Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Dán niêm phong, không cho dân mở cửa xe là vi phạm quyền con người

Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội dẫn câu chuyện nhiều địa phương dán niêm phong không cho người dân mở cửa xe khi đi ngang địa bàn để nói về bất cập trong ban hành quy định chống dịch.

Tại cuộc họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV diễn ra chiều 19/10, báo chí đặt câu hỏi về kết quả thẩm tra việc áp dụng, triển khai thực hiện Nghị quyết 30 Quốc hội khi đặc cách trao những quyền đặc biệt cho Chính phủ trong phòng, chống dịch.

Trả lời câu hỏi này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho biết nội dung này đã được Ủy ban thảo luận, cho ý kiến trong phiên họp sáng cùng ngày.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhắc lại tinh thần của Nghị quyết 30 là Quốc hội cho phép Chính phủ thực hiện một số nội dung hoặc chưa được quy định, hoặc vượt thẩm quyền.

Ông đánh giá Chính phủ đã chủ động, linh hoạt áp dụng biện pháp phòng, chống Covid-19, mang lại hiệu quả tốt.

 Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong trả lời câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo. Ảnh: Quang Phúc.

Song bên cạnh sự chủ động, ông Phong cho biết cũng có nhiều hệ lụy từ việc này do áp dụng những quy định khác luật hoặc không đúng quy định của pháp luật. “Trong đó có cái kịp thời, có cái chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, rồi có cái ảnh hưởng tới quyền con người, quyền công dân nên cũng tạo sự phản ứng nhất định trong xã hội”, ông Phong nói.

Ông cho biết tới đây Ủy ban Pháp luật sẽ có đợt rà soát tổng thể toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật hoặc liên quan tới pháp luật để thực thi nhiệm vụ phòng, chống dịch. Theo đó, cơ quan của Quốc hội sẽ xem xét các văn bản được ban hành có vượt thẩm quyền, trái quy định và tạo ra bức xúc xã hội hay không.

Về phía cơ quan thẩm tra, ông Phong cho biết Ủy ban Xãn hội nhận thấy sau khi rà soát cho thấy đa phần văn bản phục vụ, đáp ứng cho nhu cầu quản lý Nhà nước để phòng chống dịch là chính, và ít có lợi cho dân nên gây bức xúc trong dân rất lớn.

Đến nay, ông Phong cho biết Chính phủ và các bộ, ngành chưa có đánh giá tổng thể các vấn đề liên quan đến công tác thể chế về phòng chống dịch, chưa xác định đầy đủ lộ trình, kế hoạch sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan. Ví dụ, Luật Dược, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp… đều là những văn bản có liên quan đến phòng chống dịch nhưng chưa có đề xuất sửa đổi và xử lý để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng nhìn nhận văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương để giải quyết vướng mắc ở địa phương vẫn chậm, chưa kịp thời, khiến nhiều nơi có cách hiểu, cách chưa thống nhất, gây bức xúc xã hội. Đặc biệt, còn tình trạng văn bản hướng dẫn ở một số địa phương chưa được rà soát thận trọng nên còn phải đính chính, thu hồi, sửa đổi bổ sung nhiều lần, thậm chí gây phản cảm.

“Ví dụ gần đây nhất là nhiều địa phương dán niêm phong không cho mở cửa xe khi ngang qua địa bàn tỉnh mình, rồi xe đi ngang không cho người trên xe xuống làm những việc bình thường khác. Đây là quy định vi phạm quyền con người”, ông Phong nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông chỉ ra bất cập khi việc phân cấp cho địa phương chưa chặt chẽ, thiếu cơ chế kiểm soát nên mỗi địa phương quy định một kiểu, áp dụng pháp luật không nhất quán, dẫn đến có dấu hiệu cát cứ, thực thi chỉ đạo Trung ương chưa trọn vẹn, gây nên tình trạng “trên bảo dưới không nghe”.

Với những thực tế đang diễn ra, ông Phong cho rằng cần rà soát, đánh giá lại việc ban hành các văn bản trong quá trình chống dịch. Ông cũng cho hay Chính phủ đã nhận diện rõ nguyên nhân và xác định các giải pháp khắc phục những bất cập đã nêu.

Tác giả: Hoài Thu

Nguồn tin: zingnews.vn