Truy tố hai kẻ lừa "chạy án" cho người phụ nữ tham gia đường dây mang thai hộ
- 07:17 07-10-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
VKSND Tp.Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Vũ Huy Hoàng (27 tuổi, nhân viên ngân hàng, ở Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) và Ngô Thị Thanh Thảo (25 tuổi, ở Mỹ Đình I, Nam Từ Liêm, Hà Nội) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị hại là chị Phạm Thị H. (28 tuổi, quê Cẩm Giàng, Hải Dương).
Theo hồ sơ vụ án, khoảng tháng 2/2019, chị H. quen biết một số đối tượng người Trung Quốc làm dịch vụ mang thai hộ. Do biết tiếng Trung Quốc, chị H. được nhờ làm phiên dịch cho nhóm người trên.
Ngày 2/11/2020, chị H. nhận được điện thoại yêu cầu đón 2 người được thuê mang thai hộ, trong đó có chị C.T.K. 24 tuổi, ở Tp.HCM. Sau khi đón người, chị H. đưa họ đi khám sức khỏe tại một bệnh viện trên địa bàn Hà Nội.
Do chị K. nặng hơn 60kg nên người phụ nữ này bị người nhờ mang thai hộ bên Trung Quốc từ chối. Lúc này, chị K. đòi đi về và yêu cầu chị H. phải trả tiền phí đi đường cho mình. Vì chị H. không đưa tiền và bị môi giới nói mình phải tự trả phí, chị K. đã đến Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) trình báo.
Lo sợ, chị H. nhờ Ngô Thị Thanh Thảo thuê luật sư để bảo vệ quyền lợi cho mình. Qua một người bạn, Thảo và chị H. biết Vũ Huy Hoàng.
Thảo sau đó đã kể lại cho Hoàng nghe sự việc của chị H. Nghe xong, Hoàng nhận lời sẽ giúp chị H. không bị xử lý hình sự hoặc nếu bị xử lý hình sự thì chỉ bị xử án treo.
Sau khi nhận lời giúp chị H., Hoàng đã gọi điện cho một người để nhờ giúp đỡ. Tuy nhiên sau đó Hoàng bị bạn từ chối.
Cơ quan chức năng xác định, sau đó, Hoàng và Thảo đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của chị H.
Từ ngày 14-19/11/2020, hai bị can đã dùng thủ đoạn gian dối bằng việc đưa ra những thông tin không đúng sự thật. Thảo và Hoàng đã chiếm đoạt của chị H. hơn 319 triệu đồng và 2.000 USD.
Cáo trạng xác định, Hoàng được hưởng lợi 286 triệu đồng, Thảo được hưởng lợi hơn 78 triệu đồng. Chiếm đoạt được tiền, Hoàng dùng hơn 44 triệu đồng chơi lô đề.
Đối với chị H., sau khi đến công an tố cáo Hoàng, Thảo và yêu cầu họ phải hoàn trả cho mình số tiền đã chiếm đoạt, chị này đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú do đang bị Công an quận Tây Hồ điều tra về hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Mang thai hộ vì mục đích thương mại, bị xử lý như thế nào? Theo khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2015, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo “là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con”. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản. Các bên nhờ và được nhờ mang thai hộ phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật. Ví dụ, vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện như: có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện như: là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Như vậy, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là hành vi hợp pháp, nhưng cần đáp ứng các điều kiện nêu trên. Ngược lại, một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại điểm g khoản 2 Điều 5 của Luật này là “thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính”. Mang thai hộ vì mục đích thương mại, theo khoản 23 Điều 3 của Luật này, “là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác”. Người có hành vi vi phạm quy định nêu trên, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra, có thể bị xử lý hành chính, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Xử lý hành chính: Khoản 1 Điều 60 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, sinh sản vô tính, mang thai hộ vì mục đích thương mại”. Đồng thời, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 2 của Điều này là “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này”. Xử lý hình sự: Điều 187 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại như sau: “1. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Đối với 02 người trở lên; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức; d) Tái phạm nguy hiểm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”. Căn cứ quy định nêu trên, người có hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại có thể bị xử lý hành chính bằng hình thức phạt tiền tối đa là 10 triệu đồng. Người tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại có thể bị xử lý hình sự, với mức hình phạt cao nhất là 5 năm tù. |
Tác giả: Tuệ Minh
Nguồn tin: nguoiduatin.vn