Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Số lượng thí sinh trúng tuyển cao gấp 16 lần chỉ tiêu

Các trường khẳng định số lượng thí sinh trúng tuyển cao hơn chỉ tiêu nhiều lần không có nghĩa trường tuyển quá mức cho phép. Thực tế, con số thí sinh ảo rất lớn.

Trong đợt 1 xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường công bố danh sách trúng tuyển với số lượng cao gấp nhiều lần so với chỉ tiêu đưa ra trong đề án tuyển sinh. Tuy nhiên, không ít ngành lại không tuyển đủ.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là số lượng thí sinh có điểm xét tuyển cao hơn hoặc bằng điểm chuẩn, không phải 100% số này đều xác nhận nhập học.

 Nhiều trường gọi số lượng thí sinh trúng tuyển lớn để dự phòng tình trạng ảo. Ảnh minh họa: Chí Hùng.

Nhiều trường có số lượng thí sinh trúng tuyển cao gấp nhiều lần chỉ tiêu

ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM là một trong những trường lấy số lượng thí sinh trúng tuyển cao gấp nhiều lần so với chỉ tiêu tuyển sinh đã công bố.

Cụ thể, ngành Quản trị kinh doanh có số lượng thí sinh trúng tuyển lên đến 943 em trong khi chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT là 60 em. Ngành Công nghệ thông tin cũng lấy số thí sinh trúng tuyển cao gấp 8 lần so với chỉ tiêu. Chênh lệch giữa hai con số này ở ngành Quản lý đất đai là 4,6 lần.

 

Một số ngành khác (Hệ thống thông tin, Quản lý tài nguyên và môi trường, Kinh tế tài nguyên thiên nhiên) cũng lấy nhiều thí sinh hơn chỉ tiêu nhưng chênh lệch không đáng kể.

Tại ĐH Đà Lạt, tình trạng thừa thiếu cũng xảy ra ở các ngành với mức chênh lệch lớn.

Trong số 41 ngành xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, trừ 3 ngành không có số liệu về số lượng thí sinh trúng tuyển, 22 ngành có con số này lớn hơn chỉ tiêu.

Trong đó, số lượng thí sinh trúng tuyển vào ngành Sư phạm Lịch sử cao gấp 6,5 lần chỉ tiêu, ngành Sư phạm Hóa học cao gấp 6,1 lần. Con số này ở ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành là 5,95 lần, Quản trị kinh doanh 5,05 lần, ngành Luật 4,38 lần.

ĐH Đồng Nai cũng có số lượng thí sinh trúng tuyển cao hơn chỉ tiêu ở nhiều ngành khi tuyển sinh theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Thực tế, trừ ngành Giáo dục Mầm non, 9 ngành còn lại đều gọi thí sinh trúng tuyển nhiều hơn chỉ tiêu. Trong đó, ngành Quản trị kinh doanh lấy gấp 4,5 lần, ngành Sư phạm Tiếng Anh gấp 2,62 lần.

Ngoài ra, theo danh sách trường công bố, số lượng thí sinh đã xác nhận nhập học ở nhiều ngành cũng vượt quá chỉ tiêu. Thậm chí, 280 em xác nhận nhập học ngành Quản trị Kinh doanh dù chỉ tiêu cho ngành chỉ có 90 em. Tương tự, ở ngành Ngôn ngữ Anh, con số này là 247 em trên 160 chỉ tiêu.

Các ngành Giáo dục Tiểu học, Sư phạm Toán, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Tiếng Anh đều có số lượng thí sinh xác định nhập học cao hơn gấp 2 lần so với chỉ tiêu tuyển sinh.

ĐH Lao động - Xã hội cũng gọi số lượng thí sinh trúng tuyển lớn, gấp nhiều lần chỉ tiêu tuyển sinh.

Cụ thể, ở Hà Nội, trường tuyển 2.200 chỉ tiêu cho 12 ngành. Song số lượng trúng tuyển lên đến gần 4.200 em, tức gấp 1,9 lần. Trong đó, 11 ngành lấy số thí sinh đỗ cao hơn chỉ tiêu, mức chênh lệch rơi vào khoảng 1,4-3,9 lần.

Ở cơ sở TP.HCM, ĐH Lao động - Xã hội tuyển 800 chỉ tiêu cho 10 ngành và số lượng thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT là 1.276 em.

Cả 10 ngành đều có số lượng trúng tuyển cao hơn chỉ tiêu, trong đó, ngành Kinh tế lấy gấp 3,3 lần.

Có ngành chỉ tuyển được 1-2 thí sinh

Tuy nhiên, cũng ngay tại những trường có số lượng thí sinh trúng tuyển ở nhiều ngành vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh, không ít ngành lại gặp khó khăn trong tuyển sinh.

Như tại ĐH Tài nguyên và Môi trường, 11 trên tổng số ngành còn lại, số lượng thí sinh trúng tuyển thấp hơn chỉ tiêu, trong đó, ngành Kỹ thuật tài nguyên nước có 3 thí sinh trúng tuyển (khoảng 1/13 chỉ tiêu), ngành Quản lý tài nguyên khoáng sản có 2 em (1/10 chỉ tiêu).

Ngành Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững cùng ngành Quản lý tài nguyên và môi trường biển đảo tuyển được 5 thí sinh trong khi đều có 20 chỉ tiêu.

 

Ngành Khoa học dữ liệu và Sinh học đều có 3 thí sinh trúng tuyển dù chỉ tiêu hai ngành này lần lượt là 20 và 25 em.

Các ngành Công nghệ thực phẩm, Công nghệ sau thu hoạch, CN KT điều khiển và tự động hóa, Toán học chỉ có 5 thí sinh đạt điểm xét tuyển cao hơn hoặc bằng điểm chuẩn.

Tại ĐH Đồng Nai, ngành Giáo dục Mầm non lại chỉ có 44 thí sinh trúng tuyển, 42 em xác nhận nhập học dù chỉ tiêu đặt ra cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT là 105 em.

ĐH Lao động - Xã hội chỉ có một ngành mà thí sinh trúng tuyển thấp hơn chỉ tiêu - ngành Hệ thống thông tin quản lý đào tạo tại Hà Nội. Trong đợt xét tuyển vừa qua, 28 thí sinh đỗ, tương đương 70% chỉ tiêu.

Gọi nhiều thí sinh trúng tuyển vì “ảo”

Trước tình trạng số lượng thí sinh trúng tuyển chênh lệch lớn với chỉ tiêu, các trường cho biết việc này nhằm dự phòng cho trường hợp thí sinh ảo hoặc không xác nhận nhập học.

Với những thí sinh đăng ký xét tuyển bằng nguyện vọng 2, 3, 4, tỷ lệ nhập học là 0%. Tỷ lệ nhập học đối với thí sinh trúng tuyển, đặt nguyện vọng 1 vào trường cũng chỉ đạt 30-50%.

PGS.TS Huỳnh Quyền

Trao đổi với Zing, TS Nguyễn Thị Giáng Hương, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, ĐH Lao động - Xã hội, cho hay khi xác định danh sách thí sinh trúng tuyển, trường tính toán cả việc số lượng thí sinh ảo. Thí sinh đủ điểm trúng tuyển nhưng nộp giấy về trường, xác nhận nhập học hay không lại là chuyện khác.

“Hiện tại, trường vẫn đang trong thời gian cho thí sinh nhập học. Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhiều thí sinh ở trong vùng cách ly, trường chưa chốt được số lượng thí sinh tuyển được của năm nay”, bà Giáng Hương nói thêm.

Tương tự, PGS.TS Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, nhấn mạnh con số gọi nhập học và con số nhập học thực tế khác nhau hoàn toàn. Theo ông, trường đại học nào cũng vậy và “con số trúng tuyển rất ảo”.

Ông Quyền giải thích số lượng thí sinh trúng tuyển là con số của cả 4 nguyện vọng đủ để xét vào trường. Trong khi đó, với những thí sinh đăng ký xét tuyển bằng nguyện vọng 2, 3, 4, tỷ lệ nhập học là 0%. Và theo kinh nghiệm các năm trước, tỷ lệ nhập học đối với thí sinh trúng tuyển, đặt nguyện vọng 1 vào trường cũng chỉ đạt 30-50%.

Ông khẳng định về công tác tuyển sinh, ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM sẽ lấy đủ chỉ tiêu theo đề tài tuyển sinh, không lấy số lượng vượt quá chỉ tiêu đã công bố. Trường cũng đang tổng hợp số liệu nhập học thực tế để báo cáo về Bộ GD&ĐT.

Nói về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho biết bộ có quy định để quản lý chỉ tiêu tuyển sinh. Những trường tuyển quá số lượng đã ghi trong đề án sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bà Thủy cho rằng chưa thể kết luận những trường có số lượng thí sinh trúng tuyển cao hơn chỉ tiêu là đã tuyển quá chỉ tiêu vì thực tế, số lượng thí sinh ảo nhiều.

Bà thông tin thêm các trường tuyển sinh đến hết 31/12, chờ sinh viên nhập học, đưa dữ liệu vào hệ thống mới có con số chính xác.

Tác giả: Nguyễn Sương

Nguồn tin: zingnews.vn