thuật cao khiến Thanh Hóa phát sinh nguồn cầu mới trên thị trường bất động sản, đặc biệt ở phân khúc căn hộ cao cấp bởi phần lớn trong số này là lực lượng có thu nhập cao, đã quen với môi trường sống chất lượng. Theo khảo sát Chuyên gia nước ngoài lần thứ 10 do Bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng HSBC công bố, trước đại dịch, trung bình các chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam kiếm được 88.096 USD/ năm. 36% số này có thu nhập tăng 25% từ khi chuyển tới Việt Nam.
Trong khi đó, khảo sát Expat Insider 2021 của tổ chức Internations vừa công bố năm nay cho thấy: Khi có thu nhập cao, sở hữu tài sản lớn, tiêu chuẩn chọn không gian sinh sống của các chuyên gia cũng phải ở mức “vượt trội” để xứng tầm đẳng cấp. Nhìn vào các thành phố lớn, như Hà Nội, nơi đang có hơn 4.000 lao động người nước ngoài đang làm việc và sinh sống, một trong những tâm điểm mà cộng đồng này đang đổ dồn về là đại đô thị Vinhomes Smart City ở phía Tây thành phố. Với môi trường sống chất lượng cao, nhiều tiện ích, mật độ xây dựng thấp, cộng đồng cư dân đông đúc tới từ 20 quốc gia đã hình thành và vẫn đang lớn mạnh tại đây.
“Thanh Hóa cần có những dự án như của Vinhomes, với đẳng cấp không thua kém gì Hà Nội, TP.HCM. Đây là yêu cầu mà nhiều khách hàng đã đưa ra cho chúng tôi khi ký hợp đồng... Nhưng bản thân chúng tôi cũng chưa có nhiều sản phẩm để chào hàng” – Anh Minh Phú, nhân viên của một đơn vị môi giới cho biết. Cũng theo anh Phú, khách hàng sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng thuê một căn hộ ưng ý để ở - mức giá không hề thua kém các khu vực trọng điểm ở Hà Nội.
Anh Takahashi Hikaru, một chuyên gia người Nhật vừa chuyển công tác từ Hà Nội vào Thanh Hóa chia sẻ thêm: “Tiêu chí hàng đầu trong lựa chọn căn hộ của chúng tôi là khu vực có an ninh tốt, an toàn cho cuộc sống. Ngay trong khu vực sinh sống phải có tiện ích cơ bản như phòng tập gym, bể bơi, nhà hàng, hệ thống siêu thị... Nhưng đỏ mắt tìm cũng chưa thấy dự án nào đáp ứng được hết những tiêu chuẩn này”. Tại Thanh Hóa, có khoảng 18% chuyên gia, quản lý nước ngoài tới từ Nhật Bản.
Trong tương lai không xa, Thanh Hóa sẽ trở thành tỉnh công nghiệp phát triển nhanh hàng đầu tư khu vực Bắc Trung Bộ, cộng đồng cư dân quốc tế chắc chắn sẽ ngày càng đông đúc. Ngay từ lúc này, các doanh nghiệp bất động sản cần phải tăng tốc hơn nữa mới có thể nắm bắt được cơ hội, tạo thêm sức sống mới cho thị trường bất động sản.
Tác giả: Vũ Như Biển
Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn