Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


"Bom nước" chực chờ gây họa ở Nghệ An, Hà Tĩnh

Xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, nhiều hồ, đập tại Nghệ An, Hà Tĩnh đang đối diện nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào khi có mưa, lũ lớn

Những ngày giữa tháng 10, đến khu vực đập thủy lợi Khe Ngang, xóm Sơn Lĩnh 2, xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An, chúng tôi ghi nhận không ít nỗi bức xúc, lo lắng của người dân địa phương trước tình trạng xuống cấp của con đập này.

Nỗi ám ảnh ngày càng lớn

Đập thủy lợi Khe Ngang được đầu tư xây dựng với tổng chi phí khoảng 14 tỉ đồng và được đưa vào sử dụng năm 2015. "Từ đó đến nay chỉ khoảng 6 năm nhưng phần thân đáy đập bị rò rỉ, phía dưới thân đập từng tảng bê-tông lớn bị bong tróc. Vào mùa mưa, nước lũ dâng cao người dân nơi đây ai cũng ăn ngủ không yên" - ông Nguyễn Văn Hùng, trú xã Thanh Lâm, lo lắng. Ông nói nỗi sợ đập vỡ cứ lớn dần và ám ảnh đến cả trong giấc mơ.

 Đập Khe Ngang, xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An hư hỏng, xuống cấp khiến người dân lo lắng mỗi khi có mưa lớn .Ảnh: ĐỨC NGỌC

Đến hồ Khe Thị - hồ có dung tích 2,5 triệu m3 nước - ở xã Nghi Công Nam, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, chúng tôi ghi nhận phần mái phía trên thân đập bị bong tróc, đứt gãy nhiều điểm, bờ tường chắn sóng phía trên thân đập nhiều nơi bị sụt lún, đổ sập. Đặc biệt, tại khu vực mái hạ lưu, tràn tạm bị thấm, rò rỉ nước. Tình trạng xuống cấp của con đập này cũng khiến hàng ngàn người dân sinh sống phía dưới ăn ngủ không yên.

Ông Ngô Trí Chính, Chủ tịch UBND xã Nghi Công Nam, cho biết chính quyền xã cũng đang ngày đêm lo lắng, nhất là khi bước vào mùa mưa, lũ. "Đập Khe Thị xây dựng từ năm 1971, sau mấy chục năm đưa vào sử dụng, hiện đã hư hỏng, xuống cấp. Mỗi lần có mưa lớn là chính quyền, người dân đứng ngồi không yên vì lo đập vỡ, hàng triệu mét khối nước từ trên cao đổ xuống cuốn trôi hết nhà dân. Trước thực tế trên, người dân, UBND xã đã nhiều lần kiến nghị lên huyện, lên tỉnh bố trí kinh phí nâng cấp, sửa chữa đập nhưng vẫn cứ… chờ" - chủ tịch UBND xã Nghi Công Nam thông tin.

Lo lắng của người dân và chính quyền xã Thanh Lâm, Nghi Công Nam hoàn toàn có cơ sở khi vào ngày 15-9 vừa qua, sau trận mưa lớn, con đập Bàn Vàng (xã Tiến Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) được xây dựng từ năm 1963, có trữ lượng 1 triệu m3 nước bị vỡ thân đập khoảng 20 m. Nước từ đập tràn xuống vùng hạ du, khiến các hộ dân nơi đây phải di dời để bảo đảm an toàn.

Không chỉ các hồ, đập ở Nghệ An xuống cấp, hồ, đập ở Hà Tĩnh cũng trong tình trạng thiếu an toàn. Theo ông Nguyễn Quang Thọ, chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, trên địa bàn huyện có 15 hồ đập đã bị xuống cấp. Trong đó, đáng lo nhất là hồ Trí Bảo (xã Sơn Lĩnh, huyện Hương Sơn, với dung tích trên 250.000 m3 nước) bởi phần thân đập của hồ đã nứt nẻ và rò rỉ nước, tại một số điểm bị sạt lở nghiêm trọng.

Mong được trung ương hỗ trợ

Ông Nguyễn Quang Thọ cho hay trước tình trạng cứ có mưa lớn kéo dài là mực nước tại nhiều hồ, đập vượt quá dung tích thiết kế, tràn xuống các vùng hạ du, UBND huyện Hương Sơn đã yêu cầu các địa phương và các đơn vị quản lý các hồ, đập phải xây dựng các phương án bảo đảm an toàn các hồ, đập và người dân ở các vùng hạ du. "Đặc biệt, huyện đã chỉ đạo không được tích nước trong mùa lũ, đồng thời đề xuất gia cố lại bằng bê-tông cốt thép, làm cống lấy nước mới" - chủ tịch UBND huyện Hương Sơn nhấn mạnh.

Theo ông Ngô Đức Hợi, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh, hiện tỉnh này có tổng cộng 351 hồ, đập lớn nhỏ, trong đó gần 200 hồ đã xuống cấp, 59 hồ cần được sửa chữa khẩn cấp. "Các hồ đập tại tỉnh Hà Tĩnh được đầu tư lâu năm, đa số được đắp bằng đất và có thời gian sử dụng từ 40-50 năm nên đã bị xuống cấp nghiêm trọng, mỗi mùa mưa lũ về rất nguy hiểm cho tài sản và người dân ở các vùng hạ du" - ông Hợi nhìn nhận.

Ông Hợi nói tuy biết tình trạng trên là cấp bách nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp nên công tác khắc phục hồ, đập đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh, địa phương mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy lợi tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí để khắc phục, sửa chữa các công trình hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn cao.

Tương tự, thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An cho thấy tỉnh này là một trong những địa phương có số lượng hồ, đập lớn nhất cả nước với 1.061 hồ, đập. Các hồ, đập tại Nghệ An đều được xây dựng từ mấy chục năm trước, nhưng hiện chỉ mới có 352 hồ, đập được sửa chữa, nâng cấp. "Chúng tôi đã đề xuất tỉnh bố trí vốn để giai đoạn 2021 - 2025, sẽ nâng cấp, sửa chữa 84 hồ chứa, với tổng kinh phí hơn 530 tỉ đồng. Trong đó, 14 hồ thuộc diện ưu tiên cấp bách với kinh phí 172 tỉ đồng và 70 hồ ưu tiên hư hỏng, xuống cấp với kinh phí hơn 360 tỉ đồng" - ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An, nói.

Về đề xuất trên, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, khẳng định để việc nâng cấp, sửa chữa các hồ, đập hư hỏng trên địa bàn tỉnh nhanh chóng, kịp thời thì ngoài nguồn ngân sách của địa phương, rất cần sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương. 

Bộc lộ bất cập trong vận hành

Theo thống kê, không chỉ xuống cấp, ở Nghệ An còn bộc lộ nhiều bất cập trong vận hành các hồ, đập lớn. Điển hình như hồ chứa nước Vực Mấu (thị xã Hoàng Mai) có trữ lượng thiết kế 75 triệu m3 nước. Thế nhưng, trước mùa mưa lũ năm nay, hệ thống báo mực nước, đo mưa đã bị hỏng, công nhân phải thực hiện thủ công. Còn hồ chứa nước Sông Sào (huyện Nghĩa Đàn) có dung tích trên 50 triệu m3 nhưng không có trạm quan trắc, đo mưa ở lòng hồ, thiếu máy phát điện nên khi mất điện phải sử dụng nhiều lao động để quay cửa tràn, ảnh hưởng đến khâu vận hành an toàn hồ chứa.

Tác giả: ĐỨC NGỌC - UY KHANG

Nguồn tin: Báo Người Lao Động