Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Doanh nghiệp gửi gắm tâm tư tới Chủ tịch Quốc hội

Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ, có biện pháp cụ thể để sống chung với dịch Covid-19, từ đó phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam vào chiều 7/10, nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội đã có nhiều kiến nghị liên quan đến môi trường chính sách, pháp luật. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới công tác phòng chống dịch Covid-19, cũng như chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Cần chương trình cụ thể để vực dậy doanh nghiệp

Tại cuộc gặp gỡ, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam đánh giá, Nghị quyết của Đại hội Đảng VIII đã ghi nhận kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là động lực phát triển của nền kinh tế. Điều này đòi hỏi nhận thức và thay đổi rất lớn trong cả hệ thống chính trị, hệ thống làm chính sách làm sao để khuyến khích và tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển.

Theo bà Thanh, sau "cơn lốc" Covid-19 với làn sóng thứ 4, các doanh nghiệp Việt Nam về cơ bản chưa đủ kĩ năng và chiến lược để quản trị rủi ro và quản trị khủng hoảng.

 Theo Bà Hà Thu Thanh, tinh thần doanh nhân và tư tưởng lãnh đạo của các doanh nhân Việt Nam phải mạnh mẽ hơn nữa trong thời đại mới. (Ảnh: DĐDN)

Để có thể hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chiến lược kinh doanh liên tục với quản trị rủi ro và quản trị khủng hoảng, đồng thời khắc phục khó khăn do ảnh hưởng đại dịch, theo bà Thanh sẽ phải có những cơ chế, chương trình đào tạo để tinh thần doanh nhân và tư tưởng lãnh đạo của các doanh nhân Việt Nam phải mạnh mẽ hơn nữa trong thời đại mới.

Cũng theo vị Chủ tịch Deloitte Việt Nam, trong nhận thức của cộng đồng doanh nhân Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra định hướng sống chung một cách an toàn, thích ứng, hiệu quả với Covid-19, muốn như vậy cơ chế phải mở.

“Tuy nhiên, các quy định, chính sách chống dịch của các địa phương hiện vẫn chưa đồng bộ đã gây khó cho các doanh nghiệp mở cửa một cách có hiệu lực”, bà Thanh nói.

Tiếp tục kiến nghị về các giải pháp trong tình hình mới, Vũ Văn Tiền - Chủ tịch Tập đoàn Geleximco nói rằng, nếu kéo dài tình trạng như hiện nay thì rất nhiều doanh nghiệp có thể không tồn tại được.

Ông Tiền cho biết đã kiến nghị Bộ GTVT phối hợp cùng chính quyền các địa phương có giải pháp để tạo điều kiện kết nối, đường thông hè thoáng, chống đứt gãy chuỗi cung ứng.

Đặc biệt, xem xét chi phí logistics, cảng biển để tránh tình trạng tăng giá quá cao, đội gánh nặng lên doanh nghiệp. Khi có các vấn đề vượt thẩm quyền cần nhanh chóng trình Chính phủ để giải quyết, tháo gỡ kịp thời.

Bên cạnh đó, ông Tiền cũng nhấn mạnh: “Về lâu dài, vấn đề nguồn lực lao động cần được chú trọng hơn bao giờ hết”.

Từ đó, Chủ tịch Geleximco đề nghị, Quốc hội và Chính phủ chỉ đạo các địa phương lên phương án chào đón cũng như hỗ trợ người lao động trở về quê hương ổn định cuộc sống để sau khi hết dịch, người dân có thể trở lại các khu công nghiệp cống hiến sức lực.

 Chủ tịch Geleximco Vũ Văn Tiền cho rằng cần chào đón cũng như hỗ trợ người lao động trở về quê hương ổn định cuộc sống để sau khi hết dịch, người dân có thể trở lại các khu công nghiệp cống hiến sức lực. (Ảnh: DĐDN)

Luật còn chồng chéo, làm khó doanh nghiệp

Cùng nêu ý kiến tại cuộc gặp, ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái bày tỏ việc ban hành các văn bản pháp luật còn thiếu sự đóng góp của doanh nghiệp, nhất là trước vấn đề phục hồi sản xuất, kinh doanh trong mùa dịch Covid-19.

Theo ông Đoàn, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp vẫn còn thụ động trong việc góp ý, nhưng một số cơ quan Nhà nước cũng còn có thái độ đại khái, sơ lược trong việc tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Hiện tượng này làm giảm bớt sự đóng góp tích cực của doanh nghiệp trong việc góp ý các văn bản pháp luật.

“Chúng ta đã hội nhập, nên việc chỉnh sửa các văn bản pháp luật cũng phải có tính hội nhập, thì sau này các dịch vụ pháp lý ở Việt Nam mới có cơ hội phát triển. Thực tế có rất nhiều hợp đồng kinh tế được ký kết, thì đều xét xử theo luật nước ngoài chứ không áp dụng luật Việt Nam. Đây cũng là điều mà Việt Nam chưa hội nhập được nhiều”, ông Đoàn nói.

 Ông Phạm Đình Đoàn.

Vị Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, đến nay, việc hỗ trợ pháp luật chưa đồng đều vẫn có sự khác nhau giữa các địa phương vùng miền. Vì vậy, cần triển khai đồng bộ các nội dung hỗ trợ của luật, thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành, ví dụ như Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM cũng kiến nghị, cần có thêm các chính sách đặc thù hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại tại khu vực bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch.

Ông kiến nghị, Quốc hội cần xem xét xây dựng Luật Chính sách tài khóa, giải quyết và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, kéo giãn, hoãn nợ thuế kéo dài đến 2 năm.

“Đây là khoản bảo lãnh tín dụng Quốc gia cho doanh nghiệp vay và các doanh nghiệp có trách nhiệm phải đảm bảo tính khả thi về các phương án kinh doanh, cũng như tính minh bạch và giám sát chặt chẽ hoạt động”, ông Dũng nêu.

Mặt khác, ông Dũng phản ánh, vẫn còn nhiều văn bản, luật chồng chéo nhau làm ảnh hưởng đến các nguồn lực của doanh nghiệp.

Chính vì vậy, Hiệp hội doanh nghiệp Tp.HCM kiến nghị Quốc hội nhanh chóng tháo gỡ, giải tỏa những điều khoản đang còn vướng mắc, chồng chéo để tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp tục.

Không giới hạn hỗ trợ ngành tiềm năng

Kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nafoods Group cho biết, dù chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng doanh nghiệp đã thực hiện số hoá nên có kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm khả quan.

Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch, ông Hùng mong muốn các chính sách hỗ trợ phải được triển khai một cách nhanh nhất, đơn giản và tối giản nhất. Cùng với đó, ông Hùng đề nghị Quốc hội sớm có những quyết sách đột phá để ngành nông nghiệp ngày càng phát triển.

“Do ảnh hưởng của Covid-19, nông nghiệp nổi nên như bệ đỡ của nền kinh tế. Thời gian tới, để ngành nông nghiệp tiếp tục được phát triển chúng tôi cần những chính sách mang tính chất đột phá”, ông Hùng nói và đề nghị các chính sách hỗ trợ phải được công bằng.

Theo vị Chủ tịch Nafoods, hiện nay, hầu hết các chính sách hỗ trợ đều có tiêu chí chỉ hỗ trợ doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ. Vì vậy, ông kiến nghị với những ngành tiềm năng không nên giới hạn sự hỗ trợ. “Chúng ta có thể hỗ trợ những doanh nghiệp có quy mô lớn bởi đây là những doanh nghiệp có tính dẫn dắt trên thị trường”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ông cũng đề xuất cần chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp, ưu tiên chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp nông nghiệp sẽ ngày càng phát triển và trở thành bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế nếu những chính sách liên quan đến chuyển đổi số trong nông nghiệp được quan tâm đúng mực”, ông Hùng nhấn mạnh.

 Tại buổi gặp mặt, các doanh nghiệp, hiệp hội đã có nhiều kiến nghị liên quan đến môi trường chính sách, môi trường pháp luật của giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh: DĐDN)

Ông Lê Văn Quang - CEO Tập đoàn Thuỷ hải sản Minh Phú kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội đề xuất xây dựng tiểu khu quy hoạch, gồm quy hoạch khu đô thị biển, cảng biển với khu công nghiệp chế biến cá, sản phẩm biển.

Khẳng định Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa, vựa tôm… với những sản phẩm giá trị, ông Quang nhận định, giá trị các sản phẩm nông nghiệp tại ĐBSCL có thể tăng 20% giá trị hơn hiện nay.

“Nhưng việc phát triển các sản phẩm chỉ hiệu quả khi được quy hoạch vùng được quy hoạch đúng”, ông Quang nói.

Theo đó, ông Quang cho rằng, ĐBSCL phải được quy hoạch theo sự thuận thiên, phù hợp với điều kiện khí hậu, người dân phải làm giàu trên chính mặt đấy của mình, giải quyết việc làm thu nhập cho những người dân từ các tỉnh Bình Dương, Tp.HCM về gần đây.

“Quy hoạch kinh tế thuỷ sản phải được tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của từng tỉnh và cũng như của vùng”, ông Quang nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, CEO Tập đoàn Thuỷ hải sản Minh Phú kiến nghị Chủ tịch Quốc hội xem xét lại chính sách sản phẩm nông nghiệp không chịu thuế VAT, tức thuế VAT bằng 0%.

“Sản phẩm nông nghiệp không được đối trừ thuế VAT đầu vào với thuế VAT đầu ra, như vậy, tưởng như được hỗ trợ nhưng lại không được hỗ trợ khấu trừ. Doanh nghiệp không được hoàn thuế VAT trong khi đầu vào vẫn phải chịu thuế VAT. Như vậy là bất hợp lý”, ông Quang kiến nghị.

Tác giả: Thu Huyền - Mạnh Quốc

Nguồn tin: nguoiduatin.vn