Hàng loạt dự án cấp bách tại Nghệ An thành… bí bách
- 20:01 10-10-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Những hạng mục hoang lạnh tại Khu tái định cư làng chài Khe Mừ |
Giấc mơ làng chài “treo” cùng dự án
Vốn, phương pháp thực hiện, dự báo kém… được xác định là các nguyên nhân chính dẫn đến một số dự án di dân khẩn cấp khỏi vùng thiên tai, sạt lở; giải phóng mặt bằng, tái định cư trên địa bàn tỉnh Nghệ An bị chậm tiến độ. Điển hình là Dự án Tái định cư làng chài Khe Mừ ở huyện Thanh Chương, đã triển khai hơn 10 năm, tiêu hơn 70 tỷ đồng (gần 82% tổng mức đầu tư), nhưng vẫn đang dang dở.
Hơn 10 năm trước, năm 2009, UBND tỉnh Nghệ An đã đồng ý chủ trương, phê duyệt Dự án Tái định cư làng chài tại Khe Mừ, do Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 86 tỷ đồng. Năm 2010, Dự án được khởi công xây dựng trước sự vui mừng của hàng trăm hộ dân vạn chài ven sông Lam.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, những dự án bố trí dân cư khỏi vùng ảnh hưởng của thiên tai đang thực hiện dở dang tại TP. Vinh, thị xã Hoàng Mai và các huyện Hưng Nguyên, Quế Phong, Con Cuông, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Thanh Chương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tương Dương. |
Theo kế hoạch, đầu năm 2011, Dự án sẽ bàn giao đất sản xuất, nền đất ở cho 120 hộ dân vào sinh sống tại vùng Khe Mừ, xã Thanh Thủy và 45 hộ vùng đập Triều Dương, xã Thanh Lâm. Tuy nhiên, đến giờ, nhà không thấy, đất cũng chẳng có, hàng trăm hộ dân làng chài vẫn sống đói nghèo, phó mặc theo con nước.
Tại khu vực triển khai Dự án, nhiều ngôi nhà tái định cư đã bị bỏ hoang, hay trở thành nơi chăn thả trâu bò. Nhiều hạng mục công trình, như nhà trẻ mẫu giáo, nhà văn hóa cộng đồng... mới chỉ xong phần thô và đang xuống cấp trầm trọng. Tại khoảng 300 ha đất thu hồi phục vụ Dự án, đã xảy ra tình trạng tái lấn chiếm để dựng lán trại, trồng keo, khoanh nuôi chè…
Giấc mơ thay đổi cuộc sống của các hộ dân thuộc vùng Dự án Đầu tư di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai, sạt lở đất tại địa bàn xã Châu Tiến và xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp cũng bị “treo” nhiều năm nay. Dự án do UBND huyện Quỳ Hợp làm chủ đầu tư có tổng vốn 48 tỷ đồng này hiện vẫn chưa được triển khai vì không bố trí được nguồn vốn, trong khi quyết định phê duyệt dự án đã hết hiệu lực.
Làm rõ trách nhiệm
Theo HĐND tỉnh Nghệ An, hiện toàn tỉnh có 19 dự án thuộc diện cấp bách phải di dời, tái định cư cho người dân, nhưng đã kéo dài thời gian thực hiện trên dưới 10 năm. Điểm chung ở các dự án này là nguồn vốn từ ngân sách trung ương đã được bố trí khá đầy đủ, nhưng vốn đối ứng từ ngân sách địa phương rất thấp.
Tại cuộc họp thường kỳ tháng 9/2021 HĐND tỉnh Nghệ An, các ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm ở khâu kế hoạch phân bổ vốn. Đồng thời, các chủ đầu tư phải nhận rõ trách nhiệm, thiếu sót của mình để có hướng khắc phục, triển khai hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất.
“Để hoàn thành các dự án này, phải tính toán lại thứ tự ưu tiên phân bổ vốn, các sở, ngành phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm hơn trong thực hiện. HĐND đề nghị UBND tỉnh rà soát lại tất cả các dự án di dân, tái định cư chậm tiến độ để có giải pháp phù hợp; chỉ đạo thanh, kiểm tra các dự án có dấu hiệu vi phạm trong quá trình thực hiện”, ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh.
Ông Lê Hồng Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, UBND tỉnh cam kết sẽ chỉ đạo các sở, ngành xác định, ưu tiên nguồn vốn bố trí ngay từ đầu kỳ giai đoạn 2021 - 2025; đốc thúc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, quản lý, sửa chữa các hạng mục đã hoàn thành và đang xuống cấp. Và trên hết, sự phối hợp giữa các ngành sẽ phải chặt chẽ, không đùn đẩy trách nhiệm.
Tác giả: Việt Hương
Nguồn tin: nhadautu.vn