Người tố giác "Cậu IT" Nhâm Hoàng Khang có bị truy tội tổ chức đánh bạc?
- 15:33 12-10-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 4/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt tạm giam bị can Nhâm Hoàng Khang về tội Cưỡng đoạt tài sản. Bị can này được biết đến là một lập trình viên nổi tiếng có biệt danh "cậu IT".
Theo thông tin ban đầu, Cục Cảnh sát hình sự nhận được đơn tố cáo Nhâm Hoàng Khang đã có hành vi đột nhập vào trang web liên quan hoạt động cờ bạc. Với trình độ tin học cao, Khang đã đột nhập, nắm các dữ liệu, bằng chứng của trang web rồi quay sang đe dọa sẽ tố cáo các sai phạm đến cơ quan chức năng.
Khang buộc chủ nhân trang web sai phạm nói trên phải chuyển 500 triệu đồng vào tài khoản cho mình. Sau nhiều lần bàn bạc, Khang đồng ý nhận 400 triệu đồng và tiền đã được chuyển.
Nhâm Hoàng Khang khi bị bắt (Ảnh: CTV). |
Theo Luật sư Nguyễn Thị Bích - Văn phòng luật sư Quốc Luật, với cáo buộc cưỡng đoạt số tiền 400 triệu đồng, bị can Nhâm Hoàng Khang sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3, Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015, có khung hình phạt từ 7 đến 15 năm tù giam.
Tuy nhiên trong vụ việc này, dư luận cũng quan tâm đến vấn đề: Người tố cáo Nhâm Hoàng Khang là người điều hành trang web liên quan đến hoạt động cờ bạc, rõ ràng là "có tật giật mình" nên mới dễ dàng chuyển tiền khi bị lộ thông tin sai phạm. Vậy người này có bị truy trách nhiệm về việc tổ chức hoạt động cờ bạc không?
Bàn về vấn đề này, dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Quách Thành Lực - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: chủ nhân trang web tố giác Nhâm Hoàng Khang đóng vai trò là người tố giác tội phạm liên quan đến hành vi cưỡng đoạt tài sản. Tuy vậy, qua hoạt động tố giác này, cơ quan điều tra có thể cũng sẽ đồng thời nhận thấy chủ trang web trên cũng là người có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Để không bỏ lọt tội phạm, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ mở rộng điều tra, xác định dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự của chủ trang web này.
Qua hoạt động điều tra nếu xác định được cá nhân đó lập trang web để tạo môi trường cho người chơi tham gia đánh bạc thì có thể xác định đây là hành vi có dấu hiệu của tội tổ chức đánh bạc theo điều 322 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Hành vi tổ chức đánh bạc thuộc trường hợp thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên hoặc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội có thể bị phạt tù đến 10 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền lên tới 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Việc chủ trang web tố giác tội phạm với hành vi cưỡng đoạt tài sản không làm ảnh hưởng việc xác định chủ trang web này có phạm tội tổ chức đánh bạc hay không. Tuy nhiên hành động đó trong trường hợp bị xác định là có hành vi phạm tội thì nó sẽ trở thành tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Cụ thể là hành vi người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm; hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, người phạm tội đã lập công chuộc tội theo quy định tại điểm t, điểm u, khoản 1 điều 51 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trong trường hợp chủ trang web bị tống tiền như ở trên, khi xác định phải tố giác hành vi tống tiền đó thì lựa chọn pháp lý đúng đắn nhất nên thực hiện là: Bước 1 tự thú về hành vi tổ chức đánh bạc nếu thực tế có hoạt động này; bước 2 là tố giác hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Hành động như vậy sẽ có nhiều tình tiết giảm nhẹ quan trọng ảnh hưởng đến việc quyết định hình phạt trong tội tổ chức đánh bạc nếu có. Cụ thể là người chủ trang web đó sẽ được xem xét hưởng tình tiết Người phạm tội tự thú theo điểm r, khoản 1 điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cũng có thể đặt ra giả thiết, chủ trang web này chỉ khởi tạo trang web, chuẩn bị phương tiện, công cụ khác với mục đích tổ chức việc đánh bạc nhưng trên thực tế chưa thực hiện hành vi phạm tội thì đây được xác định là việc chuẩn bị phạm tội. Việc chuẩn bị phạm tội về hành vi tổ chức đánh bạc thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tác giả: Khả Vân
Nguồn tin: Báo Dân trí