Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chuẩn bị tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi, sẵn sàng trở lại trường học

Dự kiến, ngày 15/10, Bộ Y tế sẽ ban hành Hướng dẫn tiêm vaccine cho nhóm trẻ 12-17 tuổi, từng bước mở lại môi trường an toàn, đón học sinh quay trở lại trường học.

Thông tin này được đưa ra chiều 12/10, tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Bộ GD-ĐT về kế hoạch thực hiện năm học 2021-2022.

Dự kiến 15/10 có Hướng dẫn tiêm vaccine cho trẻ em

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đang lên kế hoạch, lộ trình triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em, trước hết sẽ triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi. Dự kiến, ngày 15/10, Bộ Y tế sẽ ban hành Hướng dẫn tiêm vaccine cho nhóm trẻ em này.

Bộ Y tế phấn đấu trong quý IV/2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 cho 95% trên tổng số 8,1 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi trên cả nước. Cùng với đó, Bộ Y tế đang rà soát, thống kê số trẻ em từ 3-11 tuổi; đồng thời tiếp cận các nguồn vaccine, tham khảo ý kiến chuyên môn của các chuyên gia, nhà khoa học để sẵn sàng có hướng dẫn tiêm cho trẻ từ 3-11 tuổi khi có vaccine.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, cùng với tiến độ tiêm vaccine chung trên cả nước, ngành giáo dục, y tế có kế hoạch tổ chức tiêm vaccine chi tiết cho từng lứa tuổi, từng cấp học, từng bước mở lại môi trường an toàn, đón học sinh quay trở lại trường học.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các địa phương chỉ đạo Sở GD-ĐT rà soát, đánh giá, củng cố, hoàn thiện công tác phòng, chống dịch, sẵn sàng mở lại trường học.

 "Ngay từ bây giờ, Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đăng ký tiêm vaccine cho trẻ em trong độ tuổi từ 12-17 tuổi", Phó Thủ tướng nói. (Ảnh: Đ. Nam).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ Chính phủ đã bàn và có Nghị quyết để phấn đấu hết năm 2021 cơ bản kiểm soát dịch trên toàn quốc, đưa lại cuộc sống bình thường mới; do đó, kế hoạch của ngành giáo dục cũng cần bám sát mục tiêu này.

Bộ GD-ĐT khẩn trương rà soát các quy định đảm bảo an toàn học đường phù hợp với điều kiện hiện nay khi giáo viên, phụ huynh đã được tiêm vaccine, sắp tới học sinh từ 12-17 tuổi cũng sẽ được tiêm, Bộ Y tế đang nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, trao đổi với nhà khoa học để có lộ trình tiêm cho học sinh dưới 12 tuổi.

"Bộ GD&ĐT phải tổ chức tiêm vaccine sớm và an toàn cho học sinh trong độ tuổi theo quy định của Bộ Y tế. Ngay từ bây giờ, Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đăng ký tiêm vaccine cho trẻ em trong độ tuổi từ 12-17 tuổi, để khi vaccine về vào cuối tháng 10, có thể tổ chức tiêm nhanh nhất, an toàn nhất cho các cháu", Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT chuẩn bị hệ thống giám sát y tế học đường để tất cả học sinh có đầu mối cụ thể theo dõi sức khỏe, bảo vệ cho nhóm học sinh chưa được tiêm vaccine, bởi trong điều kiện bình thường mới, vẫn có thể xuất hiện ca mắc trong cộng đồng.

"Tinh thần là đến trường phải an toàn, trong trường học là môi trường an toàn. Đặc biệt, ngành giáo dục cần lưu ý đến chăm lo tâm lý học đường, tâm lý học sinh trong và sau mùa dịch", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Những nơi có dịch có thể kết thúc năm học muộn hơn

Báo cáo Phó Thủ tướng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, đến ngày 12/10, có 23 địa phương tổ chức dạy học trực tiếp; 8 địa phương kết hợp vừa dạy học trực tiếp, vừa dạy học trực tuyến, qua truyền hình; 32 địa phương phải dạy học hoàn toàn trực tuyến, qua truyền hình.

Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi các Sở GD-ĐT về việc tiếp nhận và tạo điều kiện học tập cho học sinh, trẻ em (cùng gia đình) di chuyển từ các tỉnh, thành phố về quê. Các Sở GD-ĐT phối hợp với các nhà trường tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh sớm ổn định và tiếp tục học tập tại nơi cư trú, bố trí lớp học theo đúng đối tượng, tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh chuyển đến để kịp thời đáp ứng yêu cầu học tập theo kế hoạch của nhà trường.

 Theo Phó Thủ tướng, ngành giáo dục phải có kế hoạch bổ trợ, củng cố kiến thức cho học sinh bằng những hình thức phù hợp (Ảnh: M. Hà).

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, thời điểm kết thúc năm học 2021-2022 sẽ linh hoạt. Đối với những nơi có dịch, tùy vào tình hình thực tế, có thể kết thúc năm học muộn hơn.

Tuy nhiên, khi học sinh quay trở lại học trực tiếp, hình thức học trên truyền hình, học trực tuyến vẫn là công cụ để bổ trợ, củng cố, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao khả năng tự học của học sinh. Việc ban hành chương trình học cốt lõi được áp dụng trong thời gian học trực tuyến cũng như học trực tiếp, sau đó mới củng cố, mở rộng kiến thức.

Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2022 theo hướng giữ ổn định như năm 2021, tăng cường chuẩn hóa đề thi trắc nghiệm, có thể tổ chức nhiều đợt tùy theo tình hình dịch bệnh ở các địa phương tại thời điểm tổ chức thi.

Đối với việc triển khai chương trình "Sóng và Máy tính cho em", tính đến ngày 12/10, ngành giáo dục đã huy động, vận động khoảng 66,82 tỷ đồng và hơn 800.000 thiết bị theo cam kết tài trợ của các đơn vị, doanh nghiệp.

Dự kiến, đến hết tháng 11/2021, 100.000 thiết bị học trực tuyến đầu tiên sẽ đến tay các em học sinh.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, năm học 2021-2022 diễn ra trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp trên cả nước. Đến nay, nhiều địa phương chưa cho học sinh học trực tiếp. Trong khi đó, điều kiện học tập trực tuyến không đồng đều, nhiều trẻ em nghèo trong các vùng dịch gặp nhiều khó khăn.

Ngành giáo dục phải có kế hoạch, giải pháp bảo đảm hoàn thành năm học theo kế hoạch; bổ trợ, củng cố kiến thức cho học sinh bằng những hình thức phù hợp trong ngắn hạn cũng như trong những năm học tiếp theo.

Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới, ngành giáo dục cần sẵn sàng các khâu chuẩn bị để công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2021-2022, đánh giá kết quả học tập, chất lượng học sinh cũng như tổ chức kết thúc năm học linh hoạt trong mọi tình huống; có phương án dự phòng các hoạt động bổ trợ kiến thức cho học sinh trong thời gian tiếp theo.

Trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa, Phó Thủ tướng cho biết, trong điều kiện dịch bệnh, việc thẩm định, xuất bản và đưa sách giáo khoa đến học sinh và gia đình được triển khai tương đối tốt. Bộ GD-ĐT tiếp tục sát sao hơn nữa trong công tác đổi mới chương trình, chuẩn bị và đưa sách giáo khoa mới theo hình thức "cuốn chiếu".

Tác giả: M. Hà

Nguồn tin: Báo Dân trí