"Tôi muốn sống được từ rừng và suối của bản, không phải đi xa nhà nữa... "
- 19:41 05-10-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khởi nghiệp từ một cặp trâu, bò
Năm 2013 tốt nghiệp Đại học với tấm bằng kỹ sư nông nghiệp, anh Vi Văn Thoong (SN 1988, trú tại bản Piêng Lau, xã biên Na Loi, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) ước mong trở thành cán bộ, công chức để có thể hỗ trợ cho nhân dân tại quê nhà nhiều hơn trong công tác xóa đói, giảm nghèo.
Sau 2 năm chờ đợi vì chưa có duyên với công việc mong ước, thay vì đi làm ăn xa như bao bạn bè khác, anh Thoong quyết đem những kiến thức đã học được trên giảng đường đại học áp dụng vào thực tế ngay tại quê nhà.
"Khi vợ chồng cưới nhau, được 2 bên nội ngoại tặng cho một cặp trâu, bò. Từ đó, tôi quyết định xây dựng mô hình kinh tế từ cặp trâu bò giống này. Bản thân có kiến thức về chăn nuôi nay nên mô hình phát triển tương đối tốt, bước đầu đã đủ cái ăn, cái mặc, nhất là vươn lên thoát hộ nghèo của xã", anh Thoong chia sẻ.
Theo anh Thoong, để làm được mô hình chăn nuôi như thế này thì phải chịu khó, kiên trì và phải có kiến thức về chăn nuôi, biết phòng, dịch bệnh cho trâu bò; đồng thời phải có đất để trồng cỏ bổ sung thức ăn khi mùa khô và vỗ béo cho những con sẽ xuất chuồng thì trâu bò mới phát triển tốt, bán mới được giá.
Với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, ý chí vươn lên, không cam chịu đói nghèo, từ một cặp trâu bò ban đầu, nay mô hình của anh Thoong đã phát triển thành đàn với khoảng gần 40 con trâu, bò…
Bên cạnh đó gia đình anh Thoong còn nuôi thêm ngan, gà, vịt, 2 ao cá, 1 ha ruộng, đặc biệt có một vườn xoan 7.000 cây 5 năm tuổi; mỗi năm mô hình cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng đã trừ các khoản chi phí.
Trang trại của anh Vi Văn Thoong, tại bản Piêng Lau, xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn (Ảnh: Nguyễn Duy). |
Trang trại giữa đại ngàn
Trang trại tổng hợp của anh Thoong được xây dựng ở khuất sâu trong khu vực rừng sản xuất gia đình tại bản Piêng Lau, xã Na Loi. Từ trung tâm xã để vào được trang trại của anh Thoong chỉ có một con đường duy nhất là lội bộ ngược dòng suối Huồi Lê, với những con dốc trơn trượt, cây bụi um tùm.
Phải mất gần 3 giờ đồng hồ quăng quật qua suối, sườn núi với những cung đường trơn trượt, chúng tôi mới đến được trang trại của anh Thoong. Nơi đây là một khu vực rộng hàng chục ha được anh Thoong quy hoạch thành một trang trại tổng hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Trải dài theo con suối là hơn 1 ha lúa chuẩn bị đến ngày thu hoạch.
Vừa bổ sung thêm muối cho đàn trâu, bò béo mẫm, anh Thoong khoe, từ đầu năm đến nay đã bán 5 con với giá trung bình khoảng 45 triệu đồng/con.
Hiện nay trang trại của Thoong có khoảng 40 con trâu, bò lớn nhỏ (Ảnh: Nguyễn Duy). |
"Tôi muốn rẫy của mình, rừng của mình, dòng suối của bản nuôi mình, không còn phải xa nhà nữa. Từ đó em quyết tâm học Đại học nông nghiệp để bổ trợ kiến thức về trồng cây, chăn nuôi. Mấy năm học hết khoảng 80 triệu đồng với mình số tiền này nhiều lắm", anh Thoong chia sẻ.
"Có học mới biết được cách chọn con giống, hạt giống, cải tạo đất, trồng cỏ làm thức ăn cho bò, rồi tiêm phòng các loại dịch bệnh. Cũng từ đó, đàn trâu, bò của tôi phát triển ổn định, dù các vùng khác có dịch nhưng ở trang trại tôi vẫn ổn định", anh Thoong chia sẻ.
Với quyết tâm của người con đồng bào dân tộc Thái vượt suối, băng rừng, anh Thoong đã thực sự bắt kiến thức mình được học "đẻ" ra tiền.
Những con bò được anh Thoong cho ăn muối hằng ngày. Anh Thoong bảo, cho chúng ăn muối sẽ quen và chỉ cần gọi là nó kéo nhau về (Ảnh: Nguyễn Duy). |
Nguồn thu từ trang trại tổng hợp đã vượt xa những gì mà anh Thoong mong đợi, lúa gạo không những dư sức ăn mà còn hỗ trợ thêm anh em, họ hàng trong mùa giáp hạt. Đàn trâu, bò không ngừng sinh sôi mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Bà Hà, Chủ tịch UBND xã Na Loi cho biết: "Anh Thoong không những làm kinh tế giỏi mà còn là một Bí thư Chi đoàn bản Piêng Lau, một đảng viên trẻ năng nổ, nhiệt tình. Anh Thoong luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ những thanh niên trong bản phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Bằng sự nỗ lực của mình, tại kỳ bầu cử Hội đồng Nhân xã vừa qua, anh Thoong được cử tri tin tưởng, tín nhiệm giới thiệu, bầu vào đại biểu Hội đồng nhân dân xã Na Loi, nhiệm kỳ 2021-2026".
Nhờ áp dụng những kiến thức đã được học vào thực tế, anh Thoong đã quy hoạch, khoanh vùng khu vực đất rừng của gia đình mình trở nên quy củ hơn. Đã biết bao ngày lội suối gùi vật liệu, ăn ngủ trong rừng để xây dựng trang trại để hiện thực hóa ước mơ của mình. Giờ đây, anh đã định hình được trang trại rộng hơn 25 ha.
Với sự kiên trì, quyết tâm, không ngại gian khổ, vươn lên làm giàu chính đáng, anh Vy Văn Thoong xứng đáng là tấm gương giàu nghị lực và tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Có được thành công ngày hôm nay là cả một quá trình kiên trì, bền bỉ của chàng trai Thái khiến nhiều người khâm phục.
Anh Vi Văn Thoong chia sẻ với PV Dân trí (Ảnh: Thái Hòa). |
Đàn trâu của anh Thoong phát triển tốt, mỗi con có giá trị hàng chục triệu đồng (Ảnh: Nguyễn Duy). |
Anh Thoong tiết lộ, mỗi năm thu nhập từ trang trại khoảng 200 triệu đồng trừ các chi phí (Ảnh: Nguyễn Duy). |
Anh Thoong còn sắm cả máy xay xát để khi lúa gặt xong cho vào máy xay ra thành phẩm rồi mang về nhà (Ảnh: Nguyễn Duy). |
Căn nhà của anh Thoong - nơi trang trại có khoảng 40 con trâu, bò cùng nhiều gà, vịt, ngan... |
Ngoài chăn nuôi trâu, bò, anh Thoong còn nuôi hàng trăm con gà, ngan, vịt... (Ảnh: Nguyễn Duy). |
Tác giả: Nguyễn Duy
Nguồn tin: Báo Dân trí