Dụ dỗ vị thành niên hoạt động khiêu dâm: Vấn nạn rình rập trên mạng xã hội
- 07:29 06-10-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trẻ vị thành niên có thể bị lạm dụng bởi các hội, nhóm độc hại trên mạng xã hội
Các nội dung 18+ đang "bành trướng" trên các mạng xã hội thời gian gần đây. Nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội không chỉ lan truyền những hình ảnh nhạy cảm, dung tục mà còn lôi kéo vị thành niên vào các hoạt động đồi trụy như chat sex, bán dâm.
Điển hình là việc hàng loạt nhóm cộng đồng trên Facebook mang danh vị thành niên sinh năm 2009, 2010, 2011... đăng tải các nội dung dung tục, độc hại, ảnh hưởng xấu tới sự phát triển tâm lý và nhân cách của giới trẻ.
Hình ảnh của trẻ vị thành niên được sử dụng để quảng cáo hoạt động khiêu dâm trên một hội, nhóm mang danh thế hệ Gen Z (Ảnh: Chụp màn hình). |
Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp) nhận định về vấn đề này: "Hiện nay, để tạo lập tài khoản, tham gia vào mạng xã hội rất đơn giản. Việc thành lập các hội nhóm Facebook đối với từng lứa tuổi, từng lĩnh vực, từng ngành nghề cũng rất dễ dàng. Người điều hành các trang thông tin, các trang mạng đó chưa chắc đã phải là người thuộc hội nhóm đó.
Có thể nhiều đối tượng xấu đã thành niên thành lập các hội, nhóm thu hút những người chưa thành niên tham gia, theo đó bọn chúng có thể đưa ra những "chiêu bài" hấp dẫn để lôi kéo vị thành niên tham gia vào các mối quan hệ tình cảm không lành mạnh, thậm chí có thể bị lạm dụng tình dục; mặt khác thu thập trái phép thông tin, hình ảnh của người tham gia, đặc biệt là những hình ảnh khỏa thân, đồi trụy của trẻ em...
Nếu trẻ em sử dụng mạng xã hội mà thiếu sự quản lý của cha mẹ, thầy cô, người giám hộ thì những nguy hiểm luôn rình rập, những đứa trẻ có thể bị bắt nạt, bị lạm dụng, bị ảnh hưởng bởi các thông tin xấu, độc dẫn đến tư duy, nhận thức lệch lạc, có thể ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em".
Bởi vậy, TS. LS Đặng Văn Cường cho rằng, ngoài việc cha mẹ giám sát, giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ bản thân cho trẻ em trên môi trường mạng xã hội, vai trò quản lý của cơ quan chức năng cũng rất quan trọng và cần thiết.
Các cơ quan chức năng cần kiểm tra, rà soát, phát hiện các hội nhóm có dấu hiệu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hội nhóm thiếu lành mạnh, có nguy cơ gây tổn hại, xâm hại trẻ em để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
Quy định pháp luật xử lý những kẻ lợi dụng mạng xã hội để lôi kéo vị thành niên hoạt động khiêu dâm
TS. LS Đặng Văn Cường cho hay, theo quy định tại điều 8, điều 16, điều 17, điều 18 của Luật An ninh mạng, các hành vi bị cấm trên môi trường mạng bao gồm: thu thập trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân của người khác; xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác; đưa tin sai sự thật, đưa những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, trái với thuần phong mỹ tục...
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường: "Pháp luật Việt Nam có tương đối đầy đủ các chế tài hành chính và hình sự để bảo vệ quyền trẻ em theo quy định của pháp luật, luật trẻ em và các công ước về Quyền trẻ em. Vấn đề ở chỗ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em phải thực hiện hết chức trách nhiệm vụ của mình". (Ảnh: NVCC) |
Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào đối tượng vi phạm và hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp hành vi thu thập thông tin trái phép, sử dụng trái phép thông tin của người khác, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, đưa các thông tin xấu độc, thông tin sai sự thật mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm có thể bị phạt đến 30.000.000 đồng theo quy định của Nghị định số 15 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện.
Trường hợp hành vi đưa các thông tin trái phép trên mạng Internet mà gây bức xúc trong dư luận, có hậu quả nghiêm trọng thì đối tượng vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trường hợp các đối tượng đưa lên các hội nhóm các hình ảnh khiêu dâm, đồi trụy, tác động xấu đến tâm lý, nhận thức của trẻ em thì hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.
Nếu lợi dụng các thông tin, hình ảnh nhạy cảm của trẻ em để đe dọa uy hiếp tinh thần của trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản, nếu sử dụng các thông tin đó để nhằm mục đích quan hệ tình dục với nạn nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm, tội cưỡng dâm.
Trường hợp hành vi lôi kéo dụ dỗ người chưa thành niên vào các hoạt động khiêu dâm thì cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự...
Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là trách nhiệm chung
Theo TS. LS. Đặng Văn Cường, bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật không chỉ trách nhiệm của cha mẹ mà còn là trách nhiệm của nhà nước, của cơ quan tổ chức. Việc bảo vệ trẻ em căn cứ theo quy định của pháp luật, tiêu biểu là Luật trẻ em, luật hôn nhân và gia đình, bộ luật dân sự, luật an ninh mạng và các văn bản pháp luật có liên quan...
Nhóm 800.000 thành viên trên mạng xã hội, dùng hình ảnh trẻ em để "tuyển gái", tuyển người yêu cùng độ tuổi (Ảnh: Chụp màn hình) |
Với mục đích bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, ngày 09/05/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/07/2017 với 5 nội dung: quy định về thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em; truyền thông, giáo dục, nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; bảo đảm an toàn cho trẻ em trong việc trao đổi, cung cấp thông tin trên môi trường mạng; các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng; các biện pháp hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng.
Căn cứ vào quy định của pháp luật nêu trên, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, bố mẹ, thầy - cô giáo, người giám hộ có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật để giám sát, giáo dục, bảo vệ trẻ em đặc biệt là trẻ em khi tham gia các hoạt động trên môi trường mạng.
Cần giáo dục kỹ năng, nhận thức của trẻ em khi tham gia môi trường mạng để tránh bị lợi dụng, lạm dụng, bị lôi kéo vào các hội nhóm thiếu lành mạnh, gây tổn hại đến danh dự nhân phẩm, đến tâm lý, đời sống, sức khỏe của trẻ em.
"Có thể nói rằng pháp luật Việt Nam có tương đối đầy đủ các chế tài hành chính và hình sự để bảo vệ quyền trẻ em theo quy định của pháp luật, luật trẻ em và các công ước về Quyền trẻ em.
Vấn đề ở chỗ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ trẻ em phải thực hiện hết chức trách nhiệm vụ của mình, phải quan tâm hơn nữa đối với trẻ em để tránh việc trẻ em sa đà vào các hoạt động nguy hiểm, có nguy cơ gây tổn hại đến đời sống, tâm lý, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, đặc biệt là những nguy cơ, mối đe dọa trên không gian mạng", vị luật sư này nói.
Thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 , bùng nổ thông tin như hiện nay, việc sử dụng các thiết bị thông minh có kết nối Internet toàn cầu trở thành một xu hướng không thể thiếu trong đời sống xã hội, trong đó có sự tham gia đông đảo của giới trẻ.
Bởi vậy, việc giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho giới trẻ khi tham gia vào các hoạt động trên không gian mạng là cần thiết. Khi trẻ em một mình trên không gian mạng, thiếu sự quản lý của người lớn thì cũng chẳng khác gì thả đứa trẻ vào rừng hoặc đẩy vào môi trường xã hội mà không có người lớn đi kèm.
Tác giả: Mai Châm (ghi)
Nguồn tin: Báo Dân trí