Nghiên cứu sáp nhập Ban Tiếp công dân vào cơ quan Thanh tra
- 10:53 11-10-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong vừa gửi Báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021 gửi Quốc hội.
Theo báo cáo này, tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2021 giảm rõ so với năm 2020. Cụ thể, số lượt người giảm 21,6%; số lượt đoàn đông người giảm 9,0%; tổng số đơn khiếu nại, tố cáo giảm 24,4%; số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 22,1%.
Tuy vậy, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Chủ yếu là, việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật ở một số lĩnh vực làm phát sinh khiếu nại, tố cáo còn chậm, chưa kịp thời.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. |
Một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu; chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân chưa cao.
Báo cáo dẫn chứng, theo báo cáo của các đơn vị, có 22,3% số lượt tiếp của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp được ủy quyền, phân công tiếp thay. Công tác xử lý đơn còn chậm, chồng chéo, sai sót về trình tự, thủ tục; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền còn chậm, có nhiều sai sót, nhất là ở cấp cơ sở.
Một số địa phương chưa tích cực rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Đến nay, còn 13 vụ việc Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, kết luận nhưng đến nay chưa giải quyết xong…
Đề cập đến nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên, theo Chính phủ có cả khách quan, chủ quan, trong đó có nguyên nhân do dịch Covid-19. Một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế hội họp và tiếp xúc nhiều người nên công tác tiếp công dân cũng phần nào bị ảnh hưởng.
Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, hiện nay, tại địa phương vừa có Ban tiếp công dân, vừa có cơ quan thanh tra nên hai cơ quan này phải phối hợp thực hiện một nhiệm vụ, mục tiêu chung là để tham mưu Chủ tịch UBND tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.
Do đó, sẽ nẩy sinh bất cập, vướng mắc, làm giảm hiệu quả trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là khi hai cơ quan này không phối hợp tốt với nhau.
Trên cơ sở đó, một trong những nhiệm vụ được đặt ra trong năm 2022 là nghiên cứu sáp nhập Ban Tiếp công dân (thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn) vào cơ quan Thanh tra (thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo).
Khi đó, cơ quan Thanh tra vừa làm nhiệm vụ tiếp công dân, vừa tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
"Vấn đề này liên quan đến quy định của Luật Thanh tra và Luật Tiếp công dân, do đó, Thanh tra Chính phủ dự kiến sẽ đưa nội dung này vào dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đồng thời, kiến nghị sửa đổi quy định của Luật Tiếp công dân có liên quan đến nội dung này", báo cáo nêu rõ.
Về nội dung này, cơ quan thẩm tra - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá, tổng kết thi hành quy định của pháp luật về tiếp công dân để kiến nghị sửa đổi trong dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), đồng thời sửa đổi quy định có liên quan của Luật Tiếp công dân.
Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ hơn nội dung nghiên cứu, rà soát, tổng kết để sửa đổi, ban hành mới các quy định pháp luật có bất cập, vướng mắc là nguyên nhân dẫn đến hạn chế, bất cập trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Theo cơ quan thẩm tra, cần cụ thể là quy định nào, tại văn bản nào, chỉ rõ trách nhiệm của bộ, ngành phải thực hiện và tiến độ hoàn thành. "Có như vậy mới giải quyết được triệt để nguyên nhân, khắc phục hiệu quả các hạn chế, yếu kém", báo cáo thẩm tra nêu.
Tác giả: Quang Phong
Nguồn tin: Báo Dân trí